Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 8

Tiểu đoàn U Minh (Cà Mau) đưa quân vào tiêu diệt Chi khu Đầm Dơi đêm 9/9/1963.      

Trang này, Nguyễn Mai vẫn sử dụng giấy viết cũ, song anh viết chữ đứng, có vẻ dễ đọc. Trên góc phải, đầu trang có ghi "nối trang 4". Nhưng đã lạc mất cả rồi (không có trang 4) chỉ còn mỗi đoạn mà tôi sẽ chép ra đây:

"Khi có của, phải nhớ lại lúc nghèo nàn. Sao ông nằm đêm hổng suy nghĩ lại lúc mình mần tá điền cho Chệt Xủi (gạch bỏ chữ Hòa Khện)? Mần mụn trần ai khoai củ, mà cái quần còn cái lai, cái áo còn cái bâu, gạo không đủ nấu. Tôi nói thiệt: Tiền căn cố đế (gạch bỏ) bao lâu nữa, tôi cũng còn nhớ từ chưn tóc kẽ răng. Con Vạn sinh ra ba bốn tháng, tinh là đắp bằng chiếc chiếu. Thằng Triệu tới 14, 15 tuổi mới biết xỏ cái áo hột dền (áo may bằng vải hột dền). Còn một lần, tôi sanh con Ức, tôi làm băng, ông nhớ, ông lại Chệt Xủi (Hòa Khện - gạch bỏ) đặng mượn 5 cắc bạc, nó nói với ông sao??? "- Chết bỏ! Mầy mượn biết chừng nào trả". Trời ơi! "năm cơm, bảy cháo" (Tiền căn cố đế - gạch bỏ) còn trong bụng tôi nè".

"Chú Tư khựng lại. Cái khó khăn tan mất đàng nào. (bỏ chữ một phần). Chú đương ngồi tréo ngoảy, vụt trở nên bó gối ngó ra cánh đồng trơ gốc rạ. Đất mình kìa. Rồi đống lúa hột mình kìa. Thiệt là cao vun ngọn như đám lúa ở chành. Hồi trước, đầu tắt, mặt tối, mà được vậy không? Thím Tư nhắc "Tiền căn cố đế" làm chú nhớ lại tên chủ điền Chệt Xủi. (Chú không biết kêu nó bằng "chệt" có động phạm gì không - Tại người ta quen kêu từ trước tới giờ). Vợ chú làm băng, chú khúm núm hỏi nó mượn 5 cắc bạc (thời Pháp thuộc, lúc vải xe lửa 1 cắc rưỡi 1 thước). Nó xua tay, đuổi chú ra. Nóng ruột vợ đau, chú vừa khóc vừa lạy nó.Nó đá một chiếc dép đương mang vô mặt chú:

- Tao biểu đi! Chết chịu! Mầy mượn, biết chừng nào mầy trả".

Chú nghĩ tới đó, rồi sợ Thím Tư biết "chỗ yếu" của mình nên chú giả đò ho. Vợ chú vạch, chú thấy rồi, mà để thủng thẳng tính lại coi. Tật chú ưa vậy lắm - Rồi chú bào chữa cho mình - Cái bào chữa có lý do của chú":

Tới đây, một mũi tên chỉ qua B vòng tròn chữ B - nhưng không có trang B.

Trang thứ mười bảy:

Chùm số ghi vội bên đầu góc trái "17/11/64"

Nội dung ghi chép cuộc sinh hoạt chính trị cơ quan:

"Học tập"

"Mục đích, yêu cầu của đợt Đông Xuân"

"Yêu cầu chung:

- Tấn công địch liên tục, nhằm chuyển biến tương quan để giành thắng lợi (giành thế chủ động về quân sự)

- (Tấn công địch toàn diện, toàn miền Nam)

- Mở rộng diện tiêu hao, nâng cao mức tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng tấn công ra vùng ngoài, giành nhân vật lực, giành địa bàn cơ động, phá vỡ những âm mưu địch lợi dụng tôn giáo đánh phá cách mạng, mở rộng khu giải phóng"

Yêu cầu cụ thể:

- Tiêu diệt hằng đại đội, hằng tiểu đoàn (diệt gọn) mở rộng diện tích tiêu hao, làm tan rã phân hóa hàng ngũ địch.

- Phá hoại giao thông, bao vây bức rút, bức hàng, mở rộng vùng căn cứ.

- Phá tan ấp chiến lược còn lại ở nông thôn, phá dự trữ địch.

- Xây dựng lực lượng cách mạng, biến vùng kềm của địch thành ấp chiến đấu, mở rộng vùng căn cứ, nhất là vùng ven biển.

Mặt đấu tranh chính trị:          

a) Vùng kềm kẹp:

- Khởi nghĩa của quần chúng cướp chính quyền. Lực lượng vũ trang chiếm lĩnh ấp chiến lược ở những địa bàn đông người, nhiều của.

b) Vùng nông thôn giải phóng:

- Phát triển lực lượng cách mạng, bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ cơ quan, kho tàng, công xưởng. Mặt khác, chi viện tích cực cho vùng ngoài.

c) Vùng thị xã, thị trấn:

- Phát động quần chúng nổi dậy theo yêu cầu đợt, sẵn sàng khi có thời cơ đột biến, phá thế kềm kẹp, biểu tình tuần hành v.v…

Thu đảm phụ - Lấy tân binh, xây dựng du kích, địa phương quân và chủ lực - chú ý là chủ lực.

Đó là những yêu cầu: tiêu diệt sinh lực địch và xây dựng lực lượng ta…".

Tôi kiên nhẫn chép nội dung bản ghi chép buổi sinh hoạt này của Nguyễn Mai, làm sống lại không khí trang trọng đầy trí tuệ của ta lúc kháng chiến chống Mỹ. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ ta đều trải qua những buổi học tập tình hình nhiệm vụ thiêng liêng này - tạo cho ta sức mạnh vô địch để chiến thắng.

Về phía địch:

Ngày 1/11/1963 - Diệm bị đảo chính và bị hạ sát bi thảm. Năm cuộc đảo chính và 9 vụ âm mưu đảo chính, bốn lượt thay bọn cầm đầu. Ngày 31/1/1964, Minh đổ, Khánh lên thay. Tay-lo trong quyển sách "Thanh kiếm và lưỡi cày" gọi bọn tay sai của chúng là lũ hung thần. Ngày 22/11/1963, Kennedy bị ám sát, Johnson lên thay, tạo thuận lợi cho ta tấn công địch - Ta thắng Bình Giã (12/64), Đồng Xoài (6/65), Khách sạn Bring, Caravell, Tòa Đại sứ Mỹ, kho xăng Nhà Bè. Địch chuyển sang chiến tranh cục bộ. Đó là tình hình mà Nguyễn Mai học tập…/.         

(Theo Nguyễn Bá/CMO)

  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 1
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 2
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 3
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 4
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 5
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 6
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 7
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 8
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 9
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 10
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 11
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 12
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 13
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 14
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 15