Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành Dầu khí: Mở rộng khai thác dầu, khí cả trong và ngoài nước

Tăng cường thăm dò khai thác dầu khí
trong và ngoài nước là công tác trọng tâm
của Petrovietnam trong những năm tới

 

Năm 2008, là năm đạt nhiều thành công của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí thuộc PVN trong mọi hoạt động nói chung, đặc biệt với lĩnh vực chuyên ngành là thăm dò, khai thác dầu khí ở trong và ngoài nước, một khối lượng công việc khổng lồ đã được thực hiện.

Trong lĩnh vực phát triển khai thác, PVEP đã đưa 5 mỏ vào khai thác gồm Cá Ngừ Vàng, Sư Tử Vàng, Sông Đốc, Phương Đông (dầu) và cụm mỏ phía Bắc PM3 CAA (khí). Tổng Công ty có phát hiện thương mại tại các Lô 52/97, Lô 16.1, Lô 12W và Lô 15.2. Sản lượng ước thực hiện đến hết năm 2008 đạt khoảng 7.2 triệu tấn dầu và 6,5 tỷ m3 khí.
 

Trong hoạt động tìm kiếm thăm dò, tổng mức gia tăng trữ lượng đạt 112,93 triệu tấn. Tổng Công ty đã tiến hành thu nổ 37.559km 2D và 6.649km 3D, khoan 20 giếng thăm dò và 13 giếng thẩm lượng.
 

Đối với lĩnh vực thăm dò, mục tiêu chiến lược của PVN là đẩy mạnh việc tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng có thể khai thác; ưu tiên phát triển những vùng nước sâu, xa bờ, vùng chồng lấn; mở rộng địa bàn và tích cực triển khai hoạt động đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ra nước ngoài. Cụ thể hoá mục tiêu chiến lược của tập đoàn, PVEP đã xây dựng mục tiêu chiến lược tìm kiếm thăm dò trong và ngoài nước. Theo đó giai đoạn 2008-2010 phấn đấu gia tăng thu hồi đạt 82 triệu tấn qui dầu năm, giai đoạn 2011-2015 đạt 110 triệu tấn thu hồi qui dầu năm và giai đoạn 2016-2025 đạt 200 triệu tấn thu hồi qui dầu năm.
 

Trong bối cảnh những khu vực lô mở còn lại trong nước và những khu vực thăm dò khai thác trên thế giới còn tiềm ẩn rủi ro cao về địa chất, để đạt được mục tiêu lớn, PVEP cho rằng, công tác tìm kiếm thăm dò trong nước cần tập trung vào lựa chọn một số vùng có triển vọng dầu khí cao ở các lô còn mở và vùng/bể trầm tích mới để tự đầu tư và điều hành. Tiếp tục tăng cường các hoạt động khai thác thăm dò, nhằm gia tăng trữ lượng dầu khí tại các lô đã có HĐDK và các lô còn mở/đã hoàn trả ở các bể Sông Hồng, Phú khánh, Tư Chính - Vũng Mây, Cửu Long, Nam Côn Sơn và Malay-Thổ Chu, trong đó ưu tiên các vùng nước sâu. Tăng cường công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản ở các khu vực mới và tìm kiếm thăm dò các bẫy phi cấu tạo.
 

Theo lãnh đạo PVEP, trong những năm tới, công tác thăm dò nhằm bảo đảm kế hoạch chiến lược gia tăng trữ lượng ngày càng cao sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn về nhu cầu nhân lực, nguồn vốn, sự cạnh tranh quốc tế và tiến bộ khoa học công nghệ. Điều này đòi hỏi Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí phải không ngừng vươn lên để có thể chiến hữu những tầm cao mới

Công tác tìm kiếm thăm dò nước ngoài cần hướng đầu tư vào các khu vực trọng điểm có tiềm năng ở Đông Nam Á, châu Phi, Trung Đông, các nước thuộc Liên Xô (trước đây) và Trung/Nam Mỹ. Theo đó, đặc biệt ưu tiên mua tài sản gồm các mỏ đang phát triển khai thác. Tích cực tìm giải pháp farm-in vào các hợp đồng có tiềm năng cao đang trong giai đoạn thăm dò/thẩm lượng.
 

Trong lĩnh vực khai thác, hiện nay PVEP đang tham gia triển khai công tác phát triển khai thác ở 12 mỏ dầu, 2 mỏ khí-condensate và 3 mỏ khí cả trong và ngoài nước. PVEP cùng các nhà thầu đang tích cực nghiên cứu tìm giải pháp nâng cao sản lượng khai thác và khai thác an toàn các mỏ để hoàn thành đạt mức sản lượng cao nhất do tập đoàn giao.

Trong giai đoạn 2009 - 2010, có 7 mỏ mới dự kiến sẽ được đưa thêm vào khai thác, bao gồm các mỏ Nam Rồng-Đồi Mồi, Pearl, Bunga Orkid (dầu), D30, Dana sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2009 và các mỏ Sư Tử Đen Đông Bắc và Topaz trong năm 2010. Sản lượng khai thác dự kiến khoảng 15 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2009 và hơn 20 triệu tấn dầu quy đổi năm 2010.
 

Ngoài ra, một số mỏ khác đang trong giai đoạn chuẩn bị phát triển để đưa vào khai thác trong và sau các năm 2011, bao gồm: Sư Tử Trắng, Sư Tử Nâu, Tê Giác Trắng, Hải Sư Trắng, Diamond, Lan Đỏ, Hải Thạch - Mộc Tinh, Kim Long - Ác Quỷ - Cá Voi và một số mỏ khác ở trong và ngoài nước.
 

Chiến lược của PVEP sẽ mở rộng khai thác dầu và khí cả trong và ngoài nước, dự kiến đến năm 2015 sẽ có tổng cộng hơn 40 mỏ dầu, khí được đưa vào khai thác. Sản lượng khai thác dự báo trong giai đoạn 2009-2010 là hơn 20 triệu tấn dầu và hơn 10 tỷ m3 khí, trong giai đoạn 2011-2015 tổng sản lượng dầu khí khai thác qui đổi dự kiến hơn 130 triệu tấn và trong giai đoạn 2016-2025 tổng sản lượng dầu khí khai thác qui đổi dự kiến hơn 400 triệu tấn.
 

Trước tình hình chính trị - kinh tế trên thế giới diễn biến phức tạp, thị trường dầu mỏ biến động bất thường đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến công nghiệp dầu khí toàn cầu nói chung và PVEP nói riêng. Có một thực tế là ở giai đoạn giá dầu thế giới cao vượt ngưỡng, dịch vụ thăm dò khai thác cũng lạm phát giá và khan hiếm, trong giai đoạn giá dầu sụt giảm nghiêm trọng do khủng hoảng kinh tế thế giới, công tác bán dầu không thuận lợi, cả hai diễn biến này đều ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng khai thác dầu khí. Những biến động lớn này chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu cũng như danh mục đầu tư của PVEP. Chính vì vậy, những khó khăn, thử thách đặt ra trước mắt rất lớn. Song đây cũng là cơ hội tốt cho đầu tư vào lĩnh vực thăm dò khai thác đối với các công ty dầu có chiến lược hoạt động phù hợp.
 

“Phát huy sức mạnh đoàn kết và trí tuệ tập thể, tôi tin tưởng rằng PVEP sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ do PVN giao cũng như chiến lược phát triển Tổng Công ty đến năm 2015, định hướng đến 2025, trở thành một công ty dầu khí quốc tế chuyên nghiệp có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới” - Ông Trần Đức Chính nhấn mạnh.

(Theo báo điện tử điện tử Bà Rịa – Vũng Tàu)

  • Vì sao Việt Nam vẫn phải mua điện từ Trung Quốc?
  • Xăng dầu: Cuộc chơi vẫn của các 'ông lớn'
  • Giá điện sẽ được điều chỉnh từ ngày 1/7?
  • Tổng giám đốc Petrolimex nói gì về “minh bạch xăng dầu”?
  • Sếp Petro Vietnam “chẳng tin” dự án lọc dầu 27 tỷ USD
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container