Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Không lo được tiền cho các dự án điện

Rất nhiều dự án điện với quy mô nhiều tỷ USD được triển khai, nhưng số dự án bắt tay vào làm thực sự thì không nhiều do không lo được tiền.
 
Tình hình cung cấp điện dự báo sẽ còn tiếp tục căng thẳng trong những năm tới khi các nhà đầu tư nguồn điện thẳng thắn bày tỏ sự nan giải trong việc tìm nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà máy điện tại các diễn đàn liên quan đến điện thời gian gần đây.

Ông Đậu Đức Khởi, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thiếu điện là do đầu tư chậm, mà trong nhiều nguyên nhân dẫn đến đầu tư chậm, thì không có tiền là yếu tố quan trọng nhất.

“Rất nhiều dự án điện với quy mô nhiều tỷ USD được triển khai, nhưng các dự án bắt tay vào làm thực sự thì không nhiều bởi không lo được tiền. Ngay EVN, trong khi nhu cầu đầu tư giai đoạn 2006 – 2015 là 33 tỷ USD, nhưng huy động tối đa mọi nguồn cũng chỉ được 20 tỷ USD. Các dự án ngoài EVN cũng có tình trạng chung là không thu xếp được vốn để có thể tăng tốc triển khai”, ông Khởi nói.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho biết, năm 2005, suất đầu tư cho dự án nhiệt điện than là 1.000 USD/kW, nhưng hiện đã tăng lên xấp xỉ 1.500 USD/kW; còn đối với các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, suất đầu tư hiện tại là gần 3.000 USD/kW. Ông Ngãi cho rằng, với thực tế giá điện như hiện nay, việc vay vốn để đầu tư dự án điện gặp rất nhiều khó khăn. “Nếu có giá điện tốt thì sẽ khai thác được nguồn vốn đầu tư’, ông Ngãi nói.

Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đơn vị đang triển khai 7 dự án điện, với tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ USD cho biết, trên thực tế, các ngân hàng đều gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, nên đã thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng và hạn chế cho vay. Đặc biệt, trên thị trường quốc tế, các ngân hàng hiện chủ yếu chỉ triển khai các khoản cho vay thương mại với thời hạn vay dưới 5 năm và số vốn rất hạn chế. Vì vậy, khoản vay hơn 100 triệu USD cần nhiều ngân hàng tham gia hợp vốn.

Không chỉ có khó khăn trong thu xếp vốn vay cho nhà máy điện, PVN còn cho hay, các dự án điện đều yêu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn và PVN đều phải ứng trước vốn để triển khai các hạng mục dùng chung rồi sau này mới phân bổ lại chi phí cho các chủ đầu tư khác cùng làm nhà máy điện trong các trung tâm nhiệt điện. “Dẫu vậy, việc thu xếp vốn cho phần đầu tư này cũng có khó khăn, do ngân hàng không mặn mà bởi hiệu quả đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn hoàn toàn phụ thuộc vào các chủ đầu tư nhà máy”, ông Đinh Thái Hà, Phó trưởng ban Tài chính - Kế toán của PVN nói.

Cũng khó khăn trong thu xếp vốn đầu tư cho các dự án điện như các doanh nghiệp nhà nước khác, nhưng Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) còn phải đương đầu với khó khăn trong việc cung cấp than cho sản xuất điện khi giá rẻ hơn giá than xuất khẩu rất nhiều. Ông Trần Xuân Hòa, Tổng giám đốc TKV cho hay, than bán cho ngành điện hiện có giá khoảng 30 USD/tấn và có phẩm cấp thấp nhất là than cám 6. Trong khi đó, than cám 11a, 11b – những loại có giá trị kém hơn, xuất khẩu với giá 81 USD/tấn.

Như vậy, có thể thấy, khai thác than trong nước phục vụ sản xuất điện cũng là vấn đề không đơn giản. Hiện mức đầu tư cho sản xuất than trong nước vào khoảng 150 - 200 USD/tấn công suất, tức là nếu làm một mỏ than khoảng 10 triệu tấn/năm, thì số tiền đầu tư phải lên tới 2 tỷ USD. Để có được tiền đầu tư khai thác than, ngành than lại phải đi vay vốn, nhưng cũng không dễ dàng gì nếu giá than bán cho điện vẫn cứ thấp hơn giá thành sản xuất than và chênh lệch lớn với giá than xuất khẩu hiện nay.

Do giá than nhập khẩu cho ngành điện hiện ở mức bình quân 100 USD/tấn, nên các nhà máy nhiệt điện chạy than nhập khẩu tuy được trông chờ, nhưng đều đang tắc trong triển khai, vì khó đàm phán được về giá bán điện.

Đến từ Ngân hàng Standard Charterd Việt Nam, bà Saranya, Giám đốc Phòng nguồn vốn và kinh doanh ngoại tệ cho hay, Việt Nam không thể chỉ dựa vào tiết kiệm trong nước để cung cấp vốn cho các dự án hạ tầng cơ sở, mà cần phải dựa vào thị trường quốc tế, các khoản vay ngân hàng trung và dài hạn và phát hành trái phiếu trong dài hạn.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, người từng tham gia tư vấn phát triển Dự án Điện Phú Mỹ 2.2 theo hình thức xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT) cách đây khoảng 10 năm, nhu cầu vốn 80 tỷ USD của ngành điện trong giai đoạn 2006 - 2015 không phải là quá lớn và khó giải quyết. Vấn đề là cơ chế hiện nay có nhiều bó buộc và chưa hợp lý. “Người cho vay chỉ có thể mở hầu bao khi người đi vay hay nhà đầu tư có khả năng trả nợ và trả lãi, chứ nếu sản xuất ra sản phẩm mà bán không có lãi thì khó có ai muốn cho vay”, ông Thành nói.

(Theo Thanh Hương // Báo đầu tư)

  • Vì sao Việt Nam vẫn phải mua điện từ Trung Quốc?
  • Xăng dầu: Cuộc chơi vẫn của các 'ông lớn'
  • Giá điện sẽ được điều chỉnh từ ngày 1/7?
  • Tổng giám đốc Petrolimex nói gì về “minh bạch xăng dầu”?
  • Sếp Petro Vietnam “chẳng tin” dự án lọc dầu 27 tỷ USD
  • Thủy điện miền Bắc đủ nước vận hành hết công suất
  • Nâng công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất
  • IEA: Nhu cầu dầu năm 2011 có thể lên 87,84 triệu thùng/ngày
  • IEA giảm dự báo về tăng nhu cầu dầu trong năm 2011
  • BP quyết định bịt giếng dầu tràn vĩnh viễn
  • Nhùng nhằng giá bán điện gió
  • Dầu tràn ở Trung Quốc lớn hơn nhiều so với công bố
  • Lào: Thủy điện cung cấp tài chính cho giảm nghèo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container