Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 4

 
Ngày 27/3/1971 du kích bắn rơi phản lực Mỹ tại xóm Lung Tràm (Trần Văn Thời).  Ảnh: VÕ AN KHÁNH

 

Trang thứ chín:

"Vui ngày độc lập"

"Sáng 31/12/1965 (mùng 9 tháng chạp)

Trong đời tôi, với cái tuổi này, có rất nhiều cái vui, nhưng không có cái vui mừng nào bằng ngày mình giành độc lập tháng 8 vào năm 1945. Lúc ấy tôi được 21 tuổi, làm nghề sơn xe đạp tại chợ Cà Mau. Tôi còn nhớ hôm buổi chiều đi có anh Thâu - quen với tôi từ lâu - anh là thợ chụp hình dạo, lại dặn tôi: "Tối nay mầy ở nhà, tao lại đi… nghen!". Tôi không biết ảnh rủ đi đâu, nhưng thấy ảnh nói rồi đi gấp, nên tôi không hỏi.

Tối lại, tôi lóng nhóng chờ. Tôi định chắc là ảnh tính dạy mình học chụp hình, như lời ảnh hứa. Tám giờ đêm chưa thấy anh Thâu lại, một lát tôi nằm ngủ quên trên ghế bố. Thình lình tôi nghe tiếng còi rú, tiếng trống lập binh, tiếng mõ nổi lên náo động, chen lẫn với tiếng súng nổ ầm ầm. Cùng lúc đó thì rần rần, rần rần, người ta kéo đi đặc đường đặc phố. Họ la: "Việt Nam hoàn toàn độc lập!", "Đả đảo thực dân Pháp!", "Đả đảo phát xít Nhựt!", "Nước Việt Nam của người Việt Nam!".

Vì có nghe anh Thâu nói trước. Nay thấy vậy, tôi biết ngay là mình giành độc lập, nên nhập đại vào đoàn người kéo biểu tình…".

Trang này tác giả viết chưa trọn bài và lại gạch ngang gạch dọc xóa bỏ. Không biết có bản nào viết lại và đã sử dụng chưa? Nhưng tôi đọc qua, thấy anh viết hay. Một quang cảnh chào mừng ngày độc lập ở chợ Cà Mau lần đầu tiên có một trang bút ký mô tả. Tôi quyết định không bỏ - dù Nguyễn Mai đã bỏ!

Trang thứ mười:

"Đừng để "họ" làm cha mình".

Ở mặt sau của trang chín, nhưng trang mười chẳng những không tiếp nối mà còn khác hẳn phạm vi đề tài. Nguyễn Mai ghi chép từ phía đối phương và cũng chỉ có một đoạn, không trọn vẹn bài:

"Một lần khác, Vĩnh đang liên lạc vô tuyến điện với căn cứ không quân Mỹ ở Biên Hòa: về việc 2 phi công Mỹ mất tích ngoài khơi, thì có điện thượng khẩn của Bộ Tư lịnh Hải quân miền Nam. Vĩnh liền giao ngay việc này lại cho một vô tuyến điện viên tiếp tục trả lời, đặng anh ta nhận tin của Bộ Tư lịnh Hải quân.

Thế mà đến giờ làm việc chiều, Đại úy Lân đến khiển trách Vĩnh:

- Thiếu tá Hốc (Mỹ) cho rằng: anh muốn lãng công. Tại sao anh không tận tình lo vụ phi công Mỹ mất tích, mà giao cho một nhân viên quèn?

- Tôi mắc nhận điện quan trọng của Bộ Tư lịnh Hải quân. Đại úy không trả lời với họ như vậy giùm tôi! Dù sao thì 2 phi công Mỹ cũng mất tích lâu rồi.

Đại úy Lân bĩu môi:

- Con khỉ! Hắn rầy đến cả tôi, đừng nói trả lời cho thêm mệt. Từ nay anh nên lưu ý đến người Mỹ, đừng để họ…

Vĩnh cắt ngang:

- Bao nhiêu lính Việt chết ngoắt ngoẻo sao họ không lo? Đừng để họ làm cha mình! Tôi không phục họ đâu! Đại úy báo cáo đi…

- Ơ kìa, "Ba gai" khổ lắm. Mỹ! Mỹ! Cái gì bây giờ đều Mỹ cả! Tôi không nói nữa, để anh suy nghĩ. Anh nhìn tất cả đồ vật của ta trang bị xem nào? Của họ, họ không chỉ huy mình sao được?".

Địa danh và tên người ở trang di bút này có thật không? Hay chỉ là một dự kiến truyện ngắn của Nguyễn Mai. Dù ở dạng nào câu chuyện rất lô-gích nên thu hút người đọc, dù tác giả chưa hoàn thành và ta chỉ chép được một đoạn ngắn. Song, bấy nhiêu với người đang sống sau chiến tranh cũng đủ để nhớ lại đối phương của mình và hiểu họ…/

(Theo NGUYỄN BÁ/CMO)

  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 1
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 2
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 3
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 4
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 5
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 6
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 7
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 8
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 9
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 10
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 11
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 12
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 13
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 14
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 15