Cửa khẩu Bavet, tỉnh Svay Rieng,Campuchia. |
Mong muốn thực hiện một chuyến "đi bụi" sang Campuchia được manh mún từ lâu lắm, khi tôi còn là thư ký cho một văn phòng tư vấn xây dựng và bất động sản. Hồi đó, công việc cũng chẳng mấy bận rộn nên tôi có thời gian đọc nhiều. Chỉ làm vài tháng ở đó nhưng đã có biết bao tác phẩm văn học, blog... được tôi “nghiền ngẫm”. Một ngày tôi tình cờ “mò” ra bài viết của chị Ô Mai Già. Chị ấy kể lại chuyến đi Campuchia một mình. Càng đọc tôi càng mê, và quyết tâm, sẽ có ngày tôi sang đó xem người Campuchia sống thế nào.
Trong suy nghĩ của nhiều người Việt, Campuchia là một nơi xa xôi cách trở và luôn tiềm ẩn những bất trắc khó lường. Khi biết tôi sắp đi Campuchia một mình, má tôi hỏi "Con có biết tiếng Campuchia không mà đi?"; (mặc dù nhiều người Campuchia, nhất là người trẻ, nói tiếng Anh rất tốt, với chất giọng dễ nghe và hay dù nhiều người trong số họ không phải là người dân ở những nơi tập trung nhiều khách du lịch), vài người bạn khác thì lộ vẻ lo lắng thực sự khi hỏi nhiều thứ liên quan đến chuyến đi sắp tới của tôi, mà các bạn ấy cũng là dân trí thức như ai, cũng lên mạng đọc tin tức hàng ngày, cũng hay "tám" chuyện thế sự...
Lên đường
Sau nhiều lần tra khảo thông tin trên mạng, tôi quyết định đi xe của Sapaco Tourist vì nhiều người khen chất lượng xe và phục vụ tốt. Tôi có mặt tại điểm hẹn (325 Phạm Ngũ Lão, quận 1) trước 6 giờ. Lên xe, phụ xe kiểm vé, mượn hộ chiếu và điền giúp thông tin xuất cảnh, khách chả phải làm gì cả. Trên xe, ngoài người Việt, người Campuchia, còn có vài khách Tây. Vì thế mà các phụ xe nói cả ba thứ tiếng: tiếng Việt, Campuchia và tiếng Anh.
Khoảng 6g 10 phút, xe lăn bánh. Hai tiếng sau, xe tới cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Hành khách được mời xuống xe làm thủ tục xuất cảnh. Thực ra mọi việc đã có phụ xe lo rồi, chỉ việc chờ nhân viên xuất nhập cảnh đóng dấu vào hộ chiếu, rồi đọc tên ai thì người nấy nhận lại hộ chiếu, đi theo lối hướng dẫn, đưa cho một nhân viên xem lại, nhìn mặt xem đúng không, rồi đi ra. Hành lý vẫn để trên xe, không sao cả.
Lại lên xe, chạy thêm một đoạn chừng mươi mét là đã ở trên đất Campuchia rồi; hành khách lại xuống xe một lần nữa để làm thủ tục nhập cảnh. Lần này khách tự xếp hàng, đưa hộ chiếu cho nhân viên xuất nhập cảnh Campuchia đóng dấu. Tôi thấy lạ là tại sao phía Campuchia không kiểm tra hành lý của du khách.
Một sòng bạc nhỏ ở bên kia cửa khẩu Bavet. |
Dường như bên phòng xuất nhập cảnh Campuchia tân tiến hơn khi ngay bàn làm thủ tục có chiếc camera nhỏ, chụp ảnh lại, khi được đóng dấu rồi, đi theo lối dẫn, lại có người cầm camera chụp thêm một lần nữa. Trong lúc chờ tới lượt, tôi ngắm khuôn mặt ngăm đen đúng chất Campuchia cực nghiêm nghị của anh nhân viên làm thủ tục. Thỉnh thoảng anh ta cũng nhìn lại tôi, còn tôi cũng cứ nhìn anh trân trân. Vậy rồi... thôi!
Một buổi chiều mưa
Qua cửa khẩu Bavet chừng mươi mét là "căn cứ địa" của các sòng bài. Hai bên đường đầy rẫy sòng bài lớn nhỏ đủ kiểu. Xe dừng ngay một quán ăn không xa Bavet, dường như có hợp đồng lâu dài với hãng xe hay sao đó mà hai bên tường treo đầy banner của Sapaco.
Và đây là một sòng bạc lớn, có cả khách sạn, nhà hàng phục vụ dân mê đỏ đen suốt đêm ngày. |
Biết là còn cả chặng đường dài phía trước, tôi xuống xe, gọi một phần bánh mì bò kho. Không khó khăn lắm vì nhân viên phục vụ ở đây cũng biết ba thứ tiếng: Việt, Campuchia, Anh. Vừa ăn, vừa mở điện thoại, tôi ngạc nhiên khi thấy sóng Mobifone bị đổi tên thành Vinaphone. Tuy nhiên, tôi vẫn gửi tin nhắn được. Đây là tình trạng thường thấy tại biên giới, nơi có thể dùng nhiều mạng của cả hai nước.
Xe lại lên đường. Hai bên đường lúc này đã có thể thấy được phong cảnh đặc trưng của Campuchia. Những cánh đồng, tuy không khác mấy so với Việt Nam, nhưng có vẻ ít màu mỡ hơn, và luôn có những cây thốt nốt thẳng đứng giữa mênh mông. Đi chừng hai tiếng là đến bến phà Neak Loeung, thuộc tỉnh Kandal. Qua phà, xe đi qua tỉnh Prey Veng.
Khoảng 12g trưa, xe đến Phnom Penh. Hôm đó là ngày thứ Tư. Đang thời điểm ít khách đi Siem Reap nên Sapaco chỉ bán vé khách lẻ kết hợp với khách đi tour (thường là thứ Năm hàng tuần). Do đó, tôi mua vé đi Siem Reap thì chỉ nhận được vé đi Phnom Penh; sang tới Phnom Penh, xe sẽ đỗ ngay trước văn phòng Sapaco, khách nào đi tiếp thì vào văn phòng, giao biên nhận, lấy vé và lên xe trung chuyển (12 chỗ) tới bến xe ở gần đó (cạnh bờ sông), lên xe đi Siem Reap.
Xe từ Phnom Penh đi Siem Reap là xe của hãng Sokha Campuchia mà Sapaco hợp tác chia sẻ khách với nhau. Xe này không chuyên dành cho khách du lịch, mà phục vụ cả người địa phương nên xe không đẹp bằng, không êm ái bằng xe của Sapaco. Khi qua những đoạn đường xấu, hành khách cứ như đang cưỡi... ngựa. Xe có máy lạnh, nhưng nhiệt độ trong xe và ngoài trời... giống nhau. Tôi nhìn khắp lượt, trên xe chỉ có mỗi tôi là người Việt. Ngoài bác tài, phụ xe, vài khách người Campuchia, số còn lại là đều là Tây.
Xe chạy khoảng 3 tiếng và dừng ở nhà hàng khách sạn Arunras (tỉnh Kampong Thom) cho khách ăn chiều lúc... 15g 30. Tôi xuống xe, nhưng không vào nhà hàng mà đến một tiệm tạp hóa gần đó mua sim điện thoại. Tôi hỏi một bác gái đã lớn tuổi, rằng tôi muốn mua sim. Bác này không hiểu tiếng Anh, nên quay vào trong, nói gì đó. Một anh con trai hơi thấp nhưng khá điển trai đi ra.
Anh chàng bán sim nói tiếng Anh rất tốt, giọng hay, phát âm rõ. Tôi hỏi anh ta bao nhiêu tiền một cái sim Metfone (chính là sim của hãng Vietel Việt Nam đặt tại Campuchia); anh ta nói 4 đô la Mỹ. Tôi lại hỏi có trong tài khoản bao nhiêu; anh ta nói bao nhiêu riel (tiền Campuchia) đó, tôi nghe loáng thoáng là sáu mươi mấy ngàn hay sáu ngàn mấy gì đó. Tôi chưa quen việc nhẩm ra là bao nhiêu tiền Việt nên gật đầu mua luôn, định bụng sẽ mua card sau; cũng quên hỏi giá cước gọi một phút mất bao nhiêu, nhắn tin mất bao nhiêu...
Anh chàng đưa cho tôi một đống sim card và bảo tôi lựa số, rồi hỏi mượn hộ chiếu của tôi. Anh ta đưa hộ chiếu, thẻ sim mà tôi đã lựa và ít tiền lẻ cho một con bé chừng 3 tuổi (cởi trần, đang đùa giỡn với một thằng nhóc lớn hơn trong nhà), ý bảo đi photocopy hộ chiếu của tôi. Có vẻ như con bé đã quen với việc này, nó cầm lấy và chạy đi.
Những người bán gương sen ở bến phà Neak Loeung, tỉnh Kandal. Có nhiều người Việt bán hàng rong ở bến phà này. |
Trong lúc đợi con bé kia, tôi nhận thấy bầu trời đột nhiên tối sầm, và bắt đầu nổi gió. Anh chàng bán sim hỏi tôi "Where do you go?" (Cô đi đâu?). Tôi ngạc nhiên mất chừng hai giây, nghĩ thầm sao anh ta không hỏi tôi từ đâu đến (quên mất là mình vừa đưa hộ chiếu Việt Nam cho anh ta), nhưng rồi cũng trả lời "Go to Siem Reap" (Đi Siem Reap).
Đợi một lúc, tôi thấy bác gái với con bé đi về. Bác gái nói gì đó, chắc là la anh chàng vì sai con bé đi làm việc này, trong khi trời sắp mưa. Anh ta trả hộ chiếu lại cho tôi, cài sim, hỏi tôi muốn dùng tiếng Anh phải không, rồi kích hoạt cho tôi (các bạn du lịch sang Campuchia chú ý là sim Campuchia phải kích hoạt mới xài được, không phải như bên mình, bỏ vào là xài được ngay). Tôi hỏi cách kiểm tra tài khoản, anh ta bấm *097# rồi gọi, thì tôi thấy trong tài khoản có 0,2 đô la. Sau đó lại có tin nhắn báo được 3,8 đô gọi và nhắn tin nội mạng.
Tôi cảm ơn anh ta, vừa định bước ra ngoài thì trời đổ mưa tầm tã. Tôi đành đợi một lúc, sẵn nhắn tin cho Narin, cô bạn làm cho một công ty du lịch ở Siem Reap - đối tác của công ty tôi đang làm, người tôi hẹn tối sẽ gặp. Narin gọi lại ngay, nhưng vì trời đang mưa to, nên tôi bấm tắt, rồi nhắn lại tình hình, bảo khi nào tới sẽ cho cô ấy biết.
Anh chàng bán sim đi ra ngoài đứng cùng với tôi, tôi hỏi anh ta còn bao xa nữa thì tới Siem Reap. Anh ta nghĩ một lúc rồi trả lời còn 146 km nữa. Tôi hỏi, nghĩa là hơn hai tiếng nữa? Anh ta gật đầu. Một lúc mưa ngớt, tôi chào anh ta rồi chạy ra xe, thấy bác tài và phụ xe cầm những chiếc dù che nắng trước nhà hàng đi khắp các cửa để đón khách, nhưng đa số khách nào lên xe cũng bị ướt ít nhiều.
Xe lại bắt đầu chạy. Mưa cũng ngớt dần rồi tạnh hẳn. Càng về chiều, một màu hoàng hôn ửng vàng trùm khắp chân trời, khắp không khí xung quanh. Tôi nhìn ra ngoài, thấy thật thích vì có cảm giác con đường dài tít tắp, hai bên không có nhiều nhà cửa hay cây to che khuất để có thể ngắm hoàng hôn trải dài.
Cảnh tuy đẹp, nhưng cũng gợi nên nét gì đó buồn làm sao! Có lẽ tôi đã bắt đầu “ngấm” cảm giác cô đơn của việc đi “bụi” một mình.
Kỳ sau: Đêm đầu tiên trên đất Campuchia.
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com