![]() |
Để các dự án nhiệt điện vận hành được, các chủ đầu tư phải mất hàng năm để vượt qua các “rào chắn” |
Trong khi tình trạng thiếu điện ngày càng trầm trọng thì tiến độ triển khai các dự án nhiệt điện than vẫn theo tốc độ “rùa”. Đáng nói, đến lúc này, các chủ đầu tư không thể kiểm soát được tình hình.
Chậm về cơ chế “bó”
Nhìn nhận về tiến độ “rùa” của các dự án nhiệt điện dùng than, hầu hết người trong cuộc đều cho rằng, do năng lực của chủ đầu tư và nhà thầu. Tuy nhiên, các chủ đầu tư lại than rằng, năng lực của họ dù cao nhưng cũng khó lòng vượt qua được những rào cản thủ tục, cơ chế. Và đó là câu chuyện có thật! Dự án nhiệt điện Mạo Khê - Quảng Ninh (công suất 440 MW), bị chậm tiến độ 2 năm so với Quy hoạch 6 đề ra, là một ví dụ điển hình. Theo đại diện tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản (TKV), do có sự thay đổi của Nghị định 16 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, báo cáo đầu tư, TKV đã phải thay đổi lại báo cáo đầu tư. Hơn nữa, một số nghị định, thông tư mới ban hành bị thiếu một số quy định cụ thể nên đã không có cơ quan nào đứng ra phê duyệt đánh giá tác động môi trường cho dự án có công suất dưới 600 MW này. Từ kinh nghiệm triển khai các dự án nhiệt điện trong 12 năm qua, đại diện TKV than, các chủ đầu tư đang phải mất quá nhiều thời gian vào các khâu hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án (thường từ 6 tháng đến 1 năm), phát hành hồ sơ mời thầu, giải phóng mặt bằng (GPMB) (1 - 2 năm), thủ tục hải quan, xin giấy phép nhập thiết bị. Đặc biệt, do những hạn chế trong qui định chọn nhà thầu, chủ đầu tư thường không chỉ mất nhiều thời gian vào khâu này mà còn khó lòng chọn được nhà thầu có năng lực, chất lượng và kinh nghiệm theo tiêu chí giá.
Chia sẻ bức xúc với TKV, đại diện của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, từ năm 2000 đến nay, EVN mới đưa được 5 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 1.500 MW vào vận hành. Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, EVN cũng gặp nhiều khó khăn do có quá nhiều sự thay đổi trong quy hoạch. Bên cạnh đó, EVN cũng phải mất hơn 1 năm rưỡi để hoàn thiện các thủ tục vay vốn ODA, nhất là các thủ tục về môi trường, trong khi hầu hết các dự án điện của EVN đều phải vay vốn ODA. Đặc biệt, do những quy định như phải có báo cáo khả thi rồi mới được đàm phán với UBND để tiến hành xin đất, đền bù, GPMB nên quá trình này cũng “ngốn” của chủ đầu tư ngót nghét 2 năm, trong khi đơn giá đất lại thay đổi liên tục.
Bổ sung vào những bất cập trong cơ chế làm chậm tiến độ, Phó viện trưởng Viện Năng lượng, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ là do thiếu hẳn một quy hoạch tổng thể, dẫn tới sự chồng chéo trong các quy hoạch, nhất là giữa quy hoạch phát triển điện với các quy hoạch về cơ sở hạ tầng tại địa phương. Ông Dũng cũng cho hay, hiện tổng mức đầu tư để xây dựng một nhà máy nhiệt điện đã “đội” lên rất nhiều do yếu tố trượt giá về vật tư, thiết bị, nhân công, giá đền bù đất đai. Chính vì vậy, quy định bắt buộc các dự án có tổng mức đầu tư trên 20 nghìn tỷ đồng phải trình ra Quốc hội thông qua hiện không còn phù hợp, thậm chí làm chậm việc triển khai các dự án điện, trong khi nhu cầu bổ sung nguồn mới cho hệ thống quốc gia đang hết sức cấp bách. Ông Dũng cũng chỉ ra, mặc dù giá điện đã được điều chỉnh hàng năm để tiến dần tới giá thị trường, nhưng trên thực tế, giá điện chưa phản ánh đúng chi phí đầu tư sản xuất như hiện nay. Vì vậy, các dự án điện thường khó lòng huy động được vốn vay từ các ngân hàng. Do đó, nhiều dự án dù ký xong hợp đồng EPC như Vĩnh Tân 2 vẫn chưa có tiền triển khai.
Chậm vì than
Đối với các dự án nhiệt điện sử dụng than trong nước, chất lượng than và khả năng cung cấp than cho các dự án cũng đang là vấn đề “đau đầu”.
Đại diện cho tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - chủ đầu tư của 5 dự án nhiệt điện than trong Quy hoạch 6, trong đó có 2 dự án sử dụng than trong nước là Thái Bình (sử dụng than cám 6B) và Vũng Áng 1 (sử dụng than cám 5), Trưởng Ban Điện, ông Nguyễn Tiến Vinh cho rằng, do việc khai thác than, cung cấp than bị hạn chế so với sự phát triển quá nhanh của các dự án nhiệt điện, PVN đã phải thay đổi thiết kế của dự án Thái Bình 2 để chuyển từ sử dụng than cám 5 sang 6B nên mất khá nhiều thời gian. Bên cạnh đó, do chất lượng than antraxit nội địa không ổn định về cỡ hạt, nhiệt trị thấp, hàm lượng tro cao… nên các nhà thầu thường kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng EPC, nhất là thời gian hiệu chỉnh lò hơi.
Đồng quan điểm này, đại diện công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1, ông Lê Minh Tuấn, khẳng định, tiêu chuẩn than đang là bất cập lớn ảnh hưởng tới tiến độ các dự án. Hiện các tiêu chuẩn ngành không đáp ứng được những thông số đầu vào cho thiết kế các dự án điện. Trên thực tế, do hạn chế về công nghệ sàng tuyển, chất lượng than cấp đến giai đoạn vận hành chạy thử có sự dao động quá lớn so với tiêu chuẩn thiết kế ban đầu, gây khó khăn cho nhà thầu. Dự án Nhiệt điện Uông Bí mở rộng là ví dụ cụ thể. Ngoài ra, ông Dũng ở Viện Năng lượng còn cho rằng, việc quy định các dự án nhiệt điện tại phía Nam sử dụng than của miền Bắc, trong khi nhiều dự án nhiệt điện ở miền Bắc lại phải sử dụng than nhập khẩu cũng là một bất cập, gây khó khăn cho chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án.
“Đặt hàng” chính sách
Sự chậm trễ là do thiếu một quy hoạch tổng thể, dẫn tới sự chống chéo trong các quy hoạch. |
Theo Quy hoạch phát triển Điện 6, từ nay đến 2015, tổng công suất nguồn điện chạy than khoảng 4.500 MW, cao hơn so với khả năng cung ứng than nội địa. Vì vậy, việc hỗ trợ ngành than trong thăm dò các mỏ mới, trong khai thác, sản xuất là công việc cần ưu tiên làm ngay để có than nhiên liệu cho các dự án phát điện.
Đại diện công ty cổ phần Tư vấn điện 2 kiến nghị, để rút ngắn thời gian vận hành chạy thử, hiệu chỉnh lò hơi cũng như giúp các nhà máy vận hành ổn định, Bộ Công Thương cần sớm ban hành tiêu chuẩn than nội địa sử dụng cho các dự án nhiệt điện với đầy đủ các tiêu chí về cỡ hạt, thay vì chỉ có 4 chỉ tiêu là nhiệt trị, độ ẩm, lưu huỳnh và chất bốc như hiện nay. Chủ dự án EVN nhìn nhận, để rút ngắn thời gian vận chuyển nhiên liệu, việc quy hoạch cảng than, trong đó ưu tiên vận chuyển than nội địa, cần sớm được ban hành.
Để rút ngắn quá trình triển khai dự án, các chủ đầu tư rút ra thực tế, nếu Nhà nước cho phép chủ đầu tư triển khai song song đồng thời nhiều công việc, giai đoạn, bước đầu tư cùng một lúc, thậm chí cho phép mời nhà thầu đến đàm phán trước cũng như được triển khai GPMB khi đã có báo cáo đầu tư sơ bộ, không cần chờ đợi đến khi có hồ sơ mời thầu, thì không chỉ tiết kiệm được thời gian mà cả chi phí, qua đó giúp công trình đạt hiệu quả cao hơn. Đối với những hạn chế trong tiêu chuẩn đầu tư xây dựng, đại diện các chủ đầu tư đều có kiến nghị chung lên Bộ Công Thương và Chính phủ nhằm cho phép áp dụng tiêu chuẩn quốc gia của nước mà nhà thầu được chọn, để rút ngắn thời gian. Về lâu dài, Bộ Công Thương cần lập danh mục các tiêu chuẩn để các chủ đầu tư có thể tự động thông qua, không cần trình duyệt.
Thời gian thực hiện Quy hoạch 6 đã được non nửa chặng đường nhưng các dự án vẫn đang được triển khai hết sức chậm chạp do những nguyên nhân nằm ngoài tầm kiểm soát của chủ đầu tư. Trong khi đó, phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương vẫn chỉ có những động thái “ghi nhận để nghiên cứu xử lý”. Nếu cách thức tháo gỡ vẫn theo lối “bài bản” như vậy thì e rằng cơn “khát điện” vẫn còn kéo dài. Gánh chịu hậu quả vẫn là người dân, các doanh nghiệp sản xuat và nền kinh tế.
(Theo Nguyễn Kim Anh // Báo Doanh nhân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com