Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 7

Thanh niên Khánh Lâm, U Minh - Cà Mau lên đường giết giặc (6/1970).  

Trang thứ mười bốn:

Nửa trang bản thảo dở dang này bị xé rách, mất hẳn phần trên, lại còn hủy hai chỗ phần còn lại, rách nhâm hoặc bị thùng sét ăn đứt hai lõm có chữ khác. Đây là bản thảo bài của Nguyễn Mai viết về anh hùng Phan Ngọc Hiển cùng đồng đội ra pháp trường, nhưng chỉ còn lại mấy câu:

"Mấy người ngồi chùm nhum, dụi mắt: trời kỳ thật!

- Mưa gì mưa dữ quá?

- Chắc là người ta chết oan, nên động lòng trời!!!"

***

Dưới gạch ngang qua trang, có mấy dòng chú thích:

"1) Giọng Phan Ngọc Hiển oang oang làm im bặt muôn tiếng động. Pháp trường lúc ấy do anh thống trị, ai ai cũng lắng nghe. Cả đến những tên quan lính Pháp cũng trố mắt nhìn. Anh nói hùng hồn, trong sáng. Mọi người như nín thở, tiếc từng phút trôi qua".

Có lẽ đây là bài báo nổi tiếng tường thuật buổi hành quyết các chiến sĩ Hòn Khoai ngày 12/7/1941 tại Cà Mau của Nguyễn Mai (đã có bản hoàn chỉnh in báo lúc tác giả còn sống). Nhưng trang khởi thảo này vẫn có giá trị bất hủ của nó - có những chữ mất phần trên, chỉ nhờ nhiều chữ trong câu còn lại, tôi nhận định, tái hiện lại, song vẫn chưa chắc đã đúng nguyên bản.

Ngay tôi, khi đọc những bản ghi chép của mình mấy chục năm trước, có chữ tôi không tài nào nhớ ra… Nếu như anh Nguyễn Mai còn sống, tôi tin là anh cũng phải "chịu thua" một số chữ mà khi ghi vội trong chiến tranh, trong lúc nghe kể liên tục không ghi kịp, giờ xem lại, chủ nhân của nó phải vỗ trán lắc đầu.

Trang thứ mười lăm:

Góc trên, bên trái có chùm số "18/1/64".

Vào bài, (không có tên bài) mực và giấy cùng loại với các trang ghi chép khác:

"Tôi đọc lại cái báo cáo của Ban Tuyên văn xã Tân Thành:

"Tân Thành là một làng có hình thể (bỏ 3 chữ có hình thể) giống như (bỏ chữ như) hình tam giác, nhưng không đều cạnh. Diện tích không quá 20 cây số vuông. Dân số ước độ 8.000 người. Ranh giới: Đình Ông Cọp phía Đông, vàm Cái Nhúc phía Tây, gối đầu với Tiểu khu Cà Mau (không quá 3 cây số). Xã bị xẻ ra bởi hai con đường chiến lược: Kinh xáng Phụng Hiệp và lộ Đông Dương. Lộ Đông Dương là con lộ giao thông chủ yếu của giặc, chạy dọc theo ranh làng khoảng 4 cây số. Kinh xáng Phụng Hiệp cặp theo sườn làng - ranh giới giữa Tân Thành - An Xuyên - dài độ 6 ngàn thước mới tiếp qua xã khác".

"Để phòng thủ sân bay (quảng chi khu Tắc Vân và Tiểu khu Cà Mau) nên giặc tập trung đàn áp xã Tân Thành. Để lập ấp chiến lược, chúng dựng lên đây tất cả 5 đồn lớn nhỏ (Lộ Tẻ, Cái Nhúc, Ô Rô và 2 đồn trong ấp CL (chiến lược)"

"Tân Thành gồm 10 ấp (gạch bỏ) vì vậy 6 ấp của TT (Tân Thành) nằm trong rào CL (chiến lược), còn 4 ấp khác thì gối đầu giặc. Một màn lưới khủng bố của giặc bao quanh xã Tân Thành!…"

Bài ghi chép đến đây đã hết - Nhưng trang bản thảo còn mấy chùm chữ nữa. Chùm thứ nhất hai câu:

"Anh Cẫm là hoa hậu

Vừa ích lại vừa đẹp"

Còn chùm dưới thì viết đảo ngược, phải quay trang giấy lại mới đọc được:

Chùm thứ hai - một mũi tên chỉ qua trang:

"Những ống dẫn nước, những sợi dây điện được chuyển vào khu lao động… Đường sạch sẽ. Hẻm phố rộng ra…".

Dưới một gạch ngang, viết tiếp:

"Rồi từ ấy đến nay, Cà Mau rên siết (gạch bỏ thay chữ "biến đổi"). Tiếng rên của Cà Mau bị bịt lại dưới bàn tay thô bạo của kẻ thù".

Đoạn nầy chắc là Nguyễn Mai viết về quân ta tập kết 200 ngày theo tinh thần Hiệp định Geneva. Bộ đội công binh và cán bộ chiến sĩ ta lo điện nước tận các khu phố lao động nghèo. Rồi khi tạm giao cho đối phương, thì "rên siết" dưới bàn tay kẻ thù!

(Theo Nguyễn Bá/CMO)

  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 1
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 2
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 3
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 4
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 5
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 6
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 7
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 8
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 9
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 10
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 11
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 12
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 13
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 14
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 15