Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hừng hực chảo lửa Nam Phi

Dù nằm ở cực Nam châu Phi với lộ trình cách đất nước hình chữ S hơn nửa ngày bay nhưng đến nay lục địa đen Nam Phi đã ghi đậm dấu chân rất nhiều đoàn khách Việt Nam.

Có lẽ cái may mắn của đoàn nhà báo chúng tôi - những “khách mời danh dự” của Công ty TST Tourist - là có mặt tại quốc gia cầu vồng vào thời điểm trước giờ G để mục kích, sẻ chia những khoảnh khắc chuẩn bị rộn ràng của nước chủ nhà trước khi quảbóng chính thức lăn trên sân cỏ trong đại tiệc bóng đá lớn nhất hành tinh - World Cup 2010.

Sau bao nhiêu thử thách, gian nan, theo đuổi với lòng quyết tâm và sự kiên trì tuyệt đối, cuối cùng Nam Phi cũng trở thànhquốc gia đăng cai tổ chức World Cup 2010.Không chỉ Nam Phi mà cả châu Phihồi hộp chờ đón sự kiện trọng đại lần đầu tiên tổ chức tại lục địa đen trong niềm vinh hạnh lớn lao. Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh về đất nuớc và con người Nam Phi đến bạn bè thế giới; nâng cao hình ảnh của đất nước cầu vồng trên truờng quốc tế và kỳ vọng thu được những lợi nhuận khổng lồ.

Say cùng vũ điệu châu Phi

Tráivới suy nghĩchủ quan của tôi về một đất nước thuộc châu Phinóng bỏng, khô cằn nhất thế giới;Nam Phi đón chúng tôi đầy bất ngờ bởi cái rét se sắt đến tê người. Nhưng với người dân bản xứ, mùa đôngNam Phi năm nay chắc khônglạnh lẽo buốt giá mà đang ấm dần lên khi ngày khai mạc World Cupgần kề. Có lẽ sự độc đáo củaWorld Cup lần này ở chỗcác trận đấu sẽ diễn ra vào mùa đông thay vì mùa hè như cáckỳ World Cup trước.

Ngay khi bước chân xuống sân bay quốc tế ở Johannesburg - nơi sẽ vinh dự diễn ra lễ khai mạc và trận mở màn của World Cup - chúng tôi đã choáng ngợp trước hình ảnh những quả bóng to tròn hoành tráng cùng logo World Cup 2010 giăng khắp phi trường đón chào du khách phương xa như một niềm tự hào mãnh liệt của nước chủ nhà. Không chỉ ở sân bay, “cơn sốt” bóng đá đã thật sự hiện hữu ở mọi nơi trên đất nước cầu vồng trong không khí tưng bừng, sôi động, hừng hực của công tác hậu cần.

Nhằm cổ vũ cho sự kiện thể thao được các tín đồ túc cầu giáo cuồng nhiệt khắp thế giới mong chờ; những logo, quả bóng, quốc kỳ, băng rôn... của 32 quốc gia từ năm châu lục có đội bóng tham dự World Cup 2010 đã xuất hiện đồng loạt đầy hiên ngang, trang trọng ở cáckhutrung tâm của 9 thành phố đăng cai tổ chức World Cup, các siêu thị,đường phố chính, khu vực đông dân cư. Tại thủ đô hành chính Pretoria, trên tháp truyền hình quốc gia cao sừng sững hàng trăm mét đã xuất hiện trái bóng tròn khổng lồ nặng đến hàng tấn; trên đó “sưu tầm” hàng vạn chữ ký lưu niệm của các nguyên thủ quốc gia, chính khách, các “chân sút” huyền thoại... Ngay trên các trò chơi đu quay cao lừng lững hàng trăm mét ở khu giải trí Gold Reef cũng tranh thủ gắn hình những quả bóng nhằm cổ động World Cup 2010.

Không chỉ những vật “tĩnh” mà trên nhiều đường phố đi qua, chúng tôi cũng “hoa mắt” khi nhiều phương tiện giao thông công cộng, xe cá nhân... cũng “hết sức tự hào” khi treoquốc kỳ “7 sắc cầu vồng” củanước chủ nhà và các đội tuyển hải ngoại. Đầy màu sắc và ấn tượng nhất là hình ảnh những cổ động viên tình nguyện “bất đắc dĩ “ trong trang phục thể thao truyền thống của 32 đội tuyển “bày binh bố trận” khắp đường phố. Họ reo hò, nhảy múa những vũ điệu rực lửa, đậm chất Nam Phi, vẽ tranh cổ động lên tường, lên nhà dân...

Giống như nhiều quốc gia trên thế giới, tôi cảm nhận được nỗi đam mê thể thao, đặc biệt là bóng đá, của người dân Nam Phi. Dù là kẻ “ngoại đạo” với môn thể thao hoàng đế nhưng có mặt tại Nam Phi vào thời khắc này tôi vẫn chiêm nghiệm mồn một những cảm giác cháy bỏng của người dân nơi đây. Trên khắp đường phố Nam Phirất nhiều dòng chữ “Bafana Bafana” trên tường, trên băng rôn cổ vũ... đã khiến tôi nghĩ đó là tên của một cầu thủ lừng danh nào đó. Trả lời cho “Ivan ngốc nghếch”, cậu hướng dẫn viên cho biết người dân Nam Phi ưu ái gọi đội tuyển quốc gia của họ bằng cái tên thân thương trìu mến “Bafana Bafana” nghĩa là “Những chàng trai”.

Không phụ lòng người hâm mộ, nước chủ nhà của giải bóng đá danh giá nhất hành tinh đã nỗ lực bằng tất cả tâm huyết để xây dựng hệ thống sân vận động, cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường công tác truyền thông, an ninh... Họ mong muốn và hy vọngWorld Cup lần thứ 19 diễn ra suôn sẻ đúng nhưslogan của World Cup 2010: “Ke Nako. Celebrate Africa”s Humanity” (Đã đến lúc say cùng vũ điệu châu Phi). Quan trọng nhất của các giải bóng là tinh thần cổ vũ của khán giả nước chủ nhà. Tiếng tù và vuvuzela và những chiếc mũ makarapas đội đầu ngộ nghĩnh trông như chiếc sừng trâu đầy màu sắc của Nam Phi đã mang đến cho thế giới những vũ điệumạnh mẽ, sôi động trong nhịp trống dồn dập. Cảm nhận đầu tiên của tôi về người dân Nam Phi là sự hiếu khách, luôn chuẩn bị sẵn sàng trên môi một nụ cười. Bất cứ nơi đâu trên đường phố, nhìn thấy chúng tôi trên xe, họ sẵn sàng đáp trả với câu nói cửa miệng “I love you” bằng tiếng Anh thuần thục và đưa tay lên môi mi gió.

4,6 tỉ USD cho World Cup 2010

Chuẩn bị cho World Cup 2010, Nam Phi đã chi 4,6 tỉ USD để xây dựng và nâng cấp 10 sân vận động đẳng cấp quốc tế; xây thêm 25 khách sạn. Do thời gian có hạn, chúng tôichỉ có thể đặt chân đến Sân vận động Soccer City ở Johannesburg. Đây là sân vận động lớn nhất Nam Phi, xây dựng từ năm 1987, vừa được cải tạo nâng cấp để phục vụ World Cup 2010, sức chứa hơn 90.000 chỗ ngồi với 2 tầng riêng biệt, có mái che, mang dáng dấp như một chiếc nồi khổng lồ; được thiết kế dựa trên cảm hứng từ những chiếc nồi châu Phi - biểu tượng của sự no đủ và hạnh phúc. Dù hướng dẫn viên giải thích thế nào, các thành viên trong đoàn cũng chorằng nó giống trái bí đỏ hơn bởi trông cứ bèn bẹt, bè bè.

Do được phủ vật liệu phản quang nhiều màu sắc bên ngoài nên khi màn đêm dần buông, Soccer City trở nên cực kỳ hấp dẫn, rực rỡ và hoành tráng khi hàng ngàn ngọn đèn cao áp chiếu vào... Ngay truớc Soccer City, dù huớng dẫn viên địa phuơng tránh tiếng không muốn nhắc đến hình ảnh lon Coca-Cola - nhà tài trợWorld Cup - nhưng chúng tôi vẫn thấy thương hiệu “Ăn bóng đá, ngủ bóng đá, uống Coca-Cola...” sừng sững song hành cùng sân bóng.

Để đảm bảo cho một World Cup yên bình, Nam Phi đã huy động khoảng 15.000 tình nguyện viên thuộc quân đội Nam Phi kết hợp cùng 44.000 nhân viên an ninh. Nhu cầu đi lại của du khách và cổ động viên cũng được Nam Phi đáp ứng bằng 1.100 xe buýt cỡ lớn, 800xe buýt cỡ nhỏ, gần 500 toa tàu và các phương tiện giao thông công cộng khác. Riêng các quan chức FIFA và các đội tuyển bóng đá quốc gia tham dự World Cup 2010 được chở bằng 200 xe buýt cao cấp.

Sân vận động Soccer City
 
Thương mại “ăn theo” bóng đá

Tận dụng cơ hội “ngàn năm có một” này để bán hàng là chiến lược của các nhà buôn. Tại các nhà hàng ở khu giải trí Gold Reef, quà khuyến mãi cho khách sử dụng nhiều thức ăn nhanh là chiếc nón World Cup bằng nhựa cách điệu theo hìnhquả bóng. Chính “ma lực” của món quà khuyến mãi này đã lôi kéorất nhiều trẻ em “xơi” fastfood bất tận. Những ngày này hãng thể thao nổi tiếng Adidas cũng bày bán nhiều loại bóng tròn, bóng bầu dục đủ màu sắc, kích cỡ có in logo World Cup với giá từ 50 USD/quả.

Tại các siêu thị, những gói kẹo ngậm, kẹo thổi, chocolate... đều biến tấu mang hình quả bóng World Cup. Những shop bán đồ lưu niệm cũng vào cuộc với những trái bóng gắn đầy hạt cườm - một loại hàng mỹ nghệ phổ biến ở Nam Phi. Thậm chí để chuẩn bị cho World Cup, một hãng nữ trang Nam Phi đã thiết kế một loại nhẫn mang hình mái vòm biểu tượng của World Cup làm bằng vàng, trên đó đính kim cương. Đây là loại nhẫn phù hợp cho cả nam lẫn nữ, thiết kế theo đơn đặt hàng; trên vòm nhẫn có khắc tên những đội bóng, cầu thủ mà khách hàng yêu thích. Những ngày này, người dân Nam Phi đang xoay vần trong những vũ điệu cuồng nhiệt. Họ tập đến nhuần nhuyễn bài hát cổ vũ chính thức cho World Cup nói chung và đội nhà nói riêng. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành. theo một nguồn tin đáng tin cậy ở Nam Phi cho hay đến giờ này mới chỉ có 46% đơn đặt hàng của du khách được hồi âm chính thức. Chắc chắn dưới sự kiểm soát chặt chẽ của FIFA sẽ không xảy ra tình trạng nâng giá phòng, bán độ... Năm 2006, World Cup tại Đức thu hút 2 triệu du khách quốc tế; đem đến cho ngành du lịch 400 triệu USD; ngành bán lẻ 2,7 tỉ USD. Kỳ vọng của Nam Phi trong kỳ World Cup 2010 là thu hút nửa triệu fan túc cầu giáo với mức chi tiêu 3 tỉ USD xem ra không phải dễ dàng thực hiện trong hoàn cảnh nền kinh tếthế giới chưa thật sự“khỏe mạnh”. World Cup 2010 là giải đấu có giá trị tiền thưởng cao nhất trong lịch sử với 420 triệu euro; tăng 61% so với tổng giải thưởng ở World Cup 2006. Liệu Nam Phi sẽ làm nên điều kỳ diệu gì trên sân bóng trong vai trò nước chủ nhà? Tôi chẳng thể trả lời vì biết rằng khi trái bóng còn lăn ở phút 89 thì những điều không tưởng vẫn có thể xảy ra...

Chúng tôi rời Nam Phi trước 10 ngày khi quả bóng chính thức lăn trên sân cỏ. Tạm biệt một đất nước giàu có nhất lục địa đen, tạm biệt những tiếng tù và đặc trưng, những vũ điệubốc lửa đậm đà phong cách châu Phi; chúng tôi luôn thầm nghĩ: Nam Phi đâu chỉ có bóng đá mà còn vô vàn những điều bí ẩn cần khám phá...
 

Ông Lại Minh Duy- Tổng giám đốc TST TOURIST:Chúng tôi sẵn sàng cho tour Nam Phi

Với thế mạnh là các tour đường xa,cách đây hơn 10 năm, TSTTourist đã tổ chức cho nhiều đoàn khách sang Nam Phi; vì vậy đường tour này không phải là điểm nhấn mới của TST Tourist. Tuy nhiên Nam Phi vẫn được xem là điểm đến ấn tuợng nhất trong dòng sản phẩm cao cấp hè 2010 của TST Tourist.
 

Đất nước cầu vồng với vẻ đẹp hoang dã, thắng cảnh thần tiên, huyền bí và nguồn tài nguyên phong phú mà thiên nhiên ban tặng luôn quyến rũ và níu giữ bàn chân khách. Dự kiến trong dịp hè này TST Tourist tổ chức cho khoảng 200 khách lẻ sang Nam Phi. Đây cũng là một địa chỉ trốn nóng tuyệt vời cho khách VN trong những ngày hè oi bức để thưởng thức chút giá buốt mùa đông;cái ấm áp thi vị của những ngày ăn ngủ cùng bóng đá...

(Theo Xuân Hòa // Nguoilaodong Online)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Thái Lan - Đất nước chùa vàng
  • Tết ăn cá của người Thái
  • Thái lan - sexy và thánh thiện
  • Quảng Châu - Quế Lâm
  • Chiêm ngưỡng những khách sạn cao nhất thế giới
  • Trung Hoa ký sự
  • Đại dương kỳ ảo nhìn từ trên cao
  • Du lịch Thái Lan
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com