Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tết âm lịch của người Hàn Quốc

Hàn Quốc ngày nay  là  nước công nghiệp phát triển mạnh, đứng thứ 11 trên thế giới và đã có những ảnh hưởng hiện đại hoá phương Tây trong đời sống văn hóa, song cho đến nay quốc gia này vẫn lưu giữ được nhiều nét đẹp Á  Đông riêng có của dân tộc Hàn. Một trong những nét đẹp đặc sắc đó là văn hoá Tết, đặc biệt là văn hóa Tết âm lịch cổ truyền.
 

 

Người Hàn Quốc hiện dùng cả hai thứ lịch: dương lịch và âm lịch nên họ vui đón cả hai Tết: Tết dương lịch và Tết âm lịch cổ truyền.    
    
Tết Dương lịch: 
Hàn Quốc cũng giống như  các nước phương Tây,  được tính từ thời khắc giao thừa giữa đêm 31/12 năm cũ dương lịch bước sang  những giây phút đầu tiên của sáng ngày 1/1 năm mới dương lịch. Tết dương lịch là một ngày đại lễ và được mọi người ưa chuộng, nhất là giới trẻ vì nó  đến ngay sau Lễ Noel khiến cho mọi người đều hiểu rõ giá trị của những ngày nghỉ sau một năm làm việc và học tập căng thẳng. Tuy nhiên, Tết dương lịch không dài ngày, người ta thường chỉ có những hoạt động lễ hội và vui chơi vào hai ngày đầu năm mới, đến ngày mùng 3 mọi người lại tiếp tục các công việc thường ngày của một năm mới.        

 

Tết âm lịch cổ truyền: cũng được tính từ thời khắc giao thừa của năm cũ âm lịch, tuỳ theo từng năm có thể là ngày 29/12 năm cũ âm lịch ( nếu là năm thiếu) và là ngày 30/12 (nếu là năm đủ). Tuy nhiên,  Tết âm lịch cổ truyền hiện vẫn là tết chính và là đại lễ long trọng nhất trong năm âm lịch cổ truyền của Hàn Quốc. Để hiểu  rõ đặc sắc của loại tết này, trước hết xin được giới thiệu vài nét về âm lịch của người Hàn Quốc.

 

Từ thời Tam Quốc ( trước công nguyên) của Hàn Quốc, những người nông dân của xứ xở Kim Chi đã có thói quen dùng một loại lịch dựa trên vòng quay của mặt trăng quanh trái đất. Một tháng có 29 hay 30 ngày, và có 12 tháng trong một năm. Tuy nhiên cộng lại thì có 354 ngày trong một năm so với 365 ngày theo dương lịch. Để bù lại sự chênh lệch 11 ngày này, cứ 33 tháng lại có một tháng nhuận 30 ngày gọi là yundal. Vì nó là sự lặp lại của tháng trước, tháng nhuận được coi là sự may mắn, không có  những ngày “xui”. Lễ cưới và các lễ khác thường được chọn vào thời gian này. Mặc dù dương lịch của phương Tây đã được chính thức dùng từ thế kỷ 19 nhưng đa số người Hàn ngày nay vẫn tính những ngày quan trọng của họ bằng âm lịch, và do đó mặc dù tiếp theo Lễ Noel mừng Chúa Giáng sinh (25/12) người Hàn lại tiếp tục đón Tết dương lịch cũng như người Nhật song có điều khác tiếp theo đó, thường là sau khoảng hơn tháng nếu như người Nhật hầu như không đón Tết âm lịch nữa thì ngược lại cũng giống như nhiều nước Đông Á khác ( như Trung Quốc, Việt Nam...), người Hàn vui đón Tết âm lịch còn long trọng hơn nhiều so với Tết dương lịch vì đó mới thực sự là Tết cổ truyền của dân tộc Hàn.

 

 

Một số phong tục, tập quán trong dịp Tết âm lịch cổ truyền Hàn Quốc:

 

 

Tết âm lịch cổ truyền của người Hàn Quốc theo tiếng Hàn gọi là Seol thường rơi vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 dương lịch, là đại lễ quan trọng nhất trong năm, còn có tên gọi là Won Dan theo âm tiếng Trung Quốc là  Tết Nguyên đán.  Cũng như Việt Nam, mặc dù chính thức năm mới và cũng là bắt đầu vào Tết được tính từ thời khắc giao thừa song trên thực tế không khí Tết đã tràn ngập từ những ngày cuối năm âm. Vào ngày 30 Tết, các gia đình đều đã lo dọn vệ sinh sạch sẽ nhà cửa. Buổi tối trước giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa để xua đuổi tà ma vì tục truyền do tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy. Đêm giao thừa không ai ngủ cả, vì theo truyền thuyết nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy.

 

Ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán, tiếng Hàn gọi là Sollal có ý nghĩa rất quan trọng vì đó là ngày đầu tiên của một năm mới. Trong những tuần giáp Tết, người Hàn nhất là các bạn trẻ thường đã trao đổi bưu thiếp cho nhau để cảm ơn về những quan hệ đã có trong năm cũ và cầu chúc nhau một năm mới hạnh phúc đang đến. Riêng với những người theo đạo Thiên chúa giáo thì còn gửi thiếp chúc mừng nhau nhân ngày Lễ Noel 25/12 cũng như các nước phương Tây. Tuy nhiên, đối với thế hệ trẻ - nhất là với những cặp tình nhân thì hầu như không có giới hạn vào ngày nào vì dù là Lễ Noel, Tết dương lịch hay Tết âm lịch... tất cả chỉ là “nguyên cớ” hay chính xác hơn đó là những thời cơ để họ “tỏ tình”, dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp nhất.

 

Theo quy định chung của Nhà nước thì các công sở của Hàn Quốc thường đóng cửa, cho người lao động nghỉ Tết từ ngày 29 (hoặc 30) của tháng 12 âm lịch năm cũ cho đến hết ngày mùng 2 Tết. Tuy nhiên, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ riêng của từng đơn vị và cá nhân người lao động mà có thể nghỉ dài hơn. Đối với chung cả xã hội và nhiều gia đình người Hàn thì không khí Tết còn kéo dài đến qua  ngày trăng tròn đầu tiên trong năm được gọi là ngày Daeboreum  mà ở Việt Nam, Trung Quốc...vẫn gọi là Tết Nguyên Tiêu (Rằm Tháng Giêng).   

 

Vào những ngày Tết, mọi người đều mặc trang phục truyền thống hanbok hoặc chọn cho mình những bộ quần áo đẹp nhất, cả gia đình cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Sau lễ nghi này, những người ít tuổi trong gia đình sẽ cúi lạy những người lớn tuổi trong gia đình. Như nhiều quốc gia Á Đông khác, trẻ em Hàn Quốc cũng luôn là đối tượng được quan tâm, cưng chiều nhất trong dịp Tết. Sau khi các cháu làm động tác cúi đầu chào năm mới (sebae) trước người lớn và chúc họ may mắn (bok), chúng sẽ được người lớn thưởng tiền hoặc có khi là vàng, ngọc hay một món quà quý nào đó tuỳ thuộc vào tuổi, vị trí của chúng trong gia đình và đương nhiên là cả điều kiện, hoàn cảnh, quan niệm của từng gia đình nữa.

 

 Với các trẻ em trong những ngày Tết Nguyên Đán còn là dịp chúng được thoả sức tham gia vào các trò chơi truyền thống được tổ chức ở các nơi công cộng như các trò: kéo co, thả diều, bập bênh và yut-nori, một loại trò chơi trên ván gỗ dùng gậy. Tuy nhiên, những trò chơi này đang phải nhường chỗ dần cho các trò chơi điện tử hiện đại và do đó cũng đang đặt ra cho các ngành văn hoá, thể thao và kể cả giáo dục đào tạo của Hàn Quốc cần phải có giải pháp thế nào để không bị mai một dần các trò chơi truyền thống đó.

 

 Bàn về văn hoá Tết Nguyên Đán Hàn Quốc không thể không nhắc đến văn hoá ẩm thực trong mối quan hệ chặt chẽ với các nghi thức thờ cúng Thần, Phật và tổ tiên. Đồ ăn để cúng Thần, Phật, tổ tiên được các gia đình chuẩn bị từ trước Tết, bao gồm cả thành phẩm hoặc mới chỉ là các nguyên phụ liệu hoặc bán thành phẩm sơ chế. Vào Đêm giao thừa, người Hàn phải hoàn tất các đồ ăn đã chế biến để đem đặt lên bàn thờ, có khi tới hơn 20 món, trong đó nhất thiết phải có món chính là ttok-kuk (là một loại phở nước được chế từ bò hay gà).  Ngoài ra là cá khô, thịt bò khô, bánh bao hấp, hoa quả, rau, hồng khô và các loại bánh cổ truyền.    

 

Thực đơn cho ngày Tết, nhất là trong ngày mùng 1 có thể khác nhau tuỳ địa phương, nhưng phổ biến chung cho toàn quốc thường có món ttok-kuc. Người Hàn cho rằng, ngày Tết ăn ttok-kuk có nghĩa là “ăn” một năm khác.     

 

Các món ăn khác cũng hay dùng trong dịp Tết là bánh bao,  bánh pindaettok (bánh tráng kếp đậu xanh) và sujonggwa (chè quế) hay shikhye, một loại rượu pân nấu bằng gạo. Tuy nhiên, có một món không thể thiếu đối với các gia đình Hàn Quốc không chỉ dịp Tết mà cả quanh năm, đó là món cay kim chi. Vào ngày Tết luôn có món gakkimchi, nghĩa là kim chi làm với lá cải xanh trộn với vừng trắng. Một món mặn truyền thống cũng không thể thiếu vắng là món chigae, chế từ các loại thịt hoặc cá thu nấu mềm, người lớn tuổi rất thích. Hoặc món thịt viên bulgogi, giới trẻ rất thích ăn cùng với nưóc chấm pa-jun chua ngọt. Ngoài ra còn có một món đặc biệt là bibim, tức cháo gạo nếp nấu với thịt bò và rau đậu.

 

 

Trong số các loại bánh truyền thống ngày tết, phải kể đến bánh doo-boo cam-ja-jun làm bằng đậu nành, khoai và rau quả. Hoặc bánh doo-boo dong-co-rang-deng làm bằng đậu phụ với trái cây xắt nhỏ, ăn trong khi uống trà.

 

 

Bên cạnh tính đa dạng ngày càng tăng của nhiều loại đồ uống hiện đại từ phương Tây du nhập vào như các loại rượu, bia, nước ngọt, cà phê... thì ngày nay cũng như nhiều nước Á Đông khác, uống trà theo kiểu Hàn Quốc vẫn là thói quen văn hoá ẩm thực của người Hàn. Mặc dù cuộc sống công nghiệp khẩn trương, hối hả đã khiến cho nhiều gia đình Hàn Quốc thường ngày khó thực hiện được tập tục uống trà theo đúng các nghi thức riêng của “trà đạo” Hàn Quốc, song với không ít gia đình có nề nếp gia phong truyền thống  ở làng quê và kể cả đô thị vẫn duy trì được các nghi thức “trà đạo” trong những ngày lễ tết dân tộc hay những ngày giỗ, ngày vui riêng của gia đình. Một vài loại trà ngon có hương vị đặc biệt mà người Hàn hay dùng vào dịp Tết là trà camip ướp lá trái cây hồng, rất thơm;  trà saenggang ướp gừng; trà kyepicha ướp quế;  trà insam trộn với sâm, rất quý; đặc biệt nhất là trà omija chỉ có ở Hàn Quốc, có đủ cả 5 vị ngọt, chua, mặn, cay và đắng.

 

Vì trên 50% dân số Hàn Quốc theo đạo Phật,  đạo Khổng và đạo Lão đều du nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ từ nhiều thế kỷ trước nên đa số các gia đình Hàn Quốc đến nay vẫn rất coi trọng việc thờ cúng Đức Phật, Thần linh và Tổ tiên. Vào dịp Tết, các gia đình đều tiến hành  nghi lễ cúng Phật, Thần linh và Tổ tiên vào thời khắc giao thừa. Tiếp theo, vào sáng sớm mùng 1 Tết, sau khi cả nhà tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, mặc quần áo cổ truyền, uống gui balli sool, một loại rượu bổ làm cho thính giác tinh nhạy, cả nhà lại tiến hành tiếp nghi lễ cúng Tổ tiên gọi là Chesa do trực tiếp người trưởng nam đứng ra làm nghi lễ. Đồ cúng cùng với rượu gạo được bày trên mặt bàn giữa nhà. Trên đó cũng đặt các bài vị tổ tiên viết trên giấy sớ sẽ đốt đi sau khi cúng. Chủ gia đình thắp hương, khấn mời Tổ tiên, cả nhà cùng bái lạy làm

 

lễ. Sau lễ Chesa là lễ Seba, con cái bái lạy cha mẹ, ông bà. Cả nhà quây quần  cùng nhau thụ lộc những đồ ăn vừa cúng Tổ tiên. Sau đó mọi người sẽ đi chúc tết hàng xóm, người thân, đi thăm mộ Tổ tiên và  du xuân đến những nơi danh lam, thắng cảnh, hoặc thăm các vườn hoa, cây cảnh, viếng chùa ngày xuân. Họ thường đến những nơi đã được xây dựng từ các triều đại cũ theo triết lý “thiên địa nhân hoà đồng” của đạo Lão. Đó là vườn Anapchi ở Kyogju, cách Seoul 360 km về phía Đông Nam, xây dựng từ thời Schlla- năm 935 hoặc cảnh vườn Soswaewon ở Kangnung phía Đông Seoul xây dựng từ thời Yang San-bo (1503-1577). Lớp trẻ ở Seoul thì hay đi thăm vườn Namwon đã  được xây dựng từ 500 năm trước đây...

 

Câu chúc tết phổ biến nhất của người Hàn Quốc là “say hay boke-mahn he pah du say oh”, có nghĩa “ mong nhiều phúc lành năm mới sẽ đến với bạn”. Trong những ngày tết, nhà nào cũng treo “Bok jo ri” ở ngoài cửa. Bok jo ri là một cái xẻng bằng rơm dùng để hốt thóc gạo rơi vãi. Người Hàn treo vật này ngoài của với mong muốn nhận được phúc lộc quanh năm.

 

Cũng giống như Việt Nam  và nhiều nước Đông Á khác, trong những ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền đã là dịp để các thành viên xa gia đình trở về đoàn tụ  trong sự hoà thuận, yêu thương và mọi người đều trang phục đẹp, lịch sự, nói với nhau bằng những lời chúc tốt đẹp nhất. Tuỳ theo mỗi quốc gia, dân tộc mà có những đặc sắc riêng trong văn hoá Tết, song nét đẹp chung bao trùm tất cả vẫn là tính chân, thiện, mỹ - một nét đẹp đậm tính nhân văn Á Đông mà trên đây Hàn Quốc là một minh chứng rõ nét.

 

 

 

(Nguồn: ĐCS)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Văn hoá đón Tết của Trung Quốc
  • Giáng Sinh muôn nơi
  • Hơn 14.000 ông già Noel xuống phố
  • Tuyết rơi trắng trời ở Áo
  • Thế giới rộn ràng đón Giáng sinh
  • Những nét độc đáo ngày Giáng sinh
  • May - Tết cổ truyền ở Lào
  • 10 du thuyền lớn nhất thế giới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com