So với năm 2008, xuất khẩu cà phê năm 2009 tăng 14,9% về lượng nhưng giảm 19,2% về giá. Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) thì 75% cà phê Việt Nam không đạt chuẩn, trong khi Indonesia chỉ có 9%. Điều này ảnh hưởng đến uy tín và có cớ để người mua trả giá thấp.
Đi tìm nguyên nhân
Hai công đoạn hái quả và lưu giữ quả tươi có ảnh hưởng nhiều nhất đến chất lượng sản phẩm sau cùng của cà phê xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, nông dân thu hái cà phê chia làm 2-3 đợt nên tỷ lệ quả xanh khá cao, chiếm gần 32%. Có hai lý do chính cho việc thu hái cà phê ít đợt và hái lẫn quả xanh là vì vườn cây xa nhà khó bảo vệ sản phẩm và công thu hái đắt đỏ trong mùa thu hoạch.
![]() |
Thu hoạch cà phê. Ảnh: Đức Thụy |
Việc lưu giữ quả cà phê tươi sau thu hái hoặc trước khi phơi cũng là tình trạng rất phổ biến của người trồng và kinh doanh cà phê hiện nay. Có nhiều hộ lưu giữ đến 8 ngày. Lý do là không đủ sân phơi vào thời điểm thu hoạch rộ và với suy nghĩ rằng việc ủ sẽ làm cho vỏ quả bớt cứng, giúp phơi cà phê nhanh khô và công việc xát khô tách bỏ vỏ quả sau này sẽ dễ dàng hơn. Nhưng thực tế việc lưu giữ quả tươi lâu đã làm giảm chất lượng cà phê. Kết quả phân tích cho thấy đã có 0,72% khối lượng cà phê lưu giữ đã chuyển sang màu đen và đen một phần. Các hạt đen sinh ra trong quá trình ủ quả chủ yếu đến từ quả xanh và xanh non. Theo cách tính lỗi của TCVN 4193, một hạt xanh non tính 0,2 điểm lỗi, nhưng một hạt đen bị tính 1 điểm lỗi, cao gấp 5 lần so với hạt xanh non. Một mẫu cà phê nhân 300 gam nếu ủ nhiều ngày đã làm tăng gần 50 điểm lỗi so với không ủ. Trong khi ủ cũng làm tăng thêm 3,45 hạt nâu tương ứng 19 điểm lỗi do các quả chín lên men trong quá trình ủ.
Hiện nay, hầu hết cà phê nông hộ ở Tây Nguyên đều chế biến theo phương pháp khô, chỉ một ít nông hộ chế biến theo phương pháp ướt. Trong chế biến khô, sân phơi là phương tiện quan trọng nhất. Nông dân sử dụng sân đất là phổ biến (chiếm đến 66%). Việc sử dụng sân đất giúp nông dân ứng phó với điều kiện bất lợi của thời tiết, nhất là khi quả còn tươi, vì sân đất không đọng nước, nhưng chính nó đã làm tăng thêm mùi vị bẩn trong tách cà phê sau này. Khi phơi ít đảo đều và phơi quá dày cũng làm cho việc phơi kéo dài là nguy cơ cà phê bị nhiễm mốc cao.
Thực tế nêu trên đã khiến cho hầu hết các mẫu cà phê do nông hộ chế biến có số lỗi vượt quá tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu. Đây là gánh nặng cho các đại lý, nhà máy thu mua tái chế và xuất khẩu cà phê nhân vì phải bỏ công tuyển chọn, phân loại hạt rất lớn đã đẩy giá thành lên cao.
Giải pháp khắc phục
![]() |
Phơi cà phê. Ảnh: Đức Thụy |
Theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng cà phê, người trồng cà phê nên bố trí nhân công thu hái cà phê làm nhiều đợt. Khi thấy cà phê chín là thu hái dần vừa đảm bảo chất lượng, tránh cà phê chín nẫu, khô và hái lẫn nhiều quả xanh, vừa tốn ít nhân công và chủ động sân phơi...
Ông Hưng- một người trồng cà phê ở TP. Pleiku cho biết: Nếu thu hái cà phê làm nhiều đợt thì 1 ha cà phê chỉ cần một lao động cũng đảm nhận được từ khâu chăm sóc đến thu hoạch, vì hễ thấy có quả chín là hái dần, chỉ đợt cuối cùng thì mới hái toàn bộ, lúc đó cà phê không còn xanh non nữa và cũng không phải tốn kém nhiều về xây dựng sân phơi. Trước đây, gia đình ông chỉ thu hái 2-3 đợt, chất lượng cà phê thấp, bị thương lái ép giá. Bây giờ, ông hoàn toàn chủ động trong khâu thu hoạch, chất lượng cà phê lại cao.
(Theo Hương Trà // Báo Bình Thuận )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com