Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sàn đấu giá chè:“Khởi” mãi vẫn chưa “động”!

Nếu không kiểm soát chặt chẽ chất lượng chè ngay từ khâu trồng và thu hoạch, chè Việt Nam sẽ không thể cải thiện vị thế trên thị trường thế giới
Nếu không kiểm soát chặt chẽ chất lượng chè ngay từ khâu trồng và thu hoạch, chè Việt Nam sẽ không thể cải thiện vị thế trên thị trường thế giới

Theo dự kiến, cuối năm 2010 sàn đấu giá chè Việt Nam bắt đầu đi vào hoạt động, được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng giá trị đang suy giảm của “Cheviet”. Tuy nhiên, thời hạn này dường như hơi quá lạc quan.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), hiện chè Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya, Sri Lanka. Thương hiệu “Cheviet” được đăng ký và bảo hộ tại 70 thị trường nước ngoài. Dự báo, năm 2009, xuất khẩu chè đạt 117 nghìn tấn, kim ngạch ước đạt 167 triệu USD, tăng 13,6% so với năm 2008.

Tuy nhiên, giá trị chè xuất khẩu trung bình của Việt Nam năm 2008 chỉ đạt 65% mức giá trị trung bình của 8 nước xuất khẩu lớn nhất và bằng 55% giá trị trung bình của Ấn Độ và Sri Lanka.

Chè Việt Nam lép vế…

Chỉ khoảng 10% lượng chè xuất khẩu của Việt Nam vượt qua được hàng rào của các nước có áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt. Đây là con số quá thấp so với tiềm năng sẵn có của Việt Nam. Nghiên cứu tình hình ngành công nghiệp chè Việt Nam trong hơn 20 năm, ông Iain Lang - Trưởng nhóm nghiên cứu khả thi về việc thành lập sàn đấu giá chè (SĐGC) ở Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam có gần 300 nhà máy xuất khẩu chè và 685 cơ sở chế biến có quy mô công nghiệp hoạt động ở mức trung bình là 28% công suất. Nhưng hàng ngàn, hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ kiểu hộ gia đình đã bung ra ở nhiều nơi. Sự phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát này dẫn đến hiện tượng “cá bé rỉa cá lớn”, lò sản xuất nhỏ tiêu thụ hết chè tươi của các nhà máy lớn...

Đây cũng là một lý do khiến cho giá trung bình của chè Việt Nam luôn thấp hơn giá thị trường thế giới. Cụ thể như tại thời điểm năm 1998, giá xuất khẩu chè của Việt Nam ngang với giá bán tại 8 trung tâm đấu giá lớn trên thế giới, thế nhưng, đến năm 2009, trong khi giá thế giới tăng trên 15% so với thời điểm 1998, giá chè xuất khẩu của Việt Nam lại chỉ bằng khoảng 80% so với giá thế giới.

Lý giải vấn đề, Phó chủ tịch VITAS Trần Xuân Giá cho rằng, thiếu một SĐGC sẽ khiến doanh nghiệp khó xác định được giá trị sản phẩm và bị đối tác nước ngoài ép giá, cạnh tranh không lành mạnh khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Do đó, nếu không có biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm đáp ứng được các quy định của thị trường nhập khẩu, chè Việt Nam khó có thể xây dựng được uy tín và thương hiệu.

Mỏi mắt chờ sàn!

Các doanh nghiệp kinh doanh chè Việt Nam nhìn nhận, cần thiết phải xây dựng một SĐGC. Bởi theo họ, SĐGC không chỉ xây dựng các tiêu chuẩn cho nền công nghiệp và thương mại chè mà còn là kênh quảng bá hiệu quả, để bạn hàng trong nước và quốc tế có thể theo dõi, xem và mua hàng một cách thường xuyên.

Ông Iain Lang nhận định:“Ngành công nghiệp chè phải được chuẩn bị cho sàn đấu giá sắp tới. Vùng nông nghiệp và sản xuất phải được cải cách theo thời hạn để kịp thành lập sàn đấu giá. Đặc biệt sẽ phải có một kế hoạch quảng cáo dài hạn cho tác dụng của sàn đấu giá tới các nhà sản xuất và buôn bán ở Việt Nam và các nhà đóng gói và khách hàng ở các nước nhập khẩu chè”.Đó là những nhiệm vụ không đơn giản, nhưng theo ông, nếu thực hiện được sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong ngành công nghiệp chè Việt Nam và Việt Nam sẽ được ghi nhận là quốc gia sản xuất chè chất lượng trên thị trường thế giới. Thực tế triển khai không nhanh như mong đợi. Dự án nghiên cứu SĐGC của VITAS đã được phê duyệt từ năm 2007, tuy nhiên kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy việc xây dựng một SĐGC vượt quá khả năng hiện có của ngành chè. Vậy nên, người nông dân và doanh nghiệp sẽ còn phải chờ thêm một thời gian dài nữa.

Ông Iain Lang cũng chia sẻ, về lý thuyết SĐGC ở Việt Nam sẽ được bắt đầu vào năm 2010. Nhưng thực tế có thể phải đến năm 2011 hoặc 2012 dự án mới được khởi động. Thực vậy, hiện tại tất cả mọi sàn đấu giá đều hoạt động theo hệ thống “đấu giá miệng” truyền thống. Đấu giá điện tử vẫn chưa thực sự hoạt động, dù đã có những thử nghiệm ở Ấn Độ, Sri Lanka và Kenya.

Chất lượng phải đặt lên hàng đầu

Tại một hội thảo mới đây về ngành chè, các chuyên gia cũng khẳng định, chưa thể thành lập ngay sàn chè. Sàn chè có được triển khai và hoạt động hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào việc ngành công nghiệp này sẽ được cải tổ như thế nào trong thời gian tới. Để xây dựng được một sàn đấu giá có hiệu quả cần rất nhiều yếu tố, như: hệ thống kho chứa, bãi đỗ xe, hệ thống điện tử, nhân viên...

Theo ông Iain Lang, lên sàn không đơn giản bởi, khi lên sàn các bên tham gia đấu giá chè phải đảm bảo được nhiều yếu tố. Trong đó, nhà sản xuất đảm bảo rằng tất cả các loại chè đưa lên sàn đấu giá sẽ phù hợp với tiêu chuẩn của GAP. Người mua đảm bảo thanh toán ngay lập tức và sẽ quảng bá quốc tế cho việc buôn bán và tiêu thụ chè Việt Nam. Người môi giới giữ liên lạc với cả người bán và người mua, thu thập thông tin về chất lượng, sản lượng và các thông tin thị trường khác. Nhà kho cất giữ và duy trì chất lượng chè và bảo vệ quyền lợi của người mua và người bán… Ông Nguyễn Trinh Bá, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Đầu tư phát triển chè Nghệ An cũng cho rằng, việc có được một SĐGC ở Việt Nam trong 1 - 2 năm tới cũng mới chỉ là hi vọng. Hiện tại mới chỉ có một số ít doanh nghiệp đủ sức tham gia sàn mà nguyên nhân là do sản xuất chè ở Việt Nam còn manh mún, các doanh nghiệp trong Hiệp hội còn thiếu liên kết bền vững.

Chia sẻ quan điểm này, ông Phan Thái, đại diện của Asia Tea Company cung cấp thông tin, ngay cả Trung Quốc, một nước rất phát triển về ngành chè cũng chưa có sàn…

Điều khiến các chuyên gia đặc biệt quan ngại là chất lượng sản phẩm chè Việt Nam. Bà Salwa Dogheim, chuyên gia về tiêu chuẩn chất lượng chè cho biết, thống kê được thực hiện với một nhà xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm 2009 đến nay cho thấy, trong 38 mẫu chè xuất khẩu được kiểm nghiệm, đã có 27 mẫu không đạt tiêu chuẩn về dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng… Rõ ràng, để xây dựng thành công sàn đấu giá chè tại Việt Nam, không thể không có những biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm đáp ứng được các quy định của thị trường nhập khẩu.

 

(Theo Hoàng Bảo // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Chấn chỉnh việc thu mua nguyên liệu
  • Cà phê Việt Nam “nhất thế giới”
  • Ngành điều nơm nớp lo thua lỗ
  • Sản lượng cà phê Việt Nam có thể rớt xuống đáy 8 năm
  • Người trồng cà phê găm hàng trước Tết
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container