Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ý tưởng thành phố nghệ thuật và khoa học - Valencia, Tây Ban Nha

Ý tưởng thành phố nghệ thuật và khoa học (Ciutat de les Arts i les Ciències/tên tiếng Anh: City of the Arts and Sciences) là một khu liên hợp giải trí văn hóa và kiến trúc cực kỳ hiện đại được xây dựng ở hạ lưu sông Turia. Đây được xem là điểm đến du lịch quan trọng nhất hiện nay của thành phố Valencia, Tây Ban Nha.

Toàn cảnh thành phố nghệ thuật và khoa học thuộc Valencia, Tây Ban Nha

Toàn bộ khu phức hợp được thiết kế bởi hai kiến trúc sư tên tuổi tài ba lừng danh khắp Tây Ban Nha, Santiago Calatrava và Félix Candela. Sau chín năm thi công, ngày 9-10-2005, thành phố Valencia tự hào chào đón một trong những công trình vĩ đại nhất của kiến trúc Tây Ban Nha: thành phố nghệ thuật và khoa học.

Đây là một khối kiến trúc đề cao giá trị đóng góp vô hạn của khoa học kỹ thuật và sức ảnh hưởng to lớn của thiên nhiên, văn hóa và nghệ thuật, được tạo thành bởi năm khu vực: khu Hemisfèric, khu Umbracle, Viện bảo tàng khoa học Príncipe Felipe, Bảo tàng hải dương học Oceanográfico và lâu đài nghệ thuật Queen Sofia.

Góc trái là mái vòm của Umbracle, góc phải là Viện bảo tàng khoa học Príncipe Felipe, chính giữa phía trước là công trình của khu Hemisfèric và ngay phía sau chính là lâu đài nghệ thuật Queen Sofia

Toàn bộ công trình của khu Hemisfèric nhìn từ phía trước

Cả thành phố được xây dựng với ý tưởng chủ đạo xuyên suốt là tạo nên một trung tâm văn hóa nghệ thuật và khoa học kỹ thuật lớn nhất châu Âu. Nhằm khẳng định tầm vóc vĩ đại của dự án, Calatrava và Candela đã dựa trên tri thức của bốn lĩnh vực nòng cốt, đó chính là vũ trụ, sinh quyển, con người và văn hóa để cấu thành nền tảng cơ bản cũng như phần mở rộng nâng cao. 

Với mục đích chính là giúp du khách tham quan thưởng lãm, cảm nhận sự tương tác và trên hết là tận hưởng những trải nghiệm mới mẻ của bản thân, thành phố khoa học và nghệ thuật còn là cầu nối để giúp thế hệ đương thời tìm hiểu và khám phá tương lai, những nền khoa học, những nền văn minh, những mảng màu đa dạng của văn hóa nghệ thuật trong tương lai. Đó không chỉ là một cuộc tham quan đơn thuần, hơn thế nữa đó là một chuyến thám hiểm du hành đến thế kỷ 23.

Quá trình xây dựng

Tháng 5-1991, hội đồng thông qua việc chuyển giao mặt bằng, bốn tháng sau dự án được giao cho Santiago Calatrava lên bản thiết kế. Có một vài thay đổi cho đến khi Calatrava tìm được Félix Candela, cả hai tạo thành một bộ đôi ưng ý hoàn hảo nhất cho một công trình vĩ đại. Đến cuối năm 1994, dự án chính thức ra mắt công chúng. Tuy nhiên mãi đến năm 1996 công trình mới chính thức động thổ và khởi công.

Hemisfèric nhìn từ bên hông trông như hình ảnh một con mắt
Các tấm chắn nắng phía trước và dọc hai bên hông của Hemisfèric lúc mở ra đón ánh sáng
Cấu trúc mái vòm vỏ sò ôm lấy và che phủ một cấu trúc nhỏ hơn bên trong được gọi là cung thiên văn (Planetarium),  trông như con ngươi bên trong tròng mắt
Hình ảnh con mắt được nhìn thấy rõ nhất khi toàn bộ kiến trúc được phản chiếu xuống mặt hồ vào ban đêm
Hemisfèric lung linh, rực rỡ dưới ánh đèn đêm

Tháng 4-1998, khu phức hợp mở cửa cho công chúng tham quan phần khu Hemisfèric. 11 tháng sau, Tổng thống Tây Ban Nha Eduardo Zaplana khánh thành Viện bảo tàng khoa học Príncipe Felipe dù công trình này vẫn chưa hoàn tất. Phải mất 20 tháng sau đó bảo tàng mới được chính thức mở cửa cho công chúng.

Đến ngày 12-12-2002, khu Oceanográfico khai trương, trở thành viện hải dương học lớn nhất châu Âu. Lâu đài nghệ thuật Queen Sofia, dù được dự trù trở thành “đại bản doanh” thư viện phim ảnh của Valencian, nhưng sau đó lại là một trong những nhà hát opera có cấu trúc xây dựng lớn nhất thế giới được hoàn thành vào tháng 8-2005, hoàn thiện phần cuối cùng trong chuỗi quy mô của cả thành phố nghệ thuật và khoa học.

Chi tiết kết cấu

* Khu Hemisfèric

Khu Hemisfèric này còn được biết đến với tên gọi “Con mắt của tri thức” (Eye of Knowledge). Với tổng diện tích hơn 13.000m2, đây là cụm rạp chiếu phim công nghệ Imax 3D và là khu trình chiếu các tác phẩm kỹ thuật số hiện đại hoành tráng nhất Tây Ban Nha. Cả cấu trúc bên ngoài ôm lấy và che phủ một cấu trúc nhỏ hơn bên trong được gọi là cung thiên văn (Planetarium), vốn là rạp hát Omnimax. Nhìn từ xa, mái vòm với cấu trúc thép vỏ sò cong hình êlip bao bọc lấy khối tròn nhỏ bên trong trông như một con mắt với con ngươi.

Sảnh chính bên trong của Hemisfèric
Toàn cảnh khu Umbracle
Mái vòm cong nghệ thuật của khu Umbracle
Thơ mộng dưới ánh trăng đêm
Khu vườn bên của khu Umbracle
Cấu trúc phức tạp nhưng tạo được sự đối xứng mạnh mẽ

Hemisfèric được xây dựng với chiều cao thấp hơn những công trình khác lân cận nhằm tránh ảnh hưởng đến tầm nhìn chung của cả cụm. Mái hiên phía trước được thiết kể như hai hốc mắt, có thể đóng mở lên xuống. Không những thế, tấm chắn nắng dọc hai bên tòa nhà cũng có thể điều khiển đóng mở tùy theo thời gian trong ngày và thời tiết bên ngoài. Có thể nói cả công trình cơ động này là thiết kế kiểu mẫu theo đúng phong cách “kiến trúc động ảo”, một trào lưu kiến trúc hậu hiện đại cuối thế kỷ 20 do chính Calatrava đề xướng.

* Khu Umbracle

Nơi đây được xem là khu vực dành cho khách bộ hành ngắm cảnh và nghỉ chân. Đó là một dãy mái vòm gồm 55 nhịp cuốn cố định và 54 nhịp cuốn nổi cao hơn nằm xen kẽ với thiết kế lượn cong độc đáo cao hơn 18m, che phủ cả khu vườn bên dưới. Khu vườn tuyệt đẹp, ấn tượng với đa dạng chủng loại và các cuộc triển lãm cây cảnh nơi đây luôn là một điểm thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách.

Họa tiết trang trí lạ mắt, ấn tượng bên dưới mái vòm khu Umbracle

Khi vừa bước qua cổng vòm của Umbracle, bạn sẽ ngạc nhiên với những hàng cọ sáng lấp lánh dưới những chùm đèn vàng cách điệu. Sâu bên trong là hơn 100 chủng loại cây, hoa quý vốn được ươm trồng và chăm sóc bởi những nghệ nhân điêu luyện. Còn có chín tác phẩm điêu khắc ngoài trời của các nghệ nhân đương đại được trưng bày đây đó trong khu vườn.

* Viện bảo tàng khoa học Príncipe Felipe

Rộng hơn 41.000m2 với ba tầng, viện bảo tàng có cấu trúc bên ngoài mô phỏng theo một bộ xương khủng long thời tiền sử nằm theo chiều dọc. Sự lặp lại của những thanh trụ nằm ngang chạy dọc suốt cả chiều dài của bảo tàng tạo nên một ấn tượng kiến trúc độc đáo. Đó là sự đối xứng lệch được nối chặt chẽ bởi những kết cấu tam giác góc cạnh mạnh mẽ, dứt khoát. Kết cấu khung bêtông sơn trắng ở mặt phía nam được gắn kính, mặt phía bắc cũng được ốp kính cộng thêm dàn khung thép tạo thành một tấm màn chạy suốt chiều dài của tòa nhà. Bảo tàng rộng 104m và dài 241m.

Toàn cảnh Viện bảo tàng khoa học Príncipe Felipe, với mô phỏng theo bộ xương của loài khủng long thời tiền sử

Bên trong Viện bảo tàng Príncipe Felipe

Sảnh chính bên trong của bảo tàng với chiều cao 40m là một kiến trúc mang phong cách nhà thờ kiểu Gothic. Viện bảo tàng khoa học Príncipe Felipe là trung tâm trưng bày các phát minh khoa học đa dạng mang tính tương tác hiện đại nhất châu Âu, bao gồm khoa học vũ trụ, khoa học nghiên cứu sự thay đổi khí hậu, khoa học nghiên cứu cơ thể con người và sinh trắc học.

* Bảo tàng hải dương học Oceanográfico

Đây là công viên hải dương học lớn nhất châu Âu quy tụ hơn 45.000 sinh vật thuộc hơn 500 chủng loài thủy sinh với tổng diện tích trưng bày lên đến 110.000m2, có thể chứa được hơn 42 triệu lít nước. Cấu trúc bên ngoài của Oceanográfico được thiết kế với hình dáng một hoa huệ biển và tác phẩm của riêng kiến trúc sư Félix Candela.

Cổng trước và sau của công viên hải dương học Oceanográfico

Tất cả động vật thủy sinh thuộc lớp hữu nhũ, chim, bò sát và cả loài không xương sống được trưng bày trong cả thảy chín bể lớn. Mỗi bể được chia thành hai lớp đại diện cho các hệ sinh thái chính trên hành tinh.

Công viên hải dương này được chia thành 10 khu vực. Các khu sinh vật biển bao gồm khu Địa Trung Hải, khu biển địa cực, khu biển đảo, khu biển nhiệt đới, khu biển ôn đới và khu Hồng Hải. Công viên còn bao gồm cả khu vực cá heo, khu đầm lầy đước, đầm lầy cát và một khu vườn với hơn 80 chủng loài thực vật.

Đây là công viên hải dương học lớn nhất châu Âu quy tụ hơn 45.000 sinh vật thuộc hơn 500 chủng loài thủy sinh với tổng diện tích trưng bày lên đến 110.000m2, có thể chứa được hơn 42 triệu lít nước

* Lâu đài nghệ thuật Queen Sofia

Đây vừa là một đại hí viện vừa là trung tâm văn hóa của Valencia. Toàn bộ công trình này ngốn hết 165 triệu USD và trở thành một trong những nhà hát có công trình kiến trúc lớn nhất thế giới.

Lâu đài nghệ thuật Queen Sofia

Toàn bộ dự án đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi cũng như gây nên nhiều cuộc tranh cãi.

Cả thành phố nghệ thuật và khoa học ở Valencia được xem là một đại công trình của các vị pharaoh vĩ đại. Tất cả đều là những thành tựu khoa học và nghệ thuật kỹ thuật số đỉnh cao, tạo nên một kiệt tác thỏa mãn sự hiếu kỳ cũng như nhu cầu giải trí của du khách ở tất cả lĩnh vực về văn hóa, nghệ thuật và khoa học kỹ thuật đến nhiều thế kỷ sau. Đây là một biểu tượng chứa đựng hình ảnh tương lai của cả nhân loại: một thành phố hiện đại trong lòng một thành phố cổ.

(Theo BẠCH NGỌC (Tổng hợp từ Archinform, Arcspace và CAC) // Báo xây dựng )

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Tĩnh lặng Brunei
  • 7 tàn tích dưới nước lừng danh nhất thế giới?
  • Những gương mặt khổng lồ trên núi đá
  • Những khu vực bí ẩn trên thế giới
  • Ghé thăm những hòn đảo của Hy Lạp
  • 10 lâu đài và cung điện hoành tráng nhất thế giới
  • Thăm bảo tàng ở Washington DC
  • Những thiên đường cho tình nhân
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com