Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cố đô Luông Pra-bang, "hòn ngọc Ðông Dương"

"Hòn ngọc Ðông Dương" là những cái tên được nhà báo M.Bấc-kli dùng để đặt cho cố đô Luông Pra-bang của Lào trong bài viết về thành phố này, đăng trên một tạp chí hàng không của Malaysia. Thành phố đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Năm 2008 Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là "Thành phố được bảo tồn tốt nhất Ðông-Nam Á".

Luông Pra-bang - thành phố nhỏ, xinh xắn và yên tĩnh ở ngã ba sông Mê Công và sông Nậm Khan được bao bọc bởi những núi đồi xanh ngắt... Luông Pra-bang từng là kinh đô xưa của các triều đại phong kiến Lạn Xạng (Triệu Voi) có lịch sử hơn 700 năm với kiến trúc độc đáo được hòa quyện trong cuộc sống êm đềm của người Luông Pra-bang ngày nay mang bản sắc sâu đậm của phong cách Lào và lòng mến khách của bạn qua vẻ đẹp, nụ cười Luông Pra-bang.

Ấn tượng đầu tiên trong chúng tôi là đường phố Luông Pra-bang sạch, đẹp. Dọc theo con đường chính của thành phố là hai hàng cây điệp hoa vàng rực rỡ trong nắng. Trước mỗi căn nhà trong ngõ phố đều trồng một vài loài hoa, trước cổng, gia chủ còn bày sẵn những chiếc ghế băng làm từ khúc cây, hoặc bộ bàn ghế đá để du khách có thể ngồi nghỉ chân bất kỳ lúc nào. Hình ảnh mỗi buổi sáng sớm, những tốp người dân, số đông là phụ nữ và cả những người nước ngoài sùng đạo trải chiếu ngồi chờ đợi ở bên hè đường dọc các khu phố. Khi đoàn nhà sư trong chiếc áo cà sa mầu vàng cam, tay bưng chiếc âu (bạt) khất thực có nắp mạ vàng, đi chân trần ngang qua, từng chiếc âu được mở ra. Những người cúng đường nhanh tay bỏ vào đó những nắm cơm nếp đang bốc khói, những hoa quả tươi, những thức ăn vừa mới nấu xong... Với người dân Lào, bố thí cho các nhà sư dường như là nghĩa vụ linh thiêng và là niềm tự hào của họ.

Ðồng chí Xổm-lít Búp-phả-pan-nha, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Luông Pra-bang cho biết: Cả thành phố hiện có 40 ngôi chùa cổ kính. Phần cổ xưa nhất ở cố đô Luông Pra-bang là đền chùa Xiêng Thoong được xây dựng vào thế kỷ 14, với cảnh quan chung quanh đền là sự kết hợp hài hòa thật yên tĩnh của vườn hoa giấy, những cây hoa đại, hoa dâm bụt nằm khuất bóng dưới tán cọ và những cây đa cổ thụ. Ngôi đền có những cấu trúc thanh nhã với những mái ngói thấp gần sát đất, xếp chồng lên nhau, phía sau là hình những cây bồ đề được khắc chạm bằng những mảnh kính mầu trên nền tường đỏ và trong đền là những cột gỗ mạ vàng vươn đỡ bức trần được khắc chạm vô số hình tượng có trong đạo Phật. Giữa thành phố là đồi Phu Xỉ cao hơn 150 m, cây cỏ xanh tươi, trên đỉnh đồi là chùa tháp Chom Phu Xỉ cổ kính xây dựng năm 1804. Leo 328 bậc thì lên tới chùa. Chùa có một tượng Phật nhỏ bằng đồng nặng chừng 15 kg nổi tiếng linh thiêng "Ai muốn cầu xin điều gì cứ thử nhấc ba lần, nếu Ðức Phật đồng ý thì sẽ nhấc được quá đầu, còn Ngài đã không cho thì khỏe mấy cũng không nhấc lên nổi". Trước lượt chúng tôi có mấy bà, mấy chị đẫy đà, dáng bà chủ kinh doanh trông khỏe thế mà không nhấc nổi, mặt buồn xo, tuy vậy vẫn đầy niềm thành kính, chỉ thử đủ ba lần rồi nhường chỗ cho người sau. Anh bạn Lào lẩm nhẩm khấn vái rồi thử nhấc, cả ba lần cũng đều không lên nổi quá đầu. Sau chúng tôi hỏi anh xin gì mà Ngài không gật, anh mỉm cười, đoạn thì thầm "mình cầu nếu làm được việc thì xin không nhấc được, quả nhiên ba lần đều như ý".

Từ đồi Phu Xỉ nhìn sang Hoàng cung rộng mênh mang ngay bên bờ sông Mê Công. Trong Hoàng cung có nhiều phòng khánh tiết được trang trí những tác phẩm nghệ thuật và các vật thờ của các triều đại cũ, trong đó có bức họa STVPA trang trí hơn 400 viên đá quý và các đồ dùng làm bằng vàng thật như kiếm, quốc huy, ngai vàng, đồ trang sức, ghế tiếp các sứ thần, nơi chầu của triều đại... Ở phòng trưng bày các kỷ vật của các nguyên thủ quốc gia, có tặng phẩm Bác Hồ gửi Nhà vua Lào cùng với bức thư mang chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng nhân dịp vua Lào cử thái tử nhiếp chính năm 1967.

Ðến Luông Pra-bang, bạn cũng không thể không đến chiêm ngưỡng thác Quang Xỉ "độc nhất vô nhị" cao ba tầng, tạo nên một vùng sáng trắng như ai đó vừa tung hàng triệu, hàng triệu miếng bạc trắng giữa cảnh núi non xanh mang lại một không khí mát mẻ, thư giãn tuyệt vời cho khách du lịch và thăm Làng văn hóa Pha-nôm - một làng nghề truyền thống cổ xưa nhất và nổi tiếng nhất nước Lào. Cả làng có 253 gia đình với 1.430 người sinh sống, phần lớn làm nghề chạm bạc, chế tác các đồ thủ công mỹ nghệ và dệt thổ cẩm, có khung cửi dệt trong nhà và sản phẩm được bày bán ở gian ngoài giáp mặt đường hoặc đưa ra Trung tâm hỗ trợ phát triển nghề truyền thống của làng bán. Thu nhập bình quân của một gia đình ở làng là hơn 100 USD một tháng. Chị Chăn-xa-mỏn, người phụ trách trung tâm nói: Làng nghề có từ ngày xưa khi đây còn là Thủ đô của Vương quốc Lào, sản xuất các hàng mỹ nghệ cung cấp cho hoàng cung, nơi sinh sống của những người thợ khéo tay chuyên nâng cấp sửa chữa các cung điện. Làng còn có những cô gái đẹp nổi tiếng thường tuyển vào làm cung nữ trong các cung điện của các đời vua. Cách mạng thành công, cung nữ không còn, những cô gái đẹp đã trở thành những hạt nhân văn nghệ của các đoàn văn công từ trung ương đến địa phương. Chế độ mới làm mọi cách giữ gìn cố đô như bảo tàng một nền văn hóa của dân tộc vừa bảo vệ phát huy làng nghề truyền thống của những người thợ khéo tay. Ngày nay, sản phẩm của làng nghề được bán rộng rãi trong nước và đưa đi chào hàng ở một số nước, thu hút ngày càng đông du khách đến với Luông Pra-bang, bình quân năm sau tăng hơn năm trước từ 20% đến 30%, riêng mười tháng đầu năm 2008 đón hơn 300 nghìn lượt người, thu gần 30 triệu USD.

Ðổi mới, Luông Pra-bang thật sự khởi sắc, nhưng vẫn giữ vẻ cổ kính, tôn nghiêm của một thành phố cổ. Cuộc sống sôi động nhưng phong cách sống vẫn êm đềm, hiền hòa và mến khách.

(Theo TRẦN DUY TÂN - Báo Nhân dân)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Nghỉ cuối tuần ở Vail
  • Khám phá Champasak
  • Cuộc sống thú vị dưới lòng cầu cảng Sydney
  • Du lịch châu Âu cùng Carnival
  • Quốc lộ 1A lọt vào top 10 lộ trình xe đạp đẹp nhất
  • Ngạc nhiên Bangalore
  • Đặt chân tới Nepal huyền bí
  • Những khu vườn xinh đẹp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com