Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 13

Lợp lại màu xanh cho rừng đước Năm Căn. 

Trang thứ hai mươi sáu:

"Viết Tùy bút của Nguyễn Mai" tiếp theo "… Tôi đã bao đêm nằm trong chùa vắng để nghe kinh. Nhưng câu kinh, tiếng mõ chỉ gây cho tôi một sự êm dịu - có thể nói là thú vị của tâm hồn, hơn là dắt tôi đi theo con đường huyền bí. Cầm viết, hướng theo mục đích giải phóng loài người khỏi bị áp bức, tôi vẫn là con người hiện thực. Sự tiếc rẻ của tôi có lẽ là quá kém với chân trời văn học bao la, với mọi cơ cấu xã hội đang phát triển trên trình độ của mình".

"Em ơi! Muốn hiểu biết cuộc sống phải đi sâu vào cuộc sống. Có khi nào kẻ ấy chưa bị áp bức, chưa bị khinh rẻ mà họ hiểu được nỗi chua xót của người bị khinh rẻ, bị áp bức đâu! Tôi chê em tôi chỉ là cô gái học trò".

"Ngòi viết đã khô và đã lạc. Không phải vì khô mực mà vì tôi cứ nói đâu đâu, không nhằm cái nghĩa lý gì ("có lẽ có người bảo vậy" - NM. gạch bỏ). Nhưng thành thật, tôi hay viết lan man không khác cuộc đời lan man (Sửa lại "ngây dại" - NM) của tôi".

"Bếp un tắt lửa. Những que củi gầy guộc ngửa nghiêng. Bầy muỗi đen lại bay vào hút máu. Trên thân tôi, đã nổi nhiều cái mận đỏ tròn. Khói cay, nhưng khói không hút máu người. Muỗi không cay, nhưng muỗi hút máu người. Lạ thật (bỏ chữ "gớm").

"Tôi bỏ đi ra sau, trở bộ quần áo cũ phơi ngoài nắng (bỏ chữ sào). Khô chóng đi cho tôi mặc. Ai có biết mỗi khi tôi giặt bộ quần áo này là tôi phải ở trần!".

"Nắng vàng như ánh trăng vàng. Nắng hôm nay đẹp tuyệt (gạch bỏ chữ tuyệt) như cô gái đẹp đang tuổi dậy thì. Trên lưng trời xanh biếc, mây trắng hồn nhiên khoe cái màu trắng nõn nà kiều diễm. Tôi ngồi dưới gốc cây, ngắm mãi. Tiếc là chiếc (bỏ chữ cái) máy ảnh tôi vừa giao cho người khác…".

"Cây mận cằn cỗi đã thay lá tự hôm nào. Dưới gốc nó, một lớp lá già nua nát mòn theo ngày tháng. Con chó vàng chạy vụt qua, rồi một con gà trống".

"Tiếng sột soạt của lá khô cơ hồ tiếng chống trả rượt đá một con gà bé bỏng, lên tiếng bất bình".

"Nằm võng không được nữa, tôi chui vào mùng. Những con muỗi no máu hả hê còn đậu trên vách. Lại gặp cái thứ hút máu người. Tôi đập tất cả. Tay dính (gạch bỏ chữ dính) máu, lại phải rửa. Mất thì giờ. Trở vào mùng ngồi hàng giờ cũng không viết được. Chuyện này chuyện nọ lại dẫn mình lạc lối. Tôi nằm xuống, gác tay lên trán".

"À, còn tập báo xuân Sài Gòn lâu quá mình chưa đọc. Tôi chợt nhớ và lôi nó ra từ xó bếp. Đẹp lắm! Bề ngoài trông đẹp lắm. Hình ảnh một nữ ca sĩ in opset màu. Tôi lật qua một lượt, rồi đọc thử bài Rồng : Tình Long Nữ (Không có tên tác giả). Thật thà mà nói, tôi cầm đọc, nhưng cứ muốn buông tờ báo xuống. Nội dung cũng như hình thức, chẳng có gì ra hồn, nếu không nói là: Viết lăng nhăng để mà lãnh bạc. Để cho mình dễ so sánh, tôi nhẫn nại đọc thêm bài thơ Hai Bức Tranh Xuân của cô Kim Châu. Chao ơi! Vẫn là cái loại văn chương ba xu, bán ở lề đường".

"Văn học ở Sài Gòn chết ngộp rồi (bỏ chữ bế tắc). Sao họ vẫn đầy rẫy những tên bợm chữ, bất tài, trân tráo… trên báo xuân để làm trò cười cho thiên hạ?!".

"Tôi lại triết lý với mình:

- Đất xấu thì cây xấu. Bám rễ vào mảnh đất có chất độc hóa học, thì làm gì cây lại chẳng xác xơ!

"2/6/1964

Nguyễn Mai"

Coi như bài tùy bút lạ thường về ý tưởng lẫn bút pháp đã chấm hết, nhưng tác giả còn vẽ ở cuối trang chữ WRITE (*) rất to và đậm.- Ngược lại với bài (phải trở đầu trang mới đọc được) có mấy dòng:

"Sáng nay, tôi đi về G thật sớm. Tôi đi tìm sự yên tĩnh để viết bài. Bao nhiêu đề tài lộn xộn trong đầu, cũ có, mới có, thúc giục tôi phải viết".

(Theo Nguyễn Bá/CMO)

  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 1
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 2
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 3
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 4
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 5
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 6
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 7
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 8
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 9
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 10
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 11
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 12
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 13
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 14
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 15