Nhiều doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đã không dám nhận thêm đơn hàng vì "quá tải". |
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đến hết tháng 9/2009, ngành dệt may đã xuất khẩu được hơn 6,7 tỷ USD. Chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành trong năm nay là tăng trưởng 3% (đã điều chỉnh so với kế hoạch ban đầu), tức tương ứng khoảng 9,3 tỷ USD. Kế hoạch còn lại phải thực hiện đến hết năm mỗi tháng phải đạt trên 800 triệu USD.
“Nhưng hầu hết các doanh nghiệp lớn đã “đầy” đơn hàng đến cuối năm, tất cả đang vào “guồng” sản xuất. Mục tiêu 9,3 tỷ USD là con số mà đầu năm, với tác động của cơn lốc khủng hoảng, lãnh đạo trong ngành dệt may nhiều người chưa dám nghĩ tới, thì đến thời điểm này hoàn toàn có cơ sở đạt được”, bà Nguyễn Thị Hồng Tín, Trưởng ban Nghiên cứu và Xúc tiến thị trường của Vinatex, nói.
Không dám nhận thêm đơn hàng
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhiều doanh nghiệp dệt may lớn như Việt Tiến, Phong Phú, Sài Gòn 2, May 10… đang có rất nhiều khách hàng nước ngoài đến đặt hàng. Nhưng nhiều đơn hàng doanh nghiệp không dám... nhận, phần vì muốn lựa chọn đơn hàng giá tốt, phần do các đơn hàng từ nay đến cuối năm đã kín đầy.
Ông Thân Đức Việt, Giám đốc Điều hành Công ty May 10 cho biết, tuy có nhiều đơn hàng đến, nhưng doanh nghiệp đã phải "cân nhắc lên, cân nhắc xuống" xem có lựa chọn hay không, nhất là các yếu tố giá và tiềm năng đơn hàng.
Theo ông Việt, từ nhiều tháng nay, công ty đã không có một xưởng máy, công nhân nào ngừng nghỉ, tất cả đang tăng tốc để hoàn thành kế hoặch và vượt kế hoạch năm đặt ra.
Tại Công ty TNHH Một thành viên Dệt kim Đông Xuân, dù đơn hàng cũng đã đủ cho cả năm, nhưng sau hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản có hiệu lực (1/10/2009), lượng đơn hàng từ các đối tác Nhật Bản… lại gia tăng mạnh, đặc biệt là các sản phẩm đồ lót chất lượng cao, nên công ty này đã và đang phải mở rộng quy mô sản xuất để thực hiện thêm những đơn hàng mới, để giữ chân đối tác.
Ngoài ra, để tranh thủ và tận dụng những đơn hàng về nhiều, bà Nguyễn Thị Hồng Tín cho biết, nhiều doanh nghiệp lớn đã có “kế” nhận thêm, nhưng không phải cho mình mà để san sẻ cho những doanh nghiệp nhỏ không đủ đơn hàng sản xuất.
Tín hiệu “ngoại”
Hiệp hội Dệt may phân tích, sở dĩ lượng đơn hàng dệt may đã và đang về nhiều là do những hãng thời trang lớn trên thế giới và những thị trường nhập khẩu lớn là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... nếu như trước đây đặt hàng nhiều ở Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... thì nay đang có xu hướng chuyển dịch dần về Việt Nam.
Ngoài tín hiệu tại các thị trường truyền thống, tại các thị trường mới như Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông…, cũng đang có nhiều đơn hàng tìm đến Việt Nam.
Như hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp khác, ông Thân Đức Việt nhận định, thị trường xuất khẩu năm 2010 có nhiều tiềm năng và tín hiệu tích cực hơn. May 10 cũng đã có đơn hàng đến hết quý 1. Thậm chí Việt Tiến còn có đơn hàng đến tháng 5, tháng 6 và đang mở rộng trung tâm của mình sang Lào và Campuchia.
Với lượng đơn hàng chuyển dịch nhiều, nhiều doanh nghiệp đang “đón đầu” như Nhà Bè, Phương Đông đang mở rộng sản xuất ra ở các khu vực miền Trung. Nhiều doanh nghiệp lớn khác như Việt Tiến, Phong Phú, Sài Gòn 2, May 10 cũng đang có kế hoạch vừa làm vừa mở rộng, bằng nhiều biện pháp để tăng năng suất lao động, tăng giá trị gia tăng và thực hiện được nhiều đơn hàng có xu hướng chuyển dịch về Việt Nam.
Tuy thị trường xuất khẩu dệt may thế giới trong năm 2010 cũng được nhận định là có nhiều cạnh tranh gay gắt, quyết liệt từ các nước xuất khẩu mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh sau khủng hoảng, nhưng các doanh nghiệp dệt may cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển những mặt hàng chiến lược, có thế mạnh của mình, như của Công ty Cổ phần X20 là quần áo đua mô tô, của Việt Tiến là áo sơ mi, veston cao cấp dành cho nam giới…
Tuy nhiên, điều khó khăn nhất để phát triển bền vững hiện nay, là thiếu nguồn nguyên liệu vải. Vì nguồn nguyên liệu này phải đi nhập khẩu, nên nhiều đơn hàng đã không được đáp ứng theo yêu cầu thời gian. Nên, theo các doanh nghiệp, nếu có nguồn cung cấp nguyên tại chỗ, được sản xuất ngay ở Việt Nam thì thời gian giao hàng sẽ nhanh hơn, và như thế sẽ có khả năng thu hút được đơn hàng, khách hàng nhiều hơn.
Không quên “sân nhà”
Mặc dù thị trường dệt may thế giới từ nay đến cuối năm và năm 2010 đang có những tín hiệu tích cực, nhiều cơ hội, tiềm năng, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp trong năm 2010 còn là đầu tư vào phát triển mạnh thị trường nội địa.
Thực tế, nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may trong nước từ đầu năm đến nay cũng tăng khá mạnh. Tính đến hết tháng 9, sản phẩm tiêu dùng nội địa tăng 23% so với cùng kỳ năm 2008. Tốc độ tăng trưởng ngay trong kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng, nhu cầu tiêu thụ trong nước rất lớn, nhưng lâu nay doanh nghiệp chưa tập trung nhiều.
Kế hoặch mở rộng thị trường nội địa được May 10 cụ thể hóa bằng kế hoặch trong năm tới công ty sẽ đầu tư xây dựng thêm nhiều chuỗi cửa hàng của công ty để mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm của May 10 đến tay người tiêu dùng Việt Nam.
Giám đốc Thân Đức Việt cho biết, công ty đang đầu tư nghiên cứu mẫu mã, chất liệu, chủng loại và giá cả để đáp ứng cho nhu cầu và thị yếu của người tiêu dùng Việt, trong đó May 10 xác định thị phần chủ lực là công chức và giới công nhân.
Đại diện của May Việt Tiến thì cho biết, không cần đợi đến năm 2010, mà từ nhiều tháng nay, sản phẩm của công ty đã và đang đồng hành cùng hàng Việt về nông thôn. “Trong thời gian tới và trong tương lai, thị trường nội địa chắc chắn sẽ là một thị trường trọng điểm của chúng tôi”, ông nói.
(Theo Mạnh Chung // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com