Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Làng người Việt trên biển hồ Campuchia

Nếu bạn về chơi, muốn sang tham quan bên Campuchia, bạn có thể mua vé xe đò tại bến xe An Sương (gần Ngã tư An Sương, cuối đường Trường Chinh tức đường Bà Quẹo cũ). Mỗi ngày bốn chuyến, xe lớn, có máy lạnh, hết sức sang trọng do Công ty du lịch Saigon Tourist mở. Cùng chiếc xe đó, khách đi Phnôm Pênh giá vé 10 USD/người, còn đi Xiêm Riệp 30 USD/người.

Tuy nhiên, đi Campuchia bạn nên đăng ký đi theo tour với Saigon Tourist thì tốt hơn, ví dụ tới Xiêm Riệp bạn có thể theo đoàn đi Angkor Wat, đi Biển Hồ..vv..Bạn đã nghe nói về Biển Hồ Tonle Sap bao giờ chưa? Rất rộng. Mênh mông như một cái biển. Không có gì đáng coi cả nhưng đã là du khách thì nơi nào nổi tiếng bạn cũng nên đi cho biết. Sang Trung Quốc, bạn leo lên Vạn lý trường thành rồi xuống thì có được gì đâu, ấy vậy mà người ta nói “Bất thướng Trường thành phi hảo hán” đấy quý bạn ạ. Lên đấy, người ta sẽ bán cho bạn một cái giấy chứng nhận đã leo lên tới mặt Vạn lý trường thành. Sự thật, ở bên dưới, cách đất mấy bậc bạn cũng có thể mua được cái giấy đó, đem về treo chơi trong nhà làm kỷ niệm. Nhưng bạn lại cứ muốn mua ở trên mặt Trường thành cơ! Con người chúng ta là như vậy, luôn luôn muốn chứng tỏ mình có một giá trị nào đó. Sau đây chúng tôi xin kể hầu quý bạn câu chuyện về một ngôi làng người Việt tại Biển Hồ Campuchia...

alt 

Mùa cá cơm

Nghe nói có làng Việt Nam trên Biển Hồ Tonle Sap là cả đoàn du lịch trong chuyến đi của Saigon Tourist vừa tới Xiêm Riệp đã đăng ký xin được tham quan. Chưa đến mùa nước nổi, con đường dẫn ra con sông nhánh đổ vào Tonle Sap hay còn gọi là Biển Hồ xe chạy dễ dàng. Rồi con sông nhỏ ấy hiện ra. Những canô chở khách, và thuyền mành đủ các loại san sát mời chào. Canô nổ máy, quay mũi hướng ra Biển Hồ. Cũng có thể coi làng Việt Nam trên sông Tonle Sap hay Biền Hồ bắt đầu từ đây. Đó là những nhà thuyền to nhỏ khác nhau. Có ngôi được neo lại kỹ càng gần như cố định. Có ngôi được buộc sơ sài để dễ dàng di chuyển. Có ngôi mà dưới sàn là hàng thùng phuy, nắp hàn kín, làm phao nổi và đang được một thuyền máy nhỏ kéo đi.

Trường họcViệt Nam

Làng nghèo. Ngay cả những gia đình Campuchia ở vùng này cũng nghèo. Họ sống chủ yếu bằng nghề chài lướùi và buôn bán lặt vặt. Một số gia đình khá giả có nhà thuyền to lớn, đôi khi hai tầng, tầng dưới dùng để ở và bán hàng, tầng trên cho thuê làm nơi sinh hoạt văn hoá, họp hành, nhảy múa. Anh hướng dẫn du lịch của Saigon Tourist tên là Nguyễn Hoàng giới thiệu:

Nhà thuyền nào mà trước mũi có cắm cành hoa, chậu cảnh, giò phong lan, hay bất cứ loại cây kiểng nào, đó là nhà của các gia đình Việt Nam.

Nói xong, Nguyễn Hoàng chỉ tay vào một nhà thuyền rộng rãi, phía ngoài không có ai, nhìn qua cửa sổ thấy chừng vài chục cháu nhỏ đang ngồi nghiêm chỉnh trước bàn và một cô gái áo dài trắng đứng bên bảng đen. Giọng anh ta nói như reo:

Lớp học đó! Lớp học đó! Rất tiếc chúng ta không có thời gian ghé thăm vì chiều nay các bác, các cô chú, các anh chị sẽ lên trên đồi Ba Kheng gần Angkor Wat để ngắm toàn cảnh Xiêm Riệp, ngắm Biển Hồ từ xa và ngắm những cánh rừng đại ngàn của Campuchia dưới ánh hoàng hôn nơi chân trời.

alt

Khách im lặng. Còn biết nói sao nữa. Nguyễn Hoàng chắc có quen với cô giáo vì đã qua lại nhiều lần, nên anh ta giơ tay vẫy vẫy, cô giáo bước về phía cửa sổ nhà thuyền và cũng giơ tay làm hiệu. Hoàng vụm hai tay lại làm loa, nói lớn: “Không vào thăm được. Chào nhau thôi nhé!” - Rồi anh quay ra nói chuyện với khách:

-Hai năm trước chưa có lớp học nào cả. Hầu như- tất cả các trẻ em làng chài này đều không biết trường lớp là gì. Phần lớn các em theo cha mẹ ngược dòng sông Tiền và sông Hậu từ bên Việt Nam tới đây. Mùa nước nổi thì cánh rừng kia – anh chỉ tay về phía những rừng cây xanh rì, rậm rạp bên bờ một con sông nhỏ - là vương quốc huy hoàng của hàng triệu triệu những đàn cá tìm vào để đẻ trứng. Người ta vơt trứng cá đó về cho nở và cũng có khi vớt cá bột về nuôi. Một số gia đlnh ở lại đây làm ăn, sinh sống.

alt

Vẫn giọng Hoàng nói chuyện với khách:

- Các Việt Kiều về Việt Nam chơi, qua bên này tham quan, thấy các cháu thất học thương quá bèn đóng góp tiền mua nhà thuyền, lập lớp học, mời cô giáo tới dạy và từ đấy các cháu được cắp sách đến “thuyền trường”.

Canô phóng nhanh. Nhiều gia đình Việt Nam đứng trên mui nhà thuyền vẫy vẫy. Đoàn khách du lịch không có điều kiện ghé thăm từng nhà, không có thời gian gặp gỡ từng người nhưng nhìn cách họ sống cũng thấy là họ nghèo. Thuyền nhỏ, san sát bên nhau. Nguyễn Hoàng cho biết có chừng 350 gia đình Việt Nam sống ở đây và cũng cỡ chừng ấy gia đình Campuchia. Người ta ở xen kẽ như một làng lớn có hai dân tộc đang chung sống. Có thuyền là cửa hàng tạp hóa. Có thuyền là cửa hàng gạo. Có thuyền bán đồ điện tử. Có thuyền làm quán giải khát có đủ các loại đồ uống.

Đoạn sông nhánh chẳng bao lâu đã dứt và tới cửa sông đổ ra Biển Hồ rộng mênh mông. Gió ào ạt. Sóng nổi cuồn cuộn. Những dề lục bình trôi giạt. Canô dập dình. Nước hai bên mạn tung bọt trắng xóa và có lúc bỗng sủi lên đành đạch. Mênh mang biển cả chân trời. Con sông Mê Kông dài hàng ngàn cây số bắt nguồn từ Tây Tạng, Trung Quốc, đổ xuôi qua Myanma (tên cũ: Miến Điện) và Lào, qua Thái Lan - nhiều đoạn làm ranh giới với xứ sở Vạn Tượng - đổ vào Campuchia, tới khu vực Phnôm Pênh thì chẳng hiểu vì sao, toẻ ra một nhánh chảy về hướng Xiêm Riệp, ngày càng nở to khiến bề rộng nhiều nơi tới 50 km và chiều dài tới 150 km, do vậy được gọi là Biển Hồ. Đây là vùng chứa nước ngọt và là vựa cá nước ngọt khổng lồ cung cấp cho Campuchia và miền Nam Việt ‘Nam.

Canô không thể chở du khách đi khắp Biển Hồ và trên đường chạy ra có những thuyền con nổ máy bám theo. Tất cả các thuyền đó đều là của câc gia đình Việt Nam. Họ giơ mọi thứ có thể bán: cá khô, tôm, mực, kẹo bánh... Khi canô quay lại, những thuyền ấy bám riết, cả những thuyền khác cũng mau mau kéo tới. Người đứng tuổi, phụ nữ, trẻ em... Canô chở chúng tôi áp vào nhà thuyền có cửa hàng giải khát và hồ nhỏ nuôi cá sấu. Đây là tài sản của một gia đình Việt Nam khá giả, có vốn liếng và biết kinh doanh. Mấy canô khác chở khách Việt Nam và khách nước ngoài cũng ghé vào. Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Hàn, tiếng Việt và tiếng Campuchia láo xáo xen lẫn nhau. Trên mặt nước, những chiếc thuyền con càng trở nên rộn ràng tíu tít. Một chị chừng ba mươi tuổi, mặc chiếc quần hoa màu cháo lòng, áo màu nâu rịn rịn, một tay ôm đứa con chẳng lấy gì làm khỏe mạnh, một tay chèo chiếc bơi chèo, luồn lách chiếc xuồng của mình giữa những chiếc canô đang dập dờn. Người phụ nữ phải gọi là nheo nhóc ấy bị những chiếc thuyền nhỏ khác len tới, vượt lên trên và che khuất. Thình lình, tôi thấy một cháu bé khác, con trai, chừng tám hay mười tuổi, ngồi trên chiếc thau nhôm, tay cầm đoạn tre dài khoảng một mét làm bơi chèo, điều khiển chiếc “thuyền” nhôm như bay lượn giữa những con thuyền đủ loại. Mình cháu trần trùng trục, nước da đen bóng, mắt nheo nheo ngước nhìn vừa tỏ ý muốn xin lại vùa ngơ ngác như không biết phải nói thế nào. Trong tay cháu chẳng có gì để bán. Trên người cháu vật duy nhất được tính đến có lẽ là chiếc mũ lưỡi trai màu trắng mới tinh, có hàng chữ nổi “Saigon Tourist”, chắc hẳn của vị khách du lịch nào không đội bèn tặng cho cháu. Trông cháu ngộ nghĩnh quá, tôi bèn mở máy ảnh và giơ tay ra hiệu:

- Này cháu, bỏ mũ ra đi!

Cháu bé lại càng ngơ ngác. Rõ ràng cháu không hiểu ý tôi hoặc nghe không quen tiếng Bắc. Tôi vội vàng nhắc lại, giải thích:

- Bỏ mũ ra cho chú chụp nhờ tấm hình!

Cháu lột mũ để lên trên đùi trong lòng thau. Tôi bấm được mấy kiểu liền, cuối cùng tặng cháu tờ 10 riels, cháu nhận nhưng cứ ngơ ngác không biết cám ơn như thế nào. Những người khác nói: “Đẩy chậu ra xa xa một chút! Đẩy chậu ra xa một chút cho mọi người chụp!”.

alt

Chụp hình xong, đa số mọi người đều cho cháu tiền rồi kéo nhau lên sàn một chiếc nhà thuyền lớn mà mặt bằng rất rộng để làm quán ăn. Một vài người đi vòng sang phía bên kia để xem chiếc hồ nuôi cá sấu. Đó là một chiếc thuyền khác ghép lại với thuyền bên này. Tôi đếm được khoảng chín hay mười con cá sấu trong hồ. Chúng cũng chưa lớn lắm. Rồi tôi leo thang gác, lên nóc thuyền – giống như sân thượng của một tòa nhà - ngắm nhìn những ngôi nhà thuyền Việt Nam xen kẽ với những ngôi nhà thuyền Campuchia chạy dài theo mé sông Tonle Sap. Xa xa, một ngôi nhà thuyền ba tầng nổi cao hẳn lên, chứng tỏ cho mọi người biết sự giàu có của chủ nhân, chung quanh là những ngôi nhà thuyền nhỏ bé, lúp xúp mà nói theo hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Hoàng là “tài sản chẳng có gì”. Lục bình không hiểu từ đâu cũng quy tụ dầy đặc chung quanh những ngôi nhà thuyền giống như muốn chắn giùm sóng hay gió. Ngoài kia, nước của Biển Hồ mênh mông, tít tắp cùng với màu trời. Ngồi bên mạn nhà hàng dập dờn trên sóng, nhâm nhi tách cà phê hay làm vài vại bia với tôm trứng Biển Hồ thịt rắn chắc - loại tôm người ta đánh bắt trong môi trường tự nhiên, không sợ chất nọ chất kia – rất ngon và ngậy, quả cũng là điều thú vị.

Chia tay với Biển Hồ rộng mênh mông, canô lại quay về theo con sông nhánh cũ. Ngày mai, vào mùa nước nổi, ngay con sông này cũng chẳng còn nữa bới vì tất cả sẽ trở thành một biển nước. Những ngôi nhà thuyền sẽ dềnh lên, giạt tới một nơi khác. Làng có thể sẽ không chạy dài xúm xít như tại đây mà sẽ phân tán thành từng cụm ở tít đâu đó mãi tận đằng xa. Sự kiếm ăn, tranh đua quá khó khăn của làng dễ khiến người ta chạnh lòng. Nhưng biết làm sao được khi chính những bà con Khơme tại đây cũng nghèo, ngoại trừ một số gia đình có nhà thuyền lớn, vốn nhiều, mở cửa hàng phục vụ khách du lịch. Những đoàn khách tới đây đều là khách du lịch. Họ tiêu xài cũng không rộng rãi lắm, nói chung là rất tiết kiệm. Nguyễn Hoàng nói rằng đa số bà con tại đây đều từ các tỉnh miền Tây Việt Nam chuyển lên, họ sống trôi nổi, có những người chẳng biết rõ quê quán của mình, khái niệm về làng với họ dường như cũng mênh mang, còn khái niệm về cộng đồng thì ở đâu có hàng xóm và có thuyền bạn là có cộng đồng. Có người bảo rằng không nên cho bà con tiền, dù nhiều hay ít. Bởi vì làm như thế sẽ tạo nên thói quen ỷ lại, không tốt. Nghe vậy thì biết vậy chứ sự thực khi chia tay Biểân Hồ trở về thành phố Xiêm Riệp, lòng tôi cứ vấn vương cái hình ảnh làng chài Việt Nam nghèo khó nơi đây. Sự tha hương nào xem ra cũng nhiều nhọc nhằn.

alt

Người ta nói đi tàu cánh ngầm theo sông Tonle Sap thì sáu tiếng đồng hồ sẽ về tới Phnôm Pênh, và từ Phnôm Pênh, đi vài tiếng nữa sẽ tới Hà Tiên, Châu Đốc. Nhưng chúng tôi không đi tàu cánh ngầm. Chúng tôi trả tiền canô, lên bờ, đi xe về Angkor Wat huy hoàng của Vương quốc Campuchia, trong lòng mang theo bóng dáng làng chài nghèo khó bên bờ Biển Hồ rộng mênh mông.

(Theo dulichviet)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Biển chết - Cái rốn của địa cầu
  • Cầu Sài Gòn Trên Sông Singapore
  • Công viên bướm & Vườn chim Jurong
  • Malaysia vẽ đẹp tiềm ẩn
  • Thiên nhiên hoang dã trong vườn thú Singapre
  • Những điều cần biết khi du lịch Malaysia
  • Cảm nghiệm hành hương Đất Thánh
  • Washington DC - Thành Phố Đẹp Nhất Nước Mỹ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com