Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành chè giải bài toán thiếu nguyên liệu

Theo dự báo, những tháng cuối năm 2009, thị trường xuất khẩu chè sẽ sôi động trở lại. Nhưng có một trở ngại đối với ngành chè hiện nay là vùng nguyên liệu đang thiếu trầm trọng và chất lượng chè nguyên liệu không phải lúc nào cũng bảo đảm.

Thiếu nguyên liệu

 

Theo thông tin từ Hiệp hội Chè Việt Nam, trong sáu tháng qua, cả nước xuất khẩu chè ước đạt 50 triệu USD. Thị trường chè tiếp tục ổn định về giá cả và số lượng, nhất là những thị trường lớn như Mỹ, EU và Nga. Ðể có được kim ngạch xuất khẩu 50 triệu USD, ngành chè đã nỗ lực nâng cao chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu chè đã tăng hơn 17% về lượng và 13% về giá trị. Hiện chè xuất khẩu đang có giá khoảng 1.248 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so cùng kỳ 2008. Năm 2009, ngành chè đặt mục tiêu xuất khẩu 117 nghìn tấn, kim ngạch khoảng 167 triệu USD. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Nguyễn Kim Phong, mục tiêu đó khó có thể đạt được vì nguyên nhân cơ bản là thiếu nguyên liệu, mặc dù thị trường xuất khẩu đang sôi động trở lại.

 

Tình trạng thiếu nguyên liệu diễn ra tại tất cả các vùng chè lớn như Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái. Các cơ sở chế biến nhỏ mọc lên quá nhiều trong cùng một thời điểm mà vùng nguyên liệu chè thì có hạn. Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, thì tổng công suất các cơ sở chế biến chè cả nước hiện tại đã gấp hơn hai lần khả năng cung ứng chè búp tươi do nông dân sản xuất ra. Cụ thể ở Phú Thọ, hiện toàn tỉnh có 63 cơ sở chế biến chè với công suất 1 tấn búp tươi/cơ sở/ngày, trong khi đó còn cộng thêm cả hàng nghìn "nhà máy" nhỏ sơ chế chè của các hộ dân mọc lên quanh đó. Tất cả các cơ sở chế biến nhỏ này cạnh tranh nguyên liệu khốc liệt với các cơ sở chế biến lớn, khiến tình trạng tranh mua, tranh bán chè nguyên liệu diễn ra gay gắt.

 

Một nguyên nhân nữa dẫn đến việc các doanh nghiệp đều cùng thiếu nguyên liệu trong thời điểm chính vụ là cây chè bị khai thác quá nhiều mà ít được đầu tư, chăm sóc nên cho sản lượng thấp và chất lượng không cao.

 

Tại Yên Bái - một trong những "vựa chè" của miền bắc, mặc dù đang chính vụ, hiện nhiều nhà máy chế biến chè hoạt động không hết công suất. Có cơ sở chế biến "đắp chiếu" chờ nguyên liệu. Trong khi đó, tại các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn, hàng chục ha chè dù đã được quy hoạch bài bản nhưng lại không hề được đầu tư. Người dân không mặn mà đầu tư do thời tiết, do giá thu mua bấp bênh, còn các doanh nghiệp cũng ngại đầu tư vì thiếu vốn, hoặc không chắc người dân có bán chè cho mình. Ðã có tình trạng doanh nghiệp đầu tư vốn vào xây dựng vùng chè, nhưng đến khi thu hoạch thì các cơ sở chế biến nhỏ nhảy vào "làm giá". Mặc dù Chính phủ đã có Quyết định 80 về việc ký kết hợp đồng bán chè búp tươi, nhưng thực tế, người dân thường phá hợp đồng bán nguyên liệu khi có đơn vị trả giá cao hơn. Các cơ sở chế biến nhỏ, thay vì đầu tư cho người dân trồng chè vốn, giống, kỹ thuật, đã chọn giải pháp "đầu tư qua giá"... Vì vậy, người dân luôn trồng chè trong tình trạng "ăn xổi". Vùng nguyên liệu chè phát triển không bền vững. Không chỉ thiếu nguyên liệu, việc "ăn xổi" còn làm chất lượng chè sụt giảm đáng kể, nguồn chè sơ chế chất lượng cao ngày càng ít. Trên thị trường chè thế giới, giá chè của Việt Nam chỉ bằng khoảng 70% giá chè cùng loại của nhiều nước.

 

Quy hoạch vùng nguyên liệu

 

Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Nguyễn Kim Phong khẳng định, không thể giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu chè nếu không quy hoạch bài bản vùng nguyên liệu. Ðây là yếu tố quyết định để ngành chè Việt Nam phát triển. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty chè Việt Nam Nguyễn Hữu Tài cho rằng, cần quy hoạch vùng nguyên liệu cho từng cơ sở chế biến; đồng thời phải có sự ràng buộc đối với các cơ sở này. Nếu không có vùng nguyên liệu cụ thể, các địa phương cứ cấp giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, tạo cơ hội để các doanh nghiệp cạnh tranh nguyên liệu thiếu lành mạnh. Mặc dù Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư không nêu những điều kiện cụ thể phải có vùng nguyên liệu mới được xây dựng nhà máy, nhưng đây là đòi hỏi thực tế, bảo đảm cho ngành chè phát triển bền vững. Chỉ khi vùng nguyên liệu được quy hoạch bài bản, cơ sở chế biến gắn với vùng nguyên liệu, gắn với người trồng chè, thì mới tạo ra hiệu quả lâu dài. Ngoài ra, chính quyền địa phương phải tổ chức rà soát lại vùng nguyên liệu của từng cơ sở chế biến, phân định ranh giới cụ thể cho từng doanh nghiệp đến từng hộ dân. Yêu cầu các doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng với từng hộ nông dân theo Quyết định số 80/2002/QÐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Doanh nghiệp nào không thực hiện đúng thì rút giấy phép đầu tư. Hiệp hội chè thì có thể tập trung chỉ đạo điểm ở một địa phương cụ thể về việc tiến hành thực hiện mỗi nhà máy chế biến chè có một vùng nguyên liệu cụ thể. Sau đó nhân rộng ra toàn ngành.

 

Ðể có nguồn nguyên liệu ổn định về số lượng và chất lượng, các doanh nghiệp phải đầu tư cho nông dân một cách bài bản. Nếu không đủ điều kiện đầu tư vật chất thì doanh nghiệp phải đầu tư về kỹ thuật, công nghệ, cạnh tranh thông qua trình độ, công nghệ, năng lực tài chính để giành thị phần tiêu thụ, chứ không thể cạnh tranh về giá như hiện nay.

 

Theo chính sách phát triển ngành chè đến năm 2010, diện tích trồng chè của cả nước sẽ là 120 nghìn ha. Với năng suất bình quân bảy tấn/ha, dự kiến sản lượng chè tươi đạt 840 nghìn tấn/năm và sản lượng chè thô đạt 200 nghìn tấn/năm. Ðến năm 2020, diện tích trồng chè của Việt Nam sẽ là 140 nghìn ha, sản lượng chè thô dự kiến đạt 1,260 triệu tấn và chè khô đạt mức 300 nghìn tấn. Ðể đạt mục tiêu này, ngoài việc quy hoạch đồng bộ, bài bản vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp chè cần củng cố, giữ vững các thị trường chủ lực như Pakistan, Ðài Loan (Trung Quốc) Iraq, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, tăng cường xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng: Philippines, Syria, Iran, Mexico, Lào, Chile.

 

Tăng diện tích trồng chè và tăng năng suất, mở rộng thị trường xuất khẩu theo mục tiêu trên có thể hoàn toàn không khó. Nhưng vấn đề đặt ra là phải chú trọng khâu quy hoạch vùng nguyên liệu, bảo đảm cân đối giữa các cơ sở chế biến so với vùng nguyên liệu. Có như thế mới tránh được tình trạng thị trường xuất khẩu chè đang sôi động mà chúng ta lại thiếu chè nguyên liệu. Khi có vùng chè nguyên liệu ổn định, cây chè sẽ phát huy cao hơn nữa vai trò là cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho các hộ nông dân.

(Theo HẢI PHƯƠNG và TRẦN TUYẾT // Báo Nhân dân điện tử)

  • Chấn chỉnh việc thu mua nguyên liệu
  • Cà phê Việt Nam “nhất thế giới”
  • Ngành điều nơm nớp lo thua lỗ
  • Sản lượng cà phê Việt Nam có thể rớt xuống đáy 8 năm
  • Người trồng cà phê găm hàng trước Tết
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container