Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xuất khẩu thủy sản cuối năm: Đỏ mắt tìm nguyên liệu

Năm 2009, cả nước đạt được thành tựu đáng kể trong xuất khẩu thủy sản, thế nhưng, tại bán đảo Cà Mau - “vương quốc” nuôi tôm - năng suất tôm nuôi lại  ở mức thấp nhất.

Cùng với cơn lốc xây dựng nhà máy chế biến dày đặc trên địa bàn, tình trạng khan hiếm tôm nguyên liệu bị đẩy đến mức trầm trọng, nhất là thời điểm cuối năm...

Người nuôi gặp khó

Bước vào đầu vụ tôm nuôi 2009, nông dân các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng gặp phải những khó khăn nhất định. Vẫn là những nguyên nhân không mới: Con giống kém chất lượng, giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản tăng, môi trường tôm nuôi khó khăn, tôm chậm lớn. Dần về cuối năm tôm nuôi thuận lợi hơn, tỉ lệ chết thấp, dù vậy sản lượng không tăng do người dân không còn nuôi mật độ dày mà chuyển sang nuôi thưa.

Ông Võ Hồng Ngoãn, xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu là một trong những người có diện tích nuôi tôm theo mô hình CN - BCN lớn của tỉnh năm nay thu hoạch chỉ hơn 50 tấn, thấp hơn năm 2008 gần 10 tấn cho biết: “Con tôm nuôi càng lúc càng khó khăn, để đạt tiêu chuẩn cần đến 5 -6 tháng thay vì 4 -5 tháng như trước đây vì vậy chi phí tăng lên. Nhiều người nuôi thiếu kinh nghiệm, cho thức ăn quá nhiều, xử lý hóa chất lãi rất ít dù giá tôm cao hơn năm 2008”.

Bạc Liêu quy hoạch 15.000 ha nuôi theo mô hình CN-BCN. Năm 2009, số diện tích quy hoạch CN -BCN không đưa vào sản xuất đúng mô hình lên đến trên 5.000ha; chuyển đổi mô hình trên 2.000ha. Chính vì vậy làm giảm sản lượng tôm nuôi.

Tại Cà Mau có trên 260.000 ha diện tích tôm nuôi, nhưng chủ yếu theo mô hình quảng canh và nuôi kết hợp. Năm 2009, trước lợi nhuận từ cây lúa đã đưa diện tích theo mô hình tôm - lúa lên trên 50.000ha. Vào những tháng cuối năm số diện tích của mô hình này gần như không còn tôm để nhường cho việc trồng lúa dù nó chứa đựng nhiều bất trắc do chưa có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh.

Theo đánh giá của Sở NNPTNT Cà Mau tại buổi hội thảo nuôi tôm vào 8.12, năng suất tôm nuôi tại Cà Mau thấp nhất ĐBSCL (trung bình 120 kg/ha/năm). Chính vì vậy dù được mệnh danh là mỏ tôm, nhưng người nuôi tôm tại Cà Mau không giàu là vậy. Thậm chí lợi nhuận thua  trồng lúa năng suất cao trên cùng một đơn vị diện tích.

Nhà máy đói nguyên liệu

Chuyện thiếu nguyên liệu đối với các nhà máy chế biến thủy sản khu vực Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau vào những tháng cuối năm không mới. Nhưng năm nay mức độ trầm trọng hơn. Theo đánh giá của các sở NNPTNT vẫn là nguyên nhân do hết vụ tôm, thị trường xuất khẩu cuối năm sôi động vào mùa Noel, Tết dương lịch.

Bà Trần Thị Tuyết, Tổng giám đốc Camimex (Cà Mau) cho biết: "Thị trường xuất khẩu của Cty mấy năm nay đều ổn định, thương hiệu của chúng tôi đã được khẳng định trên thị trường thế giới, tuy nhiên chúng tôi không dám ký thêm hợp đồng vì thiếu nguyên liệu". Có lúc các nhà máy trực thuộc Cty này chỉ hoạt động 30% công suất thiết kế, Ban giám đốc buộc phải cho công nhân thay nhau nghỉ luân phiên.

Tình trạng này cũng không khá hơn đối với Cty chế biến xuất khẩu Cái Đôi Vàm (Cadomimex) Cà Mau. Theo Phòng kinh doanh Cty hiện nay Cty hoạt động chỉ 40% công suất do thiếu nguyên liệu. Mặt dù Cty đã mua nguyên liệu với giá cao nhưng cũng không tìm ra tôm nuôi đủ để sản xuất.

Tình cảnh này cũng không ngoại lệ đối với Cty Chế biến xuất khẩu Thủy sản Giá Rai (Bạc Liêu). Dù Cty đã cho người đi các nơi thu mua, thậm chí những ao tôm mới 4 tháng cũng được khảo sát; Cty bao toàn bộ chi phí kể cả bắt tôm, người bán chỉ cần coi cân nhưng lượng nguyên liệu thu về cũng không đủ cho nhà máy hoạt động 70% công suất thiết kế.

Sẽ kéo dài trong nhiều năm

Theo đánh giá của Sở NNPTNT Cà Mau tình trạng thiếu nguyên liệu sẽ gay gắt hơn vào vài năm tới. Ông Nguyễn Thông Nhận, Phó giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau phân tích: “Hiện nay các tỉnh ven biển ĐBSCL gần như có lịch thời vụ như nhau do cùng điều kiện tự nhiên. Chính vì vậy khi bước vào thu hoạch rộ các nhà máy chế biến không kịp. Thời gian dài còn lại trong năm thì tìm không ra nguyên liệu.

Mặc khác, dù diện tích nhiều nhưng số hộ nuôi tôm năng suất cao không lớn; trình độ người nuôi chưa theo kịp nhu cầu phát triển của ngành thủy sản. Hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản không quy hoạch được vùng nguyên liệu cho riêng mình... Chừng nào những điều này chưa khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu ngay trên mỏ tôm sẽ còn tiếp diễn”.

Phó giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu Tạ Minh Phú nhận định: “Nuôi tôm theo mô hình quảng canh thì không bao giờ đủ nguyên liệu để xuất khẩu, đáng tiếc xu hướng này hiện đang gia tăng tại Bạc Liêu".

Với gần 600.000ha mặt nước nuôi tôm, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau là 3 tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích nuôi tôm sú, dù vậy cả 3 tỉnh chưa đến 15.000ha nuôi theo mô hình CN-BCN. Nuôi tôm với quy mô nhỏ, lẻ sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành thủy sản là điều đương nhiên. Theo quy hoạch của các tỉnh nói trên đến năm 2015 xu hướng nuôi tôm sinh thái được ưu tiên, nuôi mật độ dày, năng suất cao không khuyến cáo nhân rộng. Chính vì vậy khả năng từ đây đến năm 2015 sản lượng tôm nuôi của các tỉnh này không tăng bao nhiêu so với hiện nay.

Đã đến lúc cần phải quy hoạch lại vùng nuôi kể cả hệ thống nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Không thể để thị trường sản phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm mà người chịu thiệt cuối cùng là nông dân.

(Báo Lao Động)

  • Cá tầm Trung Quốc được “độc quyền” tại Việt Nam?
  • Thành tỷ phú nhờ nuôi cá lăng đuôi đỏ
  • Cá tra 'chiến lược' của Việt Nam trong cơn bĩ cực
  • Quảng Ngãi: Tôm chết trắng đồng
  • Nghề nuôi cá tầm: Chưa kịp lớn đã đối diện với cái chết?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container