Bước sang năm 2011, thông tin từ các doanh nghiệp dệt may cho biết, ngay từ đầu năm đã có khá dồi dào các đơn hàng xuất khẩu. Nhiều đơn vị đã ký hợp đồng xuất khẩu đến quý III/2011. Vì vậy, ngay thời điểm đầu năm, nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải đẩy mạnh sản xuất để kịp tiến độ giao hàng.
Đơn hàng tuy nhiều nhưng các doanh nghiệp vẫn vừa mừng vừa lo. Ông Nguyễn Thái Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần may Tây Đô (TP. Cần Thơ) cho biết: Năm nay, do chi phí sản xuất ở Trung Quốc tăng cao nên nhiều khách hàng Nhật Bản làm ăn với Trung Quốc đã chuyển sang đặt hàng với Tây Đô. Hiện Tây Đô đã có đơn hàng sản xuất đến tháng 11/2011. Tuy nhiên, để đáp ứng kịp các đơn hàng Tây Đô đã cải tiến khâu quản lý sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
Tương tự, tại Công ty cổ phần Đồng Tiến (Đồng Nai), các đơn hàng may mặc về dồn dập đầu năm 2011, đảm bảo việc làm và thu nhập cho hơn 2.500 lao động từ nay đến tận tháng 10/2011. Theo ông Hoàng- Phó Giám đốc công ty, mức tăng trưởng về doanh thu của năm 2011 dự kiến sẽ cao hơn 10% so với năm trước. Nhiều khách hàng của Trung Quốc tìm đến Việt Nam, nên đây là một lợi thế rất đáng kể để doanh nghiệp có thể lựa chọn những đơn hàng giá cả hợp lý và lợi nhuận cao hơn.
Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty cổ phần may Đồng Nai (Donagamex) cho biết, công ty đã có đơn hàng sản xuất đến giữa năm 2011, đơn giá sản phẩm cũng khá hơn năm trước. Năm ngoái, công ty xuất khẩu đạt 38 triệu USD, năm nay dự kiến xuất khẩu đạt 45 triệu USD. Vì vậy, để đạt được mục tiêu trên, công ty đang tập trung giải quyết nâng cao năng suất lao động, đồng thời mở rộng sản xuất để đảm bảo đúng tiến độ giao hàng. Là một doanh nghiệp có tỷ trọng hàng xuất khẩu lớn, nên mặc dù tỷ giá ngoại tệ có biến động, song ông Kích cho rằng, không đáng lo lắm vì “nước lên, thuyền lên”, thậm chí nếu tỷ giá có tăng chẳng những không bị ảnh hưởng mà còn có lợi. Tuy nhiên ông lo ngại giá đầu vào (chi phí, nguyên phụ liệu, lương công nhân…) tăng khiến doanh nghiệp khó xoay trở.
Trong khi đó, Tổng công ty may Nhà Bè (TP.HCM) cũng đã ký hợp đồng với khách hàng tới tận tháng 10/2011. Theo ông Lê Mạc Thuấn, Phó tổng giám đốc may Nhà Bè: Với tình hình lãi suất quá cao, tỷ giá biến động và nguyên vật liệu tăng giá, phải tính toán thật kỹ để lựa chọn khách hàng và giá cả tốt nhất để ký hợp đồng. Ông tiết lộ, nếu xô bồ, không lựa chọn như vừa rồi, Công ty Nhà Bè đã có khối lượng đơn hàng khổng lồ, sản xuất đến 3 năm cũng không hết!
Được biết, nhiều công ty dệt may lớn khác như Việt Tiến, Phong Phú, Thắng Lợi, Thành Công, Việt Thắng… số lượng đơn hàng năm nay tăng cao hơn 15% so với năm trước. Tuy nhiên điều mà các doanh nghiệp lo lắng hiện nay đó là vấn đề lãi suất, chi phí đầu vào, lương công nhân… có những biến động khó lường sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.
(Báo Công thươn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com