Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thăm "Tam giác đặc khu kinh tế" Trung Quốc

Trước diễn biến phức tạp của tình hình chính trị Thái Lan, các doanh nghiệp du lịch chuyển hướng mở đường tour sang các nước châu Á khác. Trung Quốc là điểm đến được nhắm đến trong mùa hè này, nhất là tuyến “Tam giác đặc khu kinh tế” Macau - Chu Hải - Thẩm Quyến.

Sòng bạc Lisboa ở Macau.

Đáp chuyến bay ZH của hãng hàng không Thẩm Quyến, đoàn chúng tôi đến Thẩm Quyến vào 11 giờ 30 phút (giờ Trung Quốc), sớm hơn giờ Việt Nam là 1 giờ. Thời tiết mát dịu từ 16 - 22 độ C. Sau bữa cơm trưa, đoàn chúng tôi đến bến phà để đi Macau. Mất khoảng 20 phút xin visa tại bến phà.

Macau là một địa danh nổi tiếng về chơi bài, về sòng bạc - có 33 sòng bạc lớn, nhỏ. Mỗi sòng bạc có cách kinh doanh và trang trí cũng như show diễn phù hợp với mỗi thị trường khách chơi bài khác nhau. Thường thì khách đến chơi bài không phải trả tiền một số dịch vụ; còn nếu là khách du lịch sẽ phải trả chi phí xem show diễn và tham quan.

Điểm chính của Macau vẫn là sòng bài với khung cảnh bầu trời xanh cùng với mây trắng làm du khách không còn biết thời gian là gì nữa. Mỗi sòng bạc có một show diễn khác nhau. Show diễn “chú rồng tìm ngọc” của sòng bạc Venetian với kỹ thuật 7D, người xem đứng vào bên trong một nửa quả cầu úp xuống và màn hình là trần của cả một nửa quả cầu úp xuống đó. Show diễn “cây lộc vàng” diễn ra mỗi giờ giới thiệu về lộc may của 12 con giáp. Khán giả sẽ đứng ngay đúng vị trí của con giáp thể hiện năm sinh của mình và chờ khi cây lộc vàng từ dưới đất mọc lên sẽ ném tiền xu đồng vào để cầu xin được may mắn... Có Casino có dáng cá mập, lồng chim với ý nghĩa là khi cá mập “cắn” thì khó mà “nhả ra”, “vào lồng” chim rồi thì “khó mà thoát”. Chúng tôi được dịp tham quan một bản sao “Las Vegas của Mỹ tại Macau”. Las Vegas Macau như một lâu đài tráng lệ với phần bên trong được thiết kế có dòng sông xuyên quanh như một “Venise thu nhỏ”. Dọc theo dòng sông này là dịch vụ chèo xuồng tham quan, khu mua sắm hàng hiệu, nhà hàng ăn uống cao cấp, khách sạn 5 sao.

Macau sống về đêm là chính. Giờ sinh hoạt của Macau là khoảng hơn 2 giờ chiều trở đi. Buổi tối Macau tráng lệ, rực rỡ hào nhoáng trong ánh đèn như “cô gái xuân thì” so với buổi sáng của Macau như một người phụ nữ luống tuổi. Mỗi năm, Macau đón 16 triệu du khách đến tham quan, mua sắm và chơi bài. Theo lời hướng dẫn viên ở Macau, số tiền thu được bình quân trên một bàn chơi bài từ 530 - 1.700 USD/bàn/giờ tùy theo khả năng kinh doanh của sòng bạc. Chính quyền Macau ưu tiên cho người dân Macau làm công việc chia bài cho các sòng bạc vì thu nhập khá cao từ 3.000 -8.000 USD/người. Hướng dẫn viên còn cho chúng tôi biết là 60% các loại thuế của chính quyền Macau đánh vào sòng bạc dùng để phát triển Macau như xây dựng giao thông, chăm lo phúc lợi xã hội.

Điểm du lịch cổ xưa ở Macau là chùa bà Thiên Hậu, được truyền tụng là ngôi chùa cổ linh thiêng nhất ở Macau. Di tích thứ hai là thánh đường Saint Paulo, di sản văn hóa cấp quốc gia của Macau - nơi đã 3 lần bị hỏa hoạn. Người ta nói rằng do thánh đường Saint Paulo được xây dựng to lớn nằm cạnh bên miếu thờ nhỏ bé của Tam Thái tử Na Tra nên Tam Thái Tử đã tức giận phóng hỏa đốt thánh đường. Đến nay thánh đường chỉ còn lại một mặt tường chính diện.

Chúng tôi được đưa đến nơi mua sắm đặc sản ở Macau là bánh “ông xã, bà xã”. Nếu du khách mua bánh “ông xã” thì phải mua bánh “bà xã” như vậy mới có đôi và hạnh phúc gia đình. Tương truyền rằng nếu chưa có bạn, ăn bánh “ông xã, bà xã” thì sẽ có bạn và nếu đã có bạn rồi ăn bánh vào sẽ có thêm bạn nữa. Được biết, theo quy định ở Macau một người đàn ông có quyền cưới nhiều vợ với điều kiện là họ phải chứng minh được tài sản của mình có thể nuôi được số người vợ đó.

Rời Macau đoàn chúng tôi nhập cảnh trở lại Trung Quốc bằng đường bộ đến thành phố Chu Hải. Chu Hải (hay còn gọi là Châu Hải) giáp với Macau ở phía Nam là một đặc khu kinh tế nổi tiếng thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc và là tỉnh có các khu nghiên cứu phát triển biển và phát triển công nghiệp công nghệ cao. Chu Hải là một thành phố trăm đảo gồm 146 hòn đảo lớn nhỏ, có diện tích 7.600km2 với dân số 3 triệu người. Chu Hải xưa là một làng chài nhỏ nuôi Trân Châu (ngọc trai nước lợ). Sau 30 năm xây dựng và phát triển và từ tiếp giáp với Macau nên tốc độ phát triển của Chu Hải ngày nay tương đối cao. Biểu tượng của Chu Hải là hình tượng Ngư nữ, hai tay giơ lên nâng hòn ngọc trai. Chúng tôi được giải thích biểu tượng này là từ truyền thuyết tình yêu giữa ngư nữ, con gái của Long Vương và anh ngư dân quê mùa.

“Ngư nữ” hai tay dâng hòn ngọc trai - biểu tượng của Chu Hải.

Từ Chu Hải qua Quảng Châu bằng đường bộ thông qua TP Trung Sơn, xưa gọi là Hương Sơn - quê hương của Tôn Trung Sơn-Tôn Dật Tiên. Thời tiết ở Quảng Châu thật dễ chịu, nhiệt độ khoảng 22 độ C. Vì vậy mặc dù di chuyển khá xa và dừng nhiều điểm, nhưng chúng tôi vẫn không thấy mệt. Quảng Châu (hay còn gọi là Ngũ Dương Thành) là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông và là thành phố của các kỳ hội chợ mang tầm cỡ thế giới. Mùa hội chợ có khi diễn ra cả tháng trời tập trung chính cho hai tháng là tháng 4 và tháng 10. Tại Quảng Châu, đoàn chúng tôi viếng nghĩa trang liệt sĩ - công viên Hoàng Hoa Cương thắp hương, dâng hoa kính cẩn nghiêng mình trước mộ phần của liệt sĩ Phạm Hồng Thái - nhà hoạt động cách mạng trong phong trào Đông Du. Công viên Hoàng Hoa Cương được ông Tôn Trung Sơn đề tặng bốn chữ “Hào Khí Trường Tồn”. Công viên nghĩa trang này còn là nơi để người dân đến tập thể dục buổi sáng và nghỉ ngơi thư giãn. Đi công viên là cái thú tiêu khiển của người dân Quảng Châu.

Rời Quảng Châu chúng tôi đi Thẩm Quyến. Tên khác của Thẩm Quyến là Bàng Thành có nghĩa là “chim đại bàng”. Thẩm Quyến xưa là một làng chài nhỏ, chỉ có núi và biển. Người ta đã sử dụng 10.000 lính quân đội để phá núi, lắp biển và sau 30 năm đã xây dựng nó trở thành một đặc khu kinh tế mở phát triển nhất của Trung Quốc. Diện tích của Thẩm Quyến là 2.050km2 với 13 triệu dân. Điểm đặc biệt mà nơi đây được coi là “thành phố trẻ” bởi tuổi bình quân của người dân Thẩm Quyến là 27 tuổi. Hoa biểu tượng của Thẩm Quyến là Lạc Đỗ Quyên, cây tiêu biểu là cây vải.

Thành Thiên An, trung tâm nghiên cứu công nghệ mới ở Thẩm Quyến nằm ở trung tâm thành phố là nơi nghiên cứu sản xuất công nghệ mới, công nghệ hàng đầu của Trung Quốc đưa Thẩm Quyến trở thành trung tâm điện tử nổi tiếng. Đã có 145 tập đoàn điện tử thế giới đầu tư vào Thẩm Quyến. Chợ đầu mối điện tử lớn nhất của Thẩm Quyến là chợ Hoa Cường Bắc. Người Trung Quốc nói rằng nếu như chợ điện tử Hoa Cường Bắc mà “hắt xì hơi” là ngành điện tử Trung Quốc sẽ bị lao đao.

Đến Thẩm Quyến chắc chắn mọi du khách phải đến thăm “Trung Hoa Cẩm Tú” - một thế giới thu nhỏ mang tên “cửa sổ của thế giới”. Tại đây, khách du lịch có thể nhìn thấy tất cả những công trình nổi tiếng, danh lam thắng cảnh của cả thế giới được thu nhỏ: tháp Eiffel, kim tự tháp của Ai Cập, khu vườn hoa Tulip và cối xay gió của Hà Lan, Angkor wat của Campuchia, tháp nghiêng Piza của Ý... Chúng tôi mừng rỡ khi bắt gặp hình ảnh của Việt Nam với biểu tượng “chùa Một cột” xinh xắn. Bên cạnh đó còn có nhiều trò chơi thu hút trẻ em, các khu bán hàng lưu niệm, khu ăn uống, khu trượt băng, trượt tuyết...

Không những chỉ phát triển kinh tế dựa vào ngành sản xuất từ tam giác các đặc khu kinh tế (Macau - Chu Hải - Thẩm Quyến) mà Trung Quốc đã và đang xây dựng nhiều dịch vụ bổ sung hấp dẫn để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến tham quan.

 

(Theo Bài, ảnh: Lâm Văn Sơn/cantho)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Thăm thành phố cảng lớn thứ hai thế giới
  • "Bảo tàng ngoài trời": miền Bắc Ý
  • "Vienna - thành phố đáng sống nhất trên thế giới"
  • Dạo chơi "vườn châu Âu"
  • Đi chơi thác Prenn
  • "Tiểu kỳ quan" Sri Lanka
  • "Thành phố màu hồng"
  • Phiêu lãng trong thế giới Kim Dung
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com