Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xuất khẩu năm 2009: Dệt - may, da - giày chiếm vị trí quán quân

13,6 tỉ USD là kim ngạch xuất khẩu (XK) của ngành dệt - may, da - giày Việt Nam (VN) có khả năng đạt được trong năm 2009 - một lĩnh vực sử dụng rất nhiều lao động, trong đó đa phần là lao động nữ.

Số liệu này đã được công bố tại lễ trao giải "Cuộc bình chọn doanh nghiệp (DN) tiêu biểu ngành dệt - may, da - giày VN 2009" được tổ chức ngày 31.10 tại Hà Nội.

Thành công bất ngờ

Theo Ban tổ chức cuộc bình chọn DN tiêu biểu ngành dệt - may, da - giày 2009, mặc dù suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 2008 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dệt - may và da - giày - là hai ngành XK chủ lực của VN - do mức tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh.

Nhưng được sự hỗ trợ kịp thời từ chủ trương kích cầu của Chính phủ cùng với nỗ lực linh hoạt của cộng đồng DN, cả hai ngành kinh tế XK quan trọng này của VN đã vượt qua được những tác động bất lợi.

Chỉ trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch XK của ngành dệt - may đạt 6,7 tỉ USD, và khả năng đạt mức 9,2 tỉ USD trong cả năm và trở thành ngành kinh tế XK lớn nhất cả nước. Còn đối với ngành da - giày XK, ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày VN - cho biết: "Mục tiêu đạt 4,4 tỉ USD kim ngạch XK đã trong tầm tay, ngành da - giày sẽ giành vị trí thứ ba về kim ngạch XK và giữ ổn định việc làm cho hơn 600.000 lao động".

Theo ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt - May VN: Để đạt được mục tiêu XK nêu trên, tại thị trường Hoa Kỳ - nơi chiếm tới 55% kim ngạch XK của ngành dệt - may - các DN đã đồng hành cùng các nhà nhập khẩu (NK) trong việc xác định lại cơ cấu giá cả hợp lý, trên cơ sở giữ vững chất lượng sản phẩm dịch vụ, nên trong 9 tháng đầu năm 2009 thị trường này giảm 12,71% hàng dệt - may từ hầu hết các nước XK tuyền thống, nhưng lại tăng 18% về lượng và chỉ giảm 4,5% về kim ngạch đối với hàng dệt may từ VN.

Tại thị trường Châu Âu - nơi thu hút tới 20% kim ngạch XK của ngành dệt may VN, cộng đồng DN dệt - may VN đã tăng cường được chất lượng và mở rộng dịch vụ hỗ trợ cho nhà NK, đồng thời tuân thủ chặt chẽ quy chế mới về an toàn cho người tiêu dùng nên đã giữ được kim ngạch XK trong 9 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 1,25 tỉ USD, chỉ giảm 3,5% trong điều kiện NK chung vào thị trường này giảm sút đến 11% so với cùng kỳ năm trước.

Với tinh thần "năng nhặt chặt bị", các DN đã có nhiều nỗ lực mở rộng thị trường, nên hàng dệt - may VN đã XK vào Hàn Quốc tăng 50%; Arập Xêút tăng 23%; Thuỵ Sĩ tăng 12,7%; các nước ASEAN tăng 7,8%... Các DN có kim ngạch XK lớn như Hansoll Vina đạt kim ngạch 240 triệu USD; TCty May Việt Tiến, TCty May Nhà Bè; Cty cổ phần Sài Gòn 3... đạt kim ngạch XK trên 100 triệu USD.

Hướng tới mục tiêu cao hơn

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt - May Lê Quốc Ân - thì: Cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu hiện đang có dấu hiệu suy giảm. Kinh tế thế giới và đặc biệt là kinh tế nước ta đang phục hồi và tăng trưởng - trong đó có ngành dệt may. Đây là cơ hội để khối DN dệt may tích cực chuẩn bị cho thời kỳ đầu tư phát triển để hướng tới mục tiêu XK 10,15 tỉ USD trong năm 2010 và mục tiêu 16 - 18 tỉ USD trong năm 2015 với sản phẩm XK có hàm lượng giá trị nội địa cao hơn, có tính thời trang hơn và có giá trị gia tăng lớn hơn.

Tại Phủ Chủ tịch (ngày 30.10), trong buổi tiếp thân mật và biểu dương các DN tiêu biểu của ngành dệt - may, da - giày, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã hoan nghênh các DN của khối công nghiệp dệt - may - da - giày đã thực hiện tốt trách nhiệm với nền kinh tế đất nước, vượt qua thách thức suy thoái kinh tế toàn cầu trong thời gian vừa qua, đạt được mục tiêu duy trì kim ngạch XK sản phẩm, tạo được việc làm ổn định cho hàng triệu người lao động.

Tại lễ trao giải thưởng DN tiêu biểu ngành dệt - may - da - giày năm 2009, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã thay mặt Chính phủ trao giải thưởng DN dệt - may và da - giày tiêu biểu cho 61 DN dệt - may và 18 DN da - giày tiêu biểu nhất.

Giải thưởng năm 2009 còn được trao cho 7 DN tiêu biểu toàn diện của dệt - may, 5 DN tiêu biểu toàn diện của da - giày cùng các giải thưởng DN tiêu biểu chiếm lĩnh thị trường nội địa tốt, có thương hiệu mạnh, có trách nhiệm xã hội, quản lý môi trường tốt, ứng dụng công nghệ thông tin tốt...

Đây sẽ là mục tiêu cho các DN trong ngành dệt - may, da - giày hướng tới trong năm 2010, để đưa ngành công nghiệp này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế đất nước trong những năm tiếp theo./..

 

(Theo báo Lao động)

  • Năm 2010: Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỉ đô la
  • Giày mũ da Trung Quốc bị áp thuế phá giá 16,5%
  • Dệt may nhắm mốc xuất khẩu 10,5 tỷ USD
  • Thị trường Campuchia: Nhiều cơ hội cho hàng may mặc Việt Nam
  • Thị trường dệt may: Nội hay ngoại?
  • Khó giải bài toán nguyên phụ liệu
  • Tình hình xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Hoa Kỳ 9 tháng đầu năm 2009
  • Chủng loại và kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2009
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container