Hiệp hội Cà-phê, ca-cao Việt Nam (VICOFA) đã đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách ưu đãi vốn vay để doanh nghiệp có thể mua và ký gửi cho nông dân khoảng 200.000 tấn cà-phê nhân niên vụ 2010, chọn thời điểm thích hợp bán ra để điều tiết thị trường...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, niên vụ năm 2009 cả nước sản xuất được gần một triệu tấn cà-phê. Trong hai tháng đầu năm 2010, các doanh nghiệp xuất khẩu 200.000 tấn trong số 500.000 tấn đã có hợp đồng, số cà-phê còn lại trong dân khoảng 500.000 đến 600.000 tấn (kể cả lượng tồn năm trước). Tuy nhiên, hiện giá cà-phê đang xuống khá thấp, giảm 15 đến 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, việc Hiệp hội Cà-phê, ca-cao và Tổng công ty Cà-phê Việt Nam kiến nghị mua tạm trữ 200.000 tấn cà-phê là nhằm ngăn tình trạng giá cà-phê giảm, nông dân không bán tháo hàng khi cà-phê vào chính vụ thu hoạch. Theo đó, Nhà nước có thể chọn một số doanh nghiệp tương đối có uy tín để cho vay vốn và mua lại của nông dân với hình thức tạm ký gửi, khi nào được giá thì bán. Khi gửi thì ứng trước cho nông dân một số tiền. Như vậy, doanh nghiệp cũng được lợi khi được vay vốn ưu đãi còn nông dân cũng có tiền trang trải cho nhu cầu mà vẫn chưa phải bán cà-phê ngay lúc giá thấp. Trao đổi ý kiến với báo chí, Chủ tịch Câu lạc bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà-phê hàng đầu Việt Nam Ðỗ Hà Nam cũng cho rằng, nếu kế hoạch mua tạm trữ 200.000 tấn cà-phê được thực hiện đúng như dự kiến, thì có thể nói tình trạng tồn đọng trên thị trường cà-phê Việt Nam sẽ được giải tỏa.
Những lợi ích từ việc mua tạm trữ cà-phê cho nông dân có thể nhìn thấy rõ. Hầu hết các doanh nghiệp và nông dân cũng rất chờ đợi chủ trương sớm được triển khai. Nhưng trên thực tế, việc mua tạm trữ cà-phê vẫn còn cần thêm nhiều yếu tố khác nếu muốn bảo đảm khi thực hiện đem lại hiệu quả cao nhất. Hiệp hội cà-phê, ca-cao Việt Nam và các doanh nghiệp trong Câu lạc bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà-phê hàng đầu Việt Nam cũng cùng một quan điểm khi cho rằng: Thực hiện biện pháp tạm trữ cà-phê là tốt nhưng cần quản lý chính sách này thật chặt thì mới đem lại hiệu quả. Ðơn cử như việc nếu cho các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 0% để mua tạm trữ cà-phê thì đồng thời cũng phải có chính sách giám sát doanh nghiệp thực hiện việc đó như thế nào. Không ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp không dùng đồng vốn đó vào việc thu mua cà-phê mà đầu tư vào các chương trình khác, vẫn đợi cà-phê xuống giá mới mua vào. Như thế doanh nghiệp sẽ bỏ túi một lượng tiền lớn nhờ vay vốn không lãi suất trong khi cà-phê rớt giá vẫn hoàn rớt giá, nông dân khó khăn vẫn hoàn khó khăn.
Mặt khác, theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia kinh tế thì thị trường cà-phê trong nước và trên thế giới thường xuyên có những biến động khôn lường, điều quan trọng là phải nắm chắc cung-cầu để có những quyết định hợp lý. Theo dự báo, năm 2010 cung cầu vẫn tốt cho giá cà-phê. Vấn đề còn lại là khi đã tạm trữ rồi thì phải biết bán ra cho đúng lúc.
Và cuối cùng, mục đích của việc mua tạm trữ là đẩy giá cà-phê lên cao. Phải nhìn vào mục tiêu đó để định lượng kết quả đạt được khi thực hiện biện pháp thu mua tạm trữ chứ không thể đánh giá hiệu quả thông qua việc hoàn thành chỉ tiêu mua tạm trữ bao nhiêu tấn và bao nhiêu doanh nghiệp được cho vay hỗ trợ lãi suất...
Có như vậy, chủ trương thu mua tạm trữ cà-phê mới bảo đảm hiệu quả toàn diện và đạt được tất cả những mục đích đề ra.
(Theo Ánh Tuyết // Báo Nhân dân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com