Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, giá cá tra và tôm nguyên liệu xuất khẩu giảm liên tục. Điều này khiến cho người nuôi trồng thủy sản phải "treo ao" vì thiếu vốn và không chủ động được nguồn nguyên liệu. Trong khi đó, từ đầu tháng 5 đến nay, người nuôi trồng lại càng khó khăn hơn khi giá thức ăn thủy sản (TĂTS) tăng thêm 300-500 đồng/kg, nhưng giá bán sản phẩm lại giảm.
Khó khăn dồn dập
Theo Cục Nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT, năm 2009 diện tích nuôi cá tra và tôm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị bỏ trống nhiều. Đến nay, toàn vùng có 477.536ha nuôi tôm, giảm hơn 38.200ha so với cùng thời điểm năm 2008. Hiện nay, diện tích nuôi cá tra mới đạt gần 1.000ha mặt nước, thấp hơn cùng kỳ năm trước 30%. Với diện tích này, việc tạo ra nguồn nguyên liệu phục vụ cho hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản vào những tháng cuối năm 2009 sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, hiện nay người nuôi cá tra và tôm đều đang "đuối sức" và khó có thể gượng dậy sau vụ nuôi thua lỗ năm 2008. Những hộ "đủ sức" thì cũng chỉ dám thả nuôi cầm chừng vì sợ rủi ro dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh…
Ngoài ra, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những thông tin bất lợi đối với sản phẩm cá tra của Việt Nam ở các thị trường Nga, Ai Cập, Ấn Độ và Mỹ. Người nông dân chưa hết khó khăn thì giá TĂTS lại tăng mạnh, khiến cho họ càng thêm lao đao. Mặc dù Chính phủ đã đưa nguyên liệu sản xuất TĂTS nhập khẩu vào nhóm đối tượng bình ổn giá, nhưng từ đầu tháng 5 đến nay, giá TĂTS liên tục tăng. Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, hiện nay thức ăn cho cá tra loại 22% đạm, giá từ 6.800-6.900 đồng/kg, loại 26% đạm giá từ 7.200-7.800 đồng/kg, tăng khoảng 300-500 đồng/kg so với những tháng đầu năm. Trong khi đó, theo Cục Nuôi trồng thủy sản, từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều hộ nuôi chỉ bán được cá nguyên liệu với giá 15.800-16.000 đồng/kg. Với mức giá này, chỉ những người nuôi cá đạt năng suất cao, chất lượng tốt mới có khả năng không thua lỗ.
Theo tính toán của Cục Nuôi trồng thủy sản, giá thành nuôi cá tra là 14.500-15.000 đồng/kg, trong đó chi phí thức ăn chiếm gần 76%. Đối với tôm sú, giá đầu vào có mức là 60.000 đồng/kg thì chi phí thức ăn đã chiếm gần 42%... Vì vậy, việc tăng hay giảm giá TĂTS trong thời gian tới sẽ tác động trực tiếp đến kết quả của từng vụ nuôi trồng.
Tháo gỡ cách nào?
Theo các chuyên gia nông nghiệp, để ngành thủy sản nước ta phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì việc chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất TĂTS là rất cần thiết. Theo ông Lịch, đối với những loại nguyên liệu như: khô dầu đậu tương, gạo, ngô, cám, nguyên liệu bột cá… nếu tổ chức tốt các khâu quy hoạch sản xuất thì chúng ta có thể sử dụng được lượng sản phẩm dư thừa, phục vụ cho chế biến TĂTS. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những loại nguyên liệu trên, chiếm khoảng 70-80% trong công thức sản xuất thức ăn, vẫn phải phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho các doanh nghiệp tăng giá sản phẩm TĂCN hoặc chậm giảm giá thành khi nguồn nguyên liệu trên thế giới giảm giá.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP cho rằng, Bộ NN&PTNT cần sớm nghiên cứu đề xuất với Chính phủ cho phép nhập khẩu TĂTS để tạo môi trường cạnh tranh nhằm giảm giá bán TĂTS của các doanh nghiệp chế biến TĂTS trong nước.
Để người nuôi trồng thủy sản chủ động được nguồn nguyên liệu cho chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó có TĂTS, đề nghị Nhà nước cần đầu tư vốn cho nông dân để tăng cường hệ thống kho bãi, phơi, sấy, bảo quản để bảo đảm chất lượng hàng nông sản làm nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Việc quy hoạch lại vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có TĂTS cũng cần được quan tâm trên cơ sở tính toán thực tế nhu cầu.
( Theo HNMO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com