Nằm bên bờ của con kênh Manchester ở khu Trafford, bảo tàng của kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Daniel Libeskind được đánh giá cao và giành nhiều giải thưởng danh giá. Công trình bắt đầu mở cửa đón du khách tham quan vào ngày 5.7.2002 và nhanh chóng trở thành một trong những điểm đến nổi tiếng, hấp dẫn du khách ở vùng Tây Bắc nước Anh. Đây là bảo tàng thứ năm trong chuỗi bảo tàng về chiến tranh đế quốc nhưng là bảo tàng đầu tiên nằm ngoài khu vực Đông Nam của Anh.
Lối vào chính của bảo tàng |
Kiến trúc sư người Mỹ Daniel Libeskind sinh năm 1946 tại Kodz, Ba Lan. Gia đình ông đã phải trải qua nhiều khó khăn trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai, hàng chục người họ hàng của ông đã chết trong cuộc thảm sát Holocaust. Vào năm 2001, Libeskind đã được cả thế giới biết đến với công trình Bảo tàng Do Thái ở Berlin. Và một lần nữa, trong bảo tàng chiến tranh đế quốc ở Manchester này, ông lại tìm tòi để tạo ra một công trình làm lay động tâm hồn của những du khách tới tham quan về một hiện thực lịch sử đau thương không ai mong đợi.
Kiến trúc bên ngoài bảo tàng gây ấn tượng sâu sắc bởi tính hình tượng đặc biệt của nó, dựa trên ý tưởng về một quả địa cầu bị phá tan bởi xung đột và chiến tranh. Libeskind đã dùng ba mảnh vỡ, đại diện cho trái đất, không khí và nước (ba mặt trận cơ bản trong chiến tranh), ghép lại để tạo nên bố cục công trình.
Du khách tham quan bước vào bảo tàng thông qua mảnh vỡ tượng trưng cho không khí, cao 55m và mở rộng tới các phần khác. Nó chứa đựng một không gian trên độ cao 29m có hình giống như một kho chứa máy bay, từ đây các du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ thành phố trải dài từ con kênh Manchester tới khu trung tâm. Mảnh tượng trưng cho trái đất được uốn cong, bao gồm không gian đón tiếp, không gian triển lãm lớn và các phòng triển lãm đặc biệt, những khu vực công cộng chính, khu học tập và vui chơi cho trẻ em. Những không gian trưng bày này được thiết kế ấn tượng, là những không gian rất cao, cột kết cấu nghiêng cùng với những khe ánh sáng như những nhát cắt chạy dài trên trần nhà theo một bố cục tự do. Sàn các phòng đều được làm cong để du khách có thể cảm nhận được độ cong của trái đất. Các khoảng không này được sắp xếp theo trình tự thời gian, vòng theo chu vi 200m của triển lãm và theo sáu chủ đề: 1900 – 1914 một thế kỷ mới, 1914 – 1918 chiến tranh thế giới thứ nhất, 1919 – 1939 giữa hai cuộc chiến, 1939 – 1945 chiến tranh thế giới thứ 2, 1946 – 1990 chiến tranh lạnh và từ 1990 đến nay tiến đến một kỷ nguyên mới.
Rất nhiều những hiện vật nghệ thuật lớn được trưng bày ở đây như chiếc xe tăng T-34 của Nga, phản lực AV-8B của Hoa Kỳ và một khẩu súng trường nặng 18 pound được quân đội Anh bắn phát đầu tiên trong thế chiến thứ nhất... Bảo tàng cũng sử dụng rất nhiều kỹ thuật thiết kế triển lãm mới đầy sáng tạo và sử dụng những công nghệ tương tác mới nhất để tăng cường cảm nhận của du khách. Các thiết bị đa truyền thông này khiến cho bảo tàng thoát khỏi hình ảnh khô khan của các không gian triển lãm thông thường, để tạo ra một trung tâm thực sự của thế kỷ 21 với mục đích mang đến những hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh tới du khách mọi lứa tuổi. Tuy nhiên vẫn có một vài khu vực sử dụng kính thông thường để trưng bày những hiện vật và sự kiện đáng nhớ để thích hợp với những khách tham quan thích cách thức truyền thống. Libeskind không chỉ thiết kế tổng thể công trình mà ông còn đưa ra lời khuyên về cách bố trí các không gian triển lãm và trưng bày bên trong. Khối thứ ba là mảnh vỡ tượng trưng cho nước, nghiêng đi giống như con thuyền ngoài biển khơi là một nhà hàng trông ra con kênh Manchester.
Mảnh vỡ đại diện cho nước – nhà hàng |
Phong cách điển hình trong các tác phẩm của Libeskind, đã được biết đến là trường phái “phi kết cấu”, nó chuyển hướng mạnh mẽ từ phong cách kiến trúc được xây dựng với các góc vuông và thẳng đứng thông thường trong các hình dáng linh hoạt tự do và hình học bất cân xứng. Kiến trúc sư định sử dụng bêtông để xây dựng công trình theo kế hoạch ban đầu, nhưng do hạn chế về tài chính, khi không có được khoản ngân sách như mục tiêu đặt ra để xây dựng công trình, ông đã xem xét và tính toán các nguyên vật liệu một cách kỹ lưỡng, giảm bớt đi phòng thính giả và chuyển sang dùng hệ kết cấu thép và lớp che phủ mặt ngoài bằng nhôm, giữ cho kết cấu ấn tượng hoàn toàn không thay đổi. Tuy nhiên, cảnh quan và cây xanh bên ngoài công trình vì thế đã không còn được thiết lập.
Bảo tàng có tên trong danh sách những công trình được tôn vinh trong thế kỷ 21 được xây dựng ở thành phố Manchester và được dự đoán sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà thiết kế và khách du lịch trên thế giới. Hơn thế nữa, nó đóng góp rất lớn vào sự tái sinh của Manchester, xốc dậy sự buồn tẻ và ảm đạm trong hơn một thế kỷ vốn gắn liền với khu vực này trở thành một điểm kiến trúc tầm cỡ thế giới.
Giành giải nhất cuộc thi quốc tế: năm 1997
Khởi công xây dựng: năm 2000
Khánh thành: năm 2002
Chi phí xây dựng công trình: 28 triệu bảng Anh
Thể loại công trình: bảo tàng chiến tranh đế quốc
Địa điểm: Trafford, Manchester, Vương quốc Anh
Kiến trúc sư: Daniel Libeskind
Bài và ảnh: Ths.KTS Vũ Hoàng Hà // SGTT Online
(M A BFH/HES-SO)
Mảnh vỡ đại diện cho trái đất – các không gian triển lãm và một góc bảo tàng nhìn từ khu vực để xe | |
Cửa vào bảo tàng | Lối dẫn lên đài quan sát trên “mảnh vỡ không khí” |
Thang máy dẫn lên đài quan sát | Từ đài quan sát này, du khách có thể ngắm nhìn thành phố Manchester. |
Ảnh dưới Không gian triển lãm | Các không gian triển lãm. Ảnh dưới Toàn cảnh công trình |
Các không gian triển lãm. Ảnh dưới Toàn cảnh công trình | |
Toàn cảnh công trình |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com