Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thăm thành phố Philadelphia

Tòa nhà Độc Lập ở Philadelphia.
Ảnh: nocbiovalleystudentsnetwork.orbius.com

Philadelphia là thành phố lớn nhất thuộc bang Pennsylvania, nơi đánh tiếng chuông đầu tiên báo hiệu tự do cho nước Mỹ. Gắn với lịch sử, Philadelphia ngày nay sở hữu rất nhiều công trình và di tích liên quan đến quá trình lập quốc của Hoa Kỳ.

Philadelphia theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “tình huynh đệ”. Thành phố từng là trung tâm văn hóa giáo dục và thương mại lớn trong thời thuộc địa của Anh chỉ sau Thủ đô Luân Đôn. Từ năm 1790 đến 1800, Philadelphia từng là thủ đô của Mỹ khi Thủ đô Washington DC đang được xây dựng. Bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ được ký tại Philadelphia vào ngày 4-7-1776, Quốc hội Hoa Kỳ đầu tiên đã họp tại đây. Ngày nay thành phố là điểm tham quan thú vị đối với du khách muốn tìm hiểu lịch sử và văn hóa Hoa Kỳ.

Công viên Independence National Historical Park nằm ngay trung tâm thành phố thu hút khách du lịch nhiều nhất ở tiểu bang Pennsylvania. Công viên bao gồm 4 dãy phố với nhiều công trình và di tích lịch sử nổi tiếng như: quảng trường Độc Lập, tòa nhà Carpenter - nơi Quốc hội đầu tiên của Mỹ nhóm họp, ngôi nhà của Benjamin Franklin, ngôi nhà Graff House - nơi Tổng thống Thomas Jefferson viết bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ. Tại công viên còn có chuông Tự Do, ghế ngồi của Franklin và một phòng triển lãm ảnh chân dung, các khu vườn và thư viện. Điểm nhấn của công viên là Tòa nhà Độc Lập nổi tiếng nhất nước Mỹ- nơi bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ được 13 đại biểu của các tiểu bang thảo luận và ký thành văn kiện chính thức. Tòa nhà được xây bằng gạch đỏ từ năm 1732 -1753 do hai kiến trúc sư là Edmund Woolley và Andrew Hamilton thiết kế. Tòa nhà Độc Lập có điểm cao nhất là 41 mét với hai tòa nhà phụ nhỏ hơn kế cạnh là Tòa thị chính cổ ở phía Đông và Tòa nhà Quốc hội ở phía Tây. Năm 1948 nội thất của tòa nhà được phục hồi lại giống như ban đầu. Trên nóc của Tòa nhà Độc lập có một tháp chuông, treo chiếc chuông Tự Do hay còn gọi là chuông Một Trăm Năm đúc năm 1876 nhân kỷ niệm 100 năm bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ. Tổng thống John F. Kennedy đã viếng thăm tòa nhà này nhân ngày Độc lập Hoa Kỳ năm 1962. Rất nhiều hoạt động chính trị cấp tiến khác diễn ra tại tòa nhà được xem là biểu tượng của lịch sử nước Mỹ. Từ lâu, Tòa nhà Độc Lập được UNESCO liệt vào danh sách những di sản văn hóa thế giới.

Chuông Tự Do - cổ hơn quả chuông ở Tòa nhà Độc Lập đặt trong khu Liberty Bell Center. Chuông được đúc bằng đồng và thiếc nặng 900 kg, chu vi 3,7 mét, tại xưởng đúc Whitechapel Bell ở Luân Đôn và vận chuyển bằng tàu đến Philadelphia năm 1752. Ngay lần đánh thử, chuông đã bị nứt một vết dài. Năm 1976 nhân kỷ niệm 200 năm Hoa Kỳ độc lập, nữ hoàng Elizabeth II của Anh thăm Philadelphia và tặng cho người Mỹ một chiếc chuông giống hệt như chuông Tự Do đặt tên là Bicentennial. Chuông Bicentennial hiện được treo trong một tháp chuông hiện đại gần Tòa nhà Độc Lập.

Gần đó có ngôi nhà của Besty Ross - người phụ nữ may lá cờ đầu tiên cho nước Mỹ. Ngôi nhà được xây dựng năm 1740 theo phong cách Georgia, được trùng tu lại năm 1937 giữ lại nét kiến trúc và vật liệu xây dựng từ ngôi nhà cũ. Cũng thời gian này, người ta xây dựng một công trình mới kế cạnh và phần sân cũng được sửa sang lại, lắp đặt thêm một đài phun nước. Besty Ross đã sống cùng với người chồng John Ross trong ngôi nhà này từ năm 1773 đến 1785. Ngôi nhà thu hút hơn 250.000 khách du lịch đến thăm mỗi năm.

Tòa thị chính của Philadelphia hoàn thành năm 1901 sau 30 năm xây dựng. Tòa nhà gồm 8 tầng có 600 phòng với một tháp trung tâm cao 155,7 mét, trên đỉnh có bức tượng William Penn - người thiết kế thành phố - cao 11 mét nặng 27 tấn. Tòa thị chính được trang trí xa hoa, nổi bật nhất là phòng tiếp tân với trần nhà màu xanh biển, vàng óng và nhiều cột cẩm thạch đỏ, phòng hội thảo có một đèn treo nhiều ngọn lộng lẫy... Du khách có thể lên đài quan sát ở tầng trên cùng Tòa thị chính ngắm nhìn toàn cảnh thành phố.

Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia cũng là một điểm đến rất nổi tiếng. Bảo tàng được thành lập năm 1876 với 200 phòng triển lãm hơn 225.000 hiện vật của phương Tây từ thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên và của nền văn minh châu Á hàng ngàn năm trước Công nguyên. Bộ sưu tập các hiện vật châu Âu gồm các tác phẩm hội họa của Ý, Pháp, tượng điêu khắc, thảm trang trí, nội thất, bộ sưu tập lớn về vũ khí và áo giáp. Bộ sưu tập các hiện vật châu Á gồm tranh ảnh, tượng điêu khắc của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, gốm sứ của Trung Quốc, Nhật , Hàn Quốc, các loại thảm của Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Tư, một bộ sưu tập về kiến trúc quý hiếm như cung điện Trung Quốc, phòng trà Nhật Bản, tháp Ấn Độ thế kỷ XVI... Bảo tàng còn có những bộ từ điển bách khoa về trang phục và ngành dệt, in ấn, nhiếp ảnh... Mỗi năm bảo tàng có từ 15 đến 20 cuộc triển lãm đặc biệt thu hút hơn 800.000 người viếng thăm.

Philadelphia còn có con đường cổ nhất nước Mỹ là đường Elfreth’s Alley tập trung nhiều phòng triển lãm nghệ thuật, quán cà phê, nhà hàng và các ngôi nhà cổ xây trước khi thành lập nước Mỹ dọc hai bên đường. Elfreth’s Alley chào đón hàng ngàn du khách mỗi năm đi tản bộ trên đường rải đá cuội và chiêm ngưỡng những ngôi nhà từ thế kỷ XVIII vẫn được sử dụng đến ngày nay.

(Theo Ánh Minh // Cần Thơ Online)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Nghệ thuật “thưởng” Sushi
  • Ngôi làng Nhật ở Malaysia
  • Viếng thăm Thủ đô Hoa Kỳ
  • Tây An: Đô thị của 13 hoàng triều Trung Hoa
  • Mátxcơva - mười chín năm sau
  • Chơi Giáng sinh ở sông băng Aletsch, Thuỵ Sĩ
  • Mùa thu Matxcơva
  • Hồ Kanas rực rỡ vào thu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com