May Sài Gòn và Blue Exchange đã “bắt tay” chiến lược để khai thác thị trường nội địa |
Tập trung khai thác thị trường nội địa là xu thế của nhiều doanh nghiệp, trong đó có dệt may.
Thay đổi tư duy chỉ nhắm đến “miếng bánh” ngon và dễ ăn, trong thời buổi kinh tế toàn cầu gặp khó, các doanh nghiệp trong ngành dệt may đã chịu khó làm mới mình ở mọi khâu, từ thiết kế, sản xuất đến phân phối. Họ cũng đã tìm cách phát huy tối đa mối liên kết “cùng hội cùng phường” để vượt qua thử thách.
Hợp tác sản xuất
Ông Nguyễn Ân - Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất thương mại May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) cho biết, Công ty đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược trong 10 năm với nhãn hàng Blue Exchange để khai thác thị trường nội địa. Có ý kiến cho rằng sự hợp tác này có phần mạo hiểm, nhưng ông Ân thì rất tự tin, bởi đây là sự hợp tác giữa một bên là doanh nghiệp có kinh nghiệm tổ chức sản xuất may chất lượng đạt các tiêu chuẩn quốc tế với một bên là nhà kinh doanh hàng thời trang nội địa có doanh thu lên đến vài trăm tỷ đồng/năm. Theo hợp đồng ký kết, Garmex Sài Gòn dành 8 dây chuyền may chỉ để sản xuất hàng thời trang cho Blue Exchange, đồng thời cung cấp mặt bằng khoảng 1.400m2 cho Blue làm trung tâm thiết kế, may mẫu và dự trữ hàng phân phối bán lẻ cho mạng lưới cửa hàng trên toàn quốc. Ông Ân tiết lộ: “Trong bối cảnh hiện nay, nếu Garmex Sài Gòn đầu tư vốn, tìm kiếm mặt bằng, nghiên cứu thiết kế… để mở nhãn hiệu riêng kinh doanh trên thị trường nội địa thì khó mà thành công nhanh chóng. Trong khi đó, nếu chọn cách hợp tác
với đơn vị đã có thương hiệu, đã có mạng lưới phân phối vững mạnh trên thị trường nội địa thì đôi bên đều khai thác được thế mạnh của nhau”. Với cách làm này, Garmex có thể tham gia vào thị trường nội địa với đơn hàng ổn định, lên đến cả trăm ngàn sản phẩm cho mỗi mẫu may vì Blue có đến 80 cửa hàng phân phối. Dự kiến, các sản phẩm bán trong Blue Exchange sẽ ghi rõ “Made by Garmex Saigon”.
Theo điều tra của Vinatex, năm 2009, tiêu dùng thời trang trong nước sẽ đạt khoảng 5 tỷ đô la Mỹ và có thể tăng lên 5,6 - 6 tỷ đô la Mỹ vào năm 2010, tăng từ 18 - 20%/năm. |
Một xu thế đáng lưu ý khác trên thị trường dệt may là chuỗi cung ứng nguyên liệu đang dần được hình thành, thông qua việc các doanh nghiệp tự tìm đến nhau tạo nên một thị trường nội bộ. Những tháng gần đây, bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty May 2-9 (Hoài Đức, Hà Nội) chạy đôn đáo khắp nơi, huy động tối đa các mối quan hệ để xây dựng các đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm của công ty là các mặt hàng từ sợi tổng hợp như gấm, lụa, mút-xơ-lin, vải lụa lót, vải sử dụng sợi co giãn chủ yếu cho đồ thời trang nữ. Bà Lương đã ký được hợp đồng với Công ty cổ phần May xuất khẩu Tiên Tiến để chào bán các sản phẩm chủ lực của mình và hai bên bước đầu đã có thống nhất về mặt hàng, chất lượng sản phẩm, giá cả… May 2-9 sẽ cung cấp nguyên liệu cho Tiên Tiến thực hiện các đơn hàng xuất khẩu. Không chỉ May 2-9, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành cũng cho biết, nên liên kết sử dụng nguyên liệu trong nước tận dụng nhiều yếu tố thuận lợi như giúp chủ động nguồn hàng, thời gian, thậm chí có thể gối đầu tiền mua nguyên liệu…
Phát triển mặt hàng có tính khác biệt để giảm áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà cũng là hướng đi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Tiêu biểu có sản phẩm quần áo trẻ em Kico của Nguyễn Hoàng… Đặc biệt, có doanh nghiệp dệt may xem thị trường nội địa là nơi chia sẻ những ý tưởng thiết kế sáng tạo như Công ty TNHH Dệt may cà vạt DK Sài Gòn. Nhân viên của công ty có thể dệt và may một cà vạt theo thiết kế của khách hàng chỉ mất 21 phút.
Nhịp nhàng phân phối
Hệ thống phân phối - cầu nối đưa nhà sản xuất đến với người tiêu dùng - có lẽ là vấn đề gay go nhất, không chỉ của các doanh nghiệp dệt may.
Và vì vậy, một giải pháp được cho là hiệu quả trong bối cảnh khó khăn hiện nay là liên kết với những doanh nghiệp sẵn có tiềm lực về hệ thống phân phối. Bà Nguyễn Hoài Giang - Giám đốc một công ty may tư nhân ở Hải Phòng đã có nhiều buổi làm việc với Tổng công ty Thương mại Hà Nội – doanh nghiệp có trong tay chuỗi cửa hàng tuy diện tích nhỏ nhưng lại nằm ở những vị trí đắc địa. Bà Giang cho biết: “Chúng tôi không thuê cửa hàng mà hợp tác cùng phát huy lợi thế của nhau. Chúng tôi có kinh nghiệm về tổ chức sản xuất, sắp xếp cửa hàng, bạn có sẵn trong tay địa điểm kinh doanh, lao động”…
Công ty Kinh doanh hàng thời trang Việt Nam với hệ thống Vinatex Mart được xem là một ví dụ thành công về việc phát triển hệ thống phân phối các sản phẩm dệt may trong nước. Đến nay hệ thống đã phát triển được 52 cửa hàng, siêu thị và trung tâm thương mại tại 22 tỉnh thành, chuyên kinh doanh hàng dệt may 100% sản xuất trong nước, mỗi năm tiêu thụ 3,2 vạn mã hàng và hơn 11 triệu sản phẩm. Giám đốc Nguyễn Thị Hồng Hương cho biết: “Tới đây công ty sẽ xây dựng lộ trình cụ thể về sức tiêu thụ hàng năm đến 2015 cho từng nhóm hàng để mời nhà thiết kế, nhà sản xuất hợp tác. Cùng với việc nâng cấp những điểm bán hàng đã có, Công ty sẽ triển khai nhiều điểm bán hàng mới, nhất là tại những địa bàn đông dân cư, để có được 80 điểm bán hàng vào năm 2010”.
Không quên thị trường nông thôn
Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đang xúc tiến dự án “Đẩy mạnh bán hàng Việt trên thị trường nội địa”, trong đó có mảng quan trọng là hỗ trợ các doanh nghiệp xâm nhập mạnh vào nông thôn, một thị trường tiềm năng lâu nay vẫn bị bỏ ngỏ. Ngày đầu tháng 3 vừa qua, hơn 10 doanh nghiệp đã được BSA giúp tổ chức đợt bán hàng về nông thôn đầu tiên tại An Giang.
Theo khảo sát của BSA, mặc dù thị trường nông thôn tiêu thụ khoảng 70% lượng hàng hóa nhưng hệ thống cửa hàng của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa phủ kín và hiệu quả. Ông Cao Lương Tài, nguyên Giám đốc bán hàng của Unilever Việt Nam, cho biết, tại Việt Nam cách đây 11 năm, tập đoàn này đã thực hiện chiến lược “tiến về nông thôn, bán hàng trực tiếp đến hộ gia đình” và nhờ “quả đấm” này nhiều sản phẩm nội địa của họ đã chiếm lĩnh thị trường nông thôn.
Ông Võ Văn Quyền - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương cho biết, Bộ cũng đã đệ trình và được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc chương trình “Kích cầu hàng tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, mở rộng và khai thác thị trường nội địa”. Dự kiến, ngân sách hỗ trợ cho chương trình này khoảng 45 tỉ đồng. Ông Quyền khuyến nghị: “Để tận dụng gói kích cầu của Chính phủ, các doanh nghiệp phải nắm bắt được các nhu cầu mới xuất hiện hoặc đang tăng lên để tổ chức kinh doanh, chú ý khai thác các sản phẩm sản xuất trong nước, tránh kích cầu cho hàng nước ngoài. Cần nắm chắc nhu cầu để tổ chức nguồn hàng hợp lý, tránh tồn kho, đọng vốn, đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn hơn”...
(Theo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com