Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Điệu ru sỏi đá

Đỉnh núi cao nhất khu vực Petra là nơi du khách thường dừng lại để trầm mặc ngắm ngôi nhà thờ đá khổng lồ hoang phế và hồi tưởng cảnh huy hoàng xưa. Ảnh: Trần Minh.

Ngày 7-7-2007, nhiều người Việt Nam mới biết đến Petra khi di tích này được bình chọn là một trong 7 kỳ quan mới của thế giới. Thật ra, những đền đài, lăng tẩm được khắc sâu vào vách đá lở lói vì thời gian của Petra, lẫn không gian khói bụi sa mạc một màu đỏ quạch, đã nằm đó hàng ngàn năm như chứng nhân để kể câu chuyện cổ tích buồn về những thăng trầm của lịch sử.

Họ lên đường theo tiếng gọi của đá đỏ

Với hành trang là những giấc mơ.

Họ lang thang qua sa mạc, nghỉ chân trong những vách đá lạnh buốt.

Đột nhiên họ câm lặng, họ thấy đá đỏ.

Rồi tiếng súng vang lên.

Máu chảy, một người đã ngã xuống…”

Điệp khúc phổ biến một thời trong thập niên 1950 hát về phong trào những thanh niên Israel đã bất chấp nguy hiểm, vượt biên giới để đến Petra. Họ tin rằng đó là vùng đất thánh mà kinh thánh nói đến. Nhiều người đã vĩnh viễn nằm xuống vì khát vọng được một lần nhìn thấy thành phố thiêng liêng này.

Máu của họ đổ xuống không làm Petra đỏ thêm, nhưng chắc đã làm lịch sử thành phố đá thêm phần huyền bí cuốn hút. Nếu một lần đến Petra, chỉ cần ngồi xuống bất kỳ một hốc đá, sự cuốn hút lạ kỳ đó sẽ đến.

Petra ngày nay nằm trong lãnh thổ Jordani, một đất nước ở Trung Đông xa xôi. Nơi gần Việt Nam nhất có đường bay thẳng đến đây là Bangkok (Thái Lan), thời gian bay mất 6 tiếng. Dường như vậy còn chưa đủ xa, muốn đến Petra, từ sân bay ở thủ đô Amman còn phải đi thêm gần 250 ki lô mét nữa trên con đường cao tốc vòng vèo qua những bãi cát sa mạc mênh mông.

Khách phương xa đứng trên cao nguyên phía Nam Jordani với trùng trùng điệp điệp những khối núi xám nhẵn nhụi, nhìn xuống thung lũng Wadi Musa sẽ thấy núi Petra màu đỏ nổi bật ngoằn ngoèo như một con rắn thiêng uốn lượn. Có thể người xưa đã chui rúc vào “con rắn” ấy với hy vọng dựa vào sức mạnh của nó để thực hiện tham vọng xây dựng một quốc gia quyền lực kiểm soát cả một vùng. Và đã có thời Petra trở thành một khu thị tứ khổng lồ không thể thiếu trên bản đồ Trung Đông…

Không dễ gì các chuyên gia xác định được cụ thể cái tham vọng Petra bắt đầu được thực hiện từ lúc nào, chỉ biết là khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Những người Nabatean đã xây thành phố Petra đón đầu những đoàn caravan của thương nhân qua lại trên con đường tơ lụa để làm giàu.

Cửa vào di tích Petra ở ngay bên rìa thị trấn Petra hiện đại. Nghe kể rằng hàng ngàn năm trước chốn này tấp nập ngựa xe. Ngày nay cũng vẫn còn ngựa xe nhưng không phải là của những thương nhân phiêu bạt giàu có, mà kỵ sĩ là những thanh niên địa phương chân đất luôn lớn tiếng chào mời khách du lịch để mong được vài đồng tiền “típ”.

Cổng chính ngày xưa dẫn vào thành phố Petra nằm cách đó 800 mét. Đó là một hẻm núi nhỏ kéo dài 1 cây số với cái tên chân phương “El-Siq”, theo tiếng địa phương nghĩa là con đường. Chỉ là một hẻm núi, chỉ mang cái tên đơn giản nhưng đó chính là kiệt tác số một trong quần thể Petra có quá nhiều kiệt tác.

Kiệt tác El-Siq không chỉ ở sự hùng vĩ của một con hẻm nhỏ có nơi bề ngang chỉ còn 2 mét chen giữa những sườn núi đá cao đến 200 mét. Kiệt tác không chỉ ở những hình thù ngoằn nghèo trắng, xanh, vàng mà mưa gió bào mòn đã vẽ lên nền núi đá đỏ. Dường như tạo hóa đã cố tình tạo nên những bức tranh trừu tượng với vẻ đẹp đến mê hồn. Nhưng kiệt tác El-Siq còn là ở cái cảm giác chênh vênh giữa thế giới hư và thực, giữa quá khứ và hiện tại cứ đan xen nhau.

Hẻm núi vẫn còn y nền đá đã hư mòn bởi dấu chân của tiền nhân. Chen lẫn với tiếng bấm máy ảnh của hiện tại, là tiếng vó ngựa lọc cọc như của những đoàn caravan mệt mỏi đến Petra sau đoạn đường thiên lý bụi mờ. Ngay bên đường, vẫn còn đó phế tích của một quần thể tượng dài gần trăm mét miêu tả một đoàn caravan, dù đã bị thời gian bào gọt thành những hình hài nham nhở. Quan sát kỹ mới nhận ra những bàn chân người, những cái lưng lạc đà chất đầy hàng hóa.

Người Nabatean xưa đã phát hiện và độc chiếm một mạch nước quý giữa vùng sa mạc khô cằn. Họ đã đào những máng dẫn nước chạy dọc theo El-Siq để sử dụng cho cả Petra. Đó là lý do Petra trở thành một điểm dừng không thể thiếu trên con đường tơ lụa. Đó là nguyên nhân làm chủ nhân của Petra trở nên giàu có và quyền lực. Nhưng quyền lực thế nào, giàu có thế nào thì bây giờ tất cả cũng chỉ còn là phế tích.

Saleh S.Ma’yoof, người hướng dẫn viên du lịch, cao hứng cất tiếng hát trên El-Siq: “Hỡi những kỵ sỹ dũng cảm, hãy dừng lại đây sau chặng đường xa, hãy đắm mình vào thành phố đỏ để rồi ngày mai lại tiếp tục những thử thách gian nan trước mặt…”. Tiếng hát tuy rất hùng hồn nhưng cất lên cứ như lời than vãn cho thời oanh liệt của một thành phố, của một quốc gia đã lụi tàn.

Petra là sự thách thức thiên nhiên tột độ. Tất cả nhà cửa, đền đài, nhà thờ, nhà hát… đều được đục sâu vào vách núi. Con người đã sử dụng công cụ thiên nhiên để thực hiện ước vọng sống khôn cùng của mình. Đứng đây mà nghĩ về thời kỳ huy hoàng của Petra, chắc không ai hình dung nổi sự kỳ vĩ và càng không tin có thế lực nào có thể làm đổ sụp thành phố. Nhưng bây giờ thì khu thị tứ này cũng đã sụp đổ rồi.

Trí tưởng tượng dù phong phú cũng có giới hạn. Đó là cảm giác của một người khi đứng trước “ngôi sao” trong quần thể Petra: đền Al-Khazneh (tiếng địa phương có nghĩa là kho báu). Nhìn kích thước khổng lồ của ngôi đền với những đường nét kiến trúc mềm mại cũng không hiểu nổi bao nhiêu công sức và tài hoa của những người thợ xưa đã bỏ ra để đục đẽo núi đá.

Ai đến “kho báu” cũng phải dừng lại trầm trồ và chụp ảnh. Hầu hết đều than thở “làm sao để ghi nhận lại được vẻ đẹp không thể tả của Al-Khazneh”. Và ai cũng hỏi, có phải ngôi đền mang tên “kho báu” vì quá đẹp không?

Nhưng không phải vậy, cái tên ra đời vài trăm năm trước, kể từ lúc những tên thổ phỉ dùng súng bắn không tiếc thương vào kỳ quan kiến trúc này với hy vọng sẽ tìm ra nơi giấu kho báu của người Nabatean giàu có. Có lẽ những cái đầu trần tục ấy không tin rằng con người bỏ bao nhiêu công sức chỉ để tạo ra cái đẹp chứ không phải để giấu vàng bạc châu báu. Al-Khazneh là sự trớ trêu, là đỉnh cao của cái đẹp, cũng là minh chứng của sự ngu xuẩn và tàn bạo.

Hết cảm xúc này đến cảm xúc khác cứ đến, theo từng bước chân suốt 4 ki lô mét kể từ đầu El-Siq. Đến đây thành phố bị chắn lại bởi sườn núi cao. Với nhiều người, chuyến phiêu lưu ngược thời gian đã chấm dứt, đôi chân cũng đã mỏi. Nhưng hãy chịu khó dấn thêm chút nữa để leo nốt 2 ki lô mét đường dốc liên tục dẫn lên đỉnh núi.

Không chỉ vì trên đỉnh còn có thêm một kiệt tác là ngôi nhà thờ đá Al-Deyr có kích thước mà Al-Khaznez phải cúi đầu. Ngôi nhà thờ đã trải qua nhiều thăng trầm từ khi được xây dựng khoảng thế kỷ thứ 2 trước công nguyên như là một ngôi đền tưởng niệm vị vua trị vì vừa băng hà. Sau đó là nơi hội họp của các tổ chức tôn giáo, rồi trở thành nơi tổ chức lễ lạc, rồi bị biến thành nhà thờ thiên chúa giáo và bây giờ là hoang phế.

Vì Al-Deyr còn là “cao trào” của số phận buồn Petra. Những lữ khách đến đây mình đầy bụi bặm còn vì muốn chứng kiến sự độc đáo khác. Họ cùng nhau ngồi im lặng ngắm nhìn ngôi nhà thờ hoang phế. Chỉ im lặng. Những tia nắng mặt trời cuối ngày chiếu lên Al-Deyr cứ yếu dần, màu đá đỏ cứ sẫm dần như ánh đèn sân khấu leo lét vụt tắt báo hiệu giờ hạ màn cho một vở kịch bi hài của thời gian.

Tôi còn nhớ một phụ nữ gốc Palestine bán đồ lưu niệm lanh lợi, giới thiệu với chúng tôi nhân vật Hanzala trong loạt tranh châm biếm nổi tiếng như muốn thổ lộ chính nỗi niềm của mình. Hanzala, cậu bé Palestine luôn quay lưng về phía người xem, và thề rằng chỉ quay lại khi đất nước mình dành được độc lập. Hanzala không thèm nhìn mảnh đất với những kiệt tác được xếp hạng kỳ quan.

Buổi tối cuối cùng ở Petra, tôi có bữa ăn tối “hoang dã” tại một hang đá mà ngàn năm trước chắc đã từng là nhà của một gia đình Nabatean nào đó. Phía trên trời đầy sao lung linh nhưng tôi nhớ nhất là hình ảnh cậu bé chăn cừu Kashrim chân đất có đôi mắt tròn xoe cứ thập thò nhìn trộm qua ánh lửa. Tổ tiên của cậu hàng ngàn năm trước đã xây nên Petra vĩ đại, còn bây giờ cậu vẫn ở trong căn lều của một gia đình du mục.

Những ai đã đến Petra khi ra đi chắc phải tự nhủ “cái gì rồi cũng về với sỏi đá”.

(Theo Trần Minh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Thái Hồ - Điểm đến lý tưởng ở Trung Quốc
  • Isla de sa Ferradura - Viên ngọc trai Địa Trung Hải
  • Parkroyal - “Viên ngọc” mới của Kuala Lumpur
  • Cánh đồng Chum - vẹn nguyên một huyền thoại
  • Khám phá Vilnius - “Thủ đô văn hóa của châu Âu 2009”
  • Những ngày trên thảo nguyên
  • “Venice của Bắc Âu”
  • Top 10 điểm du lịch an toàn nhất thế giới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com