Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành Dệt may Việt Nam hướng đến “Top 5” thế giới:Hai mũi đột phá

Việt Nam đã đứng trong "Top 10" nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, đang phấn đấu để lọt vào "Top 5". Từ nay đến 2015..., ngành dệt may sẽ đầu tư quyết liệt thực hiện 2 mũi đột phá là phát triển nguồn nhân lực và xây dựng vùng nguyên liệu.

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, đến năm 2010, ngành dệt may sẽ đào tạo 3.000 cán bộ quản lý cao cấp, 8.000 cán bộ marketting và tài chính, 8.000 cán bộ công nghệ và thiết kế, 270.000 công nhân kỹ thuật. Cùng với đó là việc xây dựng các vùng sản xuất nguyên liệu, trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu có qui mô lớn. 

Phát triển nguồn nhân lực

Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành dệt may sẽ phát triển theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, nhằm tạo ra bước "nhảy vọt" về chất và lượng sản phẩm. Chiến lược đưa ra mục tiêu cụ thể là doanh thu toàn ngành đến 2010 đạt 14,8 tỷ USD, tăng lên 22,5 tỷ USD vào năm 2015 và 31 tỷ USD vào năm 2020. Giai đoạn 2008-2010, ngành dệt may phấn đấu tăng trưởng sản xuất hằng năm 16-18%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 20%. Giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng sản xuất hằng năm 12-14%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 15%.

 Nét nổi bật của ngành dệt may là tạo việc làm cho hơn 2,2 triệu lao động trong tổng số khoảng 6 triệu lao động công nghiệp. Là ngành kinh tế chủ đạo, dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, nhưng ngành này đang đứng trước những thách thức lớn, cần nỗ lực vượt qua. Về chất lượng tăng trưởng, theo các chuyên gia, mặc dù ngành dệt may đã có những quyết tâm đáng kể, trong đó có sự cố gắng lớn của các doanh nghiệp (DN), sự trợ giúp của Chính phủ, các ngành, các địa phương, nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn còn những hạn chế. Đó là hầu hết nguyên vật liệu vẫn phải nhập khẩu (những năm gần đây phải nhập khẩu tới 90% bông, 70% vải và 50-70% các loại phụ liệu cho may xuất khẩu). Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp; giá trị gia tăng thấp, tỷ suất giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất công nghiệp có xu hướng giảm, tỷ suất lợi nhuận có được 5-10%, chủ yếu tập trung vào khâu gia công (khoảng 65%). Một vấn đề nữa là đa số các DN Việt Nam vẫn làm hàng gia công cho các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. May xuất khẩu hiện tại phần lớn theo phương thức gia công, thiết kế mẫu còn yếu, hiệu quả chưa cao; đa số DN chưa xây dựng được thương hiệu...

 Đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu

 Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, để bảo đảm sự phát triển hiệu quả và bền vững, ngành dệt may đang tập trung đầu tư sản xuất các sản phẩm có khả năng thu hút vốn và khả năng phát triển cao. Đó là các chương trình sản xuất 1 tỷ mét vải phục vụ xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2015 trồng 40.000ha bông tập trung có tưới đạt năng suất cao. Để phát triển nguồn nguyên liệu vải  phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may, Vinatex và các DN cần đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng để trồng cây bông vải và sản xuất xơ sợi tổng hợp. Việc đầu tư phát triển nguồn nguyên phụ liệu dệt may trong nước sẽ từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa từ mức 30% hiện nay, lên 50% vào năm 2010 và 60% vào năm 2015. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ liên kết giữa các DN sản xuất với các cơ sở, các vùng sản xuất sản phẩm, các vùng trồng bông, dâu, tơ tằm. Xây dựng các trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu có quy mô lớn, tạo thành các chợ đầu mối về buôn bán nguyên phụ liệu may, nơi cung cấp tất cả các chủng loại nguyên phụ liệu trong nước và nước ngoài, cung cấp đủ thông tin về nguyên phụ liệu may mặc...

 Bên cạnh đó, vấn đề lao động đang là nỗi lo lớn của toàn ngành. Thời gian qua, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới đã dẫn đến đời sống của công nhân ngành dệt may gặp khó khăn. Với mục tiêu sử dụng 2,5 triệu lao động vào năm 2010, tăng lên 3 triệu lao động vào năm 2020, ngành dệt may cũng đã có chương trình đạo tạo nguồn nhân lực, mở các lớp đào tạo cán bộ quản lý kinh tế - kỹ thuật, cán bộ pháp chế, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề; mở các khóa đào tạo về thiết kế và phân tích vải, kỹ năng quản lý sản phẩm, kỹ năng bán hàng... nhằm tạo ra đội ngũ doanh nhân giỏi, cán bộ, công nhân lành nghề, đáp ứng đủ nguồn nhân lực cho ngành.

(theo báo Hà nội mới)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container