Theo ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hội chế biến thủy sản Cà Mau: Chính sách hỗ trợ lãi suất, kích cầu sản xuất, tiêu dùng của Chính phủ đã phát huy tác dụng tích cực. Cụ thể là rút ngắn thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng, giãn thời gian nộp và giảm thuế; hỗ trợ lãi suất; cho vay hỗ trợ mất việc làm; bảo lãnh tín dụng… đều rất linh hoạt theo hướng có lợi cho xuất khẩu.
Tuy ngành thủy sản Cà Mau đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản gần 140 triệu USD nhưng vẫn giảm 2% so với cùng kỳ năm 2008. Tùy thực lực, khả năng thích ứng, năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, từng ngành hàng cho nên nhiều doanh nghiệp bước đầu đã vượt lên khó khăn, tiếp trục trụ vững. Toàn tỉnh hiện có 25 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản; qua hoạt động sản xuất, kinh doanh, bốn tháng đầu năm đã có sáu doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao từ 12,2% 23%; số doanh nghiệp còn lại mức giảm khoảng 2%.
Do các khó khăn chung về suy giảm kinh tế, đầu năm 2009, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Cà Mau đã lên kế hoạch dự kiến cắt giảm khoảng 5 nghìn lao động. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào thực hiện việc cắt giảm lao động; ngược lại gần đây một số doanh nghiệp đã thông báo tuyển dụng thêm 5 nghìn lao động.
Trên cơ sở thực hiện chủ trương đẩy mạnh khâu nuôi trồng; các doanh nghiệp chủ động liên kết với người nuôi tôm, tăng cường nhập khẩu tôm nguyên liệu, Cà Mau hiện nay đã khắc phục dần được tình trạng thiếu tôm nguyên liệu gay gắt. Công suất chế biến tăng bình quân hiện nay lên hơn 35%; trong khi hai tháng trước công suất chế biến chỉ đạt khoảng 20%.
Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ mạnh của thị trường, gần đây, các doanh nghiệp ở Cà Mau đã chuyển hướng sang làm hàng giá trị gia tăng, chủ yếu chế biến tôm có kích cỡ trung bình, người tiêu dùng ưa chuộng cho nên các doanh nghiệp cũng rất cần tuyển thêm công nhân. Điều này đã giúp các doanh nghiệp tạo việc làm và đời sống ổn định cho hơn 20 nghìn công nhân; đồng thời bảo đảm duy trì sản xuất, đạt mục tiêu chung về xuất khẩu thủy sản 665 triệu USD của tỉnh năm 2009.