Công viên bờ biển ở Kep. Ảnh: Cúc Tần |
Qua cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang), đi thêm 50 cây số là tới thành phố Kep (tỉnh Kampot, Campuchia). Gọi là thành phố nhưng thật ra ở bãi biển này chỉ có những dãy hàng quán liền san sát bên bãi biển cùng một số resort, khách sạn, nhà nghỉ nằm ven chân núi.
Toàn bộ thành phố xưa nằm trên hai con đường phía đông và phía tây dẫn vào bãi biển nay chỉ còn trơ lại những chân tường và bờ rào của những biệt thự xưa, bao quanh là những mảnh vườn hoang tàn. Chỉ là những dấu tích buồn nhưng vẫn đủ để gợi lên cảnh quan tráng lệ của phố thị xa xưa, trước khi bị tàn phá nặng nề dưới thời Polpot.
Vùng đất này được người Pháp phát hiện từ năm 1908. Theo tư liệu, tên Kep là biến âm của từ “Le Cap” (nghĩa là mũi đất nhô ra biển) của Pháp. Nhưng cũng có người cho rằng, thời xa xưa, hoàng tử Ksor của nước Campuchia tới đây bị sức quyến rũ của nó nên xây dựng thành một khu nghỉ dưỡng. Từ đó người ta khai sinh cho nó với tên gọi Ksor trước khi có tên Kep như bây giờ.
Vừa đến nơi, mùi hải sản nướng ùa ngập vào mũi du khách. Người là người chen nhau mua và thưởng thức các món tươi ngon. Không tươi ngon sao được khi dưới bãi biển có nhiều người Campuchia ngâm chân trong nước tay giữ chiếc rọ đựng hải sản còn sống chờ phục vụ du khách. Ngoài các loại cá biển còn có cua, tôm, mực ống, ghẹ… nướng hoặc pha chế thành nhiều món ăn đặc sắc.
Một đoạn bờ biển Kep nơi đặt pho tượng nàng Srey Sor ngóng đợi chồng về. Ảnh: Cúc Tần |
Bãi này chỉ có hàng quán và một công viên khá đẹp với những hàng dừa lả ngọn in bóng trên nền cỏ chỉ xanh tươi và những viên gạch bông sáng bóng. Công viên có tượng một con nghê (còn gọi sư tử đá) - một linh vật thường thấy ở Campuchia - và có lẽ là tượng một thần săn bắn, vì vị này tay cầm cung tên.
Về phía đông, con đường chạy men một bên chân núi, một bên là biển, rợp bóng cây xanh. Ngày xưa, sau khi phát hiện nơi này, người Pháp đã xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng trên sườn núi này. Sau đó, quốc vương Sihanouk của Campuchia cũng đã cho xây một ngôi biệt thự trên này để những khi cần đến đây an dưỡng.
Một khu nghỉ dưỡng ven biển. Ảnh: Cúc Tần |
Hiện nay ngoài một số resort mới xây, đáng chú ý là các bungalow, một nơi nghỉ ngơi đẹp nhất, được trang trí theo phong cách nhà vườn với bể bơi và nhà hàng phục vụ ẩm thực theo phong cách Pháp và Khmer. Khách vừa thưởng thức món ngon vừa nhìn ngắm phong cảnh nên thơ quanh mình. Chiều xuống, thích thú chiêm ngưỡng cảnh mặt trời đỏ lựng từ từ chìm khuất trong lòng biển…
Con đường này chạy giữa núi và biển dài khoảng năm, sáu cây số, có lẽ là con đường đẹp nhất Campuchia. Núi xanh đã đẹp mà biển xanh càng gợi cảm với sóng nước xanh dờn nhè nhẹ vỗ bờ. Theo con đường ven bãi, ngoài bóng cây xanh và sự sạch sẽ rất đáng phục, đập vào mắt du khách là pho tượng một thiếu nữ to cao dựng tại một mũi đất nhô ra biển.
Theo truyền thuyết, nàng Srey Sor có chồng đi đánh cá. Mấy ngày sau, không thấy chồng trở về, nàng ra bờ biển ngóng đợi rồi chết trong tư thế ngồi. Người ta đã đắp tượng người vợ thủy chung này để tưởng nhớ, tôn vinh. Qua khỏi tượng một đỗi, sát bên đường, trong phần công viên, có tượng con ghẹ khổng lồ.
Tượng con ghẹ khổng lồ. Ảnh: Cúc Tần |
Giống như nhiều nơi khác trên đất Campuchia cũng dựng tượng trái cây cùng một vài loài vật khác thân thiết đối với người dân địa phương, tượng con ghẹ là một hình ảnh thú vị trong mắt khách nước ngoài. Cũng dễ hiểu, Kep là một thành phố du lịch ngoài nổi tiếng về vẻ đẹp hiếm có còn nổi tiếng về hải sản, nhưng nổi tiếng nhất là ghẹ. Ghẹ ở đây không lớn nhưng chắc và ngọt thịt, là món ăn hấp dẫn nhiều người. Ghẹ được ăn với những trái ớt tiêu tươi ngon của Kampot.
Đứng ở tượng ghẹ nhìn thấy hòn Con Thỏ (Koh Tunsay) cách bờ khoảng hai cây số. Cũng như hòn Phụ Tử ở Việt Nam, hòn Con Thỏ là điểm đến thú vị của khách phương xa. Tới đây, ngoài việc thả mình thư giãn trong bóng mát của rừng dừa, du khách vui đùa với biển xanh cát trắng.
Cuối bãi về phía đông là một dãy hàng quán san sát nhau với những chiếc xe du lịch mang bảng số Phnom Penh, Kampot. Cuối dãy hàng quán này là con đường đôi mới mở rộng thênh thang, xuyên qua những dãy tường biệt thự xưa và một số vừa được phục dựng.
Bãi đậu xe và hàng quán phục vụ khách du lịch. Ảnh: Cúc Tần |
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com