Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành dệt may cần phát triển các dự án có chọn lọc

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý Bộ Công Thương và Vinatex sớm hoàn thành quy hoạch phát triển ngành dệt may, trong đó cần có sự trao đổi với các địa phương và các doanh nghiệp trong ngành để tránh sự chồng chéo.


Ngày 25/7/2008, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức hội nghị triển khai Quyết định 36 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.



Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành dệt may trong chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, với mức tăng trưởng bình quân 20%/năm, chiếm tới 10% kim ngạch xuất khẩu cả nước và có hơn 2 triệu lao động. Tuy nhiên, để trở thành nhà sản xuất lớn, ngành dệt may Việt Nam còn phải đối mặt nhiều thách thức trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.


Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương và Vinatex sớm hoàn thành quy hoạch phát triển ngành dệt may, trong đó cần có sự trao đổi với các địa phương và các doanh nghiệp trong ngành để tránh sự chồng chéo. Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện cắt giảm đầu tư rất lớn để kiềm chế lạm phát, do vậy trong quy hoạch ngành cũng phải tính đến việc phát triển các dự án có chọn lọc. Bên cạnh đó, ngành cần tập trung phát triển quy hoạch khu công nghiệp phụ trợ, trong đó việc kêu gọi các nhà sản xuất phụ trợ của nước ngoài đến cùng hợp tác là rất quan trọng nhằm nhanh chóng nắm bắt được công nghệ và năng lực quản lí.


Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu, trong chiến lược phát triển ngành dệt may, việc thực hiện chương trình sản xuất 1 tỷ mét vải phục vụ xuất khẩu và chương trình phát triển 40.000 ha bông tập trung có tưới đến năm 2015 là quan trọng nhất. Chính vì vậy, chiến lược chú trọng tới xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm tập trung có xử lý nước thải; xây dựng các vùng chuyên canh bông có tưới tại các địa bàn đủ điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu nhằm nâng cao sản lượng, năng suất và chất lượng bông xơ.


Bộ Công Thương, Vinatex cùng các doanh nghiệp trong ngành thống nhất đề nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ thích hợp về đầu tư cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại, xây dựng hình ảnh ngành dệt may Việt Nam, đồng thời hỗ trợ một phần cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học phục vụ chương trình sản xuất vải; kiến nghị Chính phủ coi chương trình phát triển cây bông là chương trình trọng điểm quốc gia, tiếp tục đầu tư cho các chương trình khuyến nông, thuỷ lợi và giống cho cây bông...

( Theo VOV )

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container