Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bà Rịa-Vũng Tàu, quen mà lạ

Khi chị bạn gợi ý đi Vũng Tàu vào hai ngày cuối tuần, thực lòng tôi không thấy hào hứng lắm bởi tôi đã đến đó hàng chục lần. Nhưng sau chuyến đi, tôi đã thay đổi suy nghĩ. Bà Rịa - Vũng Tàu và có lẽ những nơi khác cũng vậy, rất quen thuộc đấy nhưng vẫn còn nhiều điều lạ lẫm để khám phá nếu không bị sức ỳ tâm lý.

Vào những ngày cuối tuần, du khách đến suối Đá thư giãn trong khung cảnh thiên nhiên. Ảnh: Minh Tâm

Để có thể tạt ngang tạt ngửa bất kỳ đâu cho thỏa cái thú ngang dọc, chúng tôi dùng xe máy và đi tắt qua phà Cát Lái, sang Nhơn Trạch (Đồng Nai). Tuyến đường qua huyện Nhơn Trạch đẹp và dễ đi, xe bon bon chạy trên mặt đường nhựa rộng, phẳng lì chứ không còn ổ gà, ổ trâu như dạo trước. Hai bên đường,  nhiều ngôi nhà mới mọc lên san sát, còn cả những cánh rừng cao su mát mắt…

Ra quốc lộ 51, chạy thêm hơn 40 cây số, chúng tôi ghé điểm dừng đầu tiên là Suối đá. Từng đến Suối đá đã lâu, chị bạn tôi chỉ còn nhớ mang máng đường rẽ từ quốc lộ vào là phải đi qua một nhà thờ. Qua ba lần hỏi thăm, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến đúng chỗ: đi qua giáo xứ Chu Hải, đi thêm chừng 2 cây số là đến con suối.

Suối Đá thuộc địa bàn thôn Chu Hải, xã Tân Hải, huyện Tân Thành. Đúng như tên gọi, dọc con suối ngổn ngang toàn đá với đá. Theo lời người dân địa phương, con suối đổ xuống từ đỉnh núi Dinh xuống chân núi có ít nhất năm chỗ tạo thành hồ nước với những tảng đá lớn phẳng lì. Đó chính là những điểm hấp dẫn du khách tìm đến du ngoạn, nhiều nhất là các bạn trẻ đến để tắm suối và chơi các trò mạo hiểm.

Bữa đó tôi đã rất hào hứng với màn canh me chụp hình mấy cô cậu tuổi "teen" đua nhau nhảy từ vách đá xuống suối; có cô bé còn tự tin lộn nhào hai vòng trên không trung trước khi xuống nước, y như các vận động viên nhảy cầu thường thấy trên ti vi.

Ở mỗi hồ, đều có hàng quán của người địa phương dựng lên để phục vụ du khách. Bạn có thể tìm thấy cà phê, các loại nước giải khát, mỳ gói và cả món gà nấu cháo, bóp gỏi… Sau khi thỏa sức vẫy vùng trong dòng suối mát lạnh, chỉ cần một tô mỳ gói “không người lái”, chẳng hành cũng chẳng thịt bò như thường được ăn ở nhà, chúng tôi vẫn hào hứng sì sụp và thấy ngon miệng lạ lùng.

Rừng đước, thuyền bè nhìn từ cầu Long Sơn. Ảnh: Minh Tâm

Hôm ấy, chúng tôi xuất phát từ thành phố khá trễ, lại gặp cơn mưa đổ xuống bất chợt nên chúng tôi không đủ thời gian leo ngược lên con suối để chơi ở cả năm hồ nước. Những người từng nhiều lần đến đây nói rằng, nên đến đây chừng  9 - 10 giờ sáng, tắm suối một đợt rồi nghỉ ngơi xong thì men theo dọc bờ suối, leo đá mà lên với những trảng rừng trúc, rừng cây mút mắt phía trên. Đến khi gần tắt nắng thì rút nhanh xuống để quay về; quanh khu vực Suối Đá, không có chỗ nghỉ trọ qua đêm.

Chơi suối xong, chúng tôi lên đường thẳng hướng đi Long Sơn, một xã đảo của thành phố Vũng Tàu.  nằm cạnh huyện Tân Thành, cách thị xã Bà Rịa 9km đường bộ. Long Sơn vốn là một đảo nhỏ gần bờ nên đã được nối với đất liền bằng cây cầu bê tông. Khi đi qua cây cầu này, chúng tôi đã dừng lại giữa cầu, lôi máy ảnh ra và bấm liên tục cảnh trời nước bao la, rừng đước bạt ngàn khoe những bộ rễ tua tủa khi thủy triều rút, cảnh người dân địa phương ngược xuôi cuối ngày và cũng để hít cho thỏa “hương biển” nồng nàn.

Khu nhà ông Trần, người có công khai phá Long Sơn với những ngôi nhà gỗ dài, lợp ngói đã có vài trăm năm. Ảnh: Minh Tâm

Chị bạn tôi kể, khoảng 7-7 năm trước chị từng đến Long Sơn, mọi thứ còn hoang sơ, đường sá khó đi, nếu so với bây giờ thì mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Nhưng đối với những người lần đầu đến đây như chúng tôi thì vẫn có cảm giác không khác mấy. Chúng tôi chạy dọc con đường lộ chính, nối từ Bến Điệp xuống nhà ông Trần trong gió mát ào ạt, trong không gian bình yên, qua những ngôi nhà khiêm tốn thấp thoáng giữa những vườn cây xanh mát hai bên đường.

Điều tôi ấn tượng nhất là khu nhà ông Trần, người có công khai phá đất này, với những nhà lớn, nhà dài, chợ… bằng gỗ, thấp, lợp ngói, chứng tích của một thời chưa quá xa. Không phải mùa lễ hội nên không có khách du lịch tham quan, chỉ có những người dân sống trong khu vực ra ngồi hóng mát. Một chú tốt bụng đã ra bật đèn của khu nhà để cho chúng tôi chụp hình và dặn, nhớ chụp thật đẹp, đưa lên mạng, giới thiệu về nhà ông Trần cho nhiều người biết.

Rời Long Sơn khi trời đã nhập nhoạng, chúng tôi tiếc là ở đây không có nhà nghỉ, khách sạn để có thể ở lại và khám phá tiếp con đường quanh đầm thơ mộng hay tìm hiểu thêm về nhà ông Trần hoặc khu bè nổi làng Hàu. Dọc đường chỉ có một vài khu du lịch sinh thái, có lẽ chỉ phục vụ khách nhàn du vào ban ngày. Quả đúng như lời anh giữ xe bên Suối đá đã nhắc nhở khi nghe chúng tôi có ý định đi Long Sơn là, đi sang đó ăn uống hải sản nhưng nhớ ra sơm sớm để còn xuống Bà Rịa hay Vũng Tàu mà tìm chỗ ngủ.

Đang hào hứng, chúng tôi phi thẳng xuống Vũng Tàu, thay vì vào Bà Rịa như ý định ban đầu dù bụng dạ đã cồn cào. Chạy xe ban đêm trên con đường thênh thang, lộng gió, quả là một cảm giác tuyệt vời. Thành phố biển tấp nập, đông đúc khách du lịch. Đông đến nỗi chúng tôi không thể tìm một chỗ và không đủ sức đợi đến lượt ở quán bánh khọt “Gốc cây vú sữa”. Chị bạn tôi đề nghị chuyển sang ăn thịt nướng ở đường Ba Cu (theo trí nhớ) nhưng tìm hoài không thấy nên cuối cùng phải về ăn tại một quán nhậu gần nhà nghỉ.

Dọc khu Bến Đá, Lò Than, người dân làm khô cá và phơi những rành cá bên đường. Ảnh: Minh Tâm

Nói chuyện ăn ở Vũng Tàu thì thấy rất không thích vì chỗ ngon thì ít nên quá đông, còn những chỗ không đông thì kém ngon và mắc hơn mức bình thường. Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm, nhưng vẫn không có cơ hội thưởng thức món bánh khọt ở cái quán được khen là ngon nhất Vũng Tàu vì không có chỗ ngồi. Thế là đành chuyển sang một quán khác ít tên tuổi, ít người hơn.

Ăn sáng xong, chúng tôi đến bãi Dâu. Khác với khung cảnh sầm uất ở bãi Dưới, bãi Thùy Vân…, bãi Dâu vắng vẻ và yên tĩnh với những quán cà phê ghế bố nằm xen giữa những nhà hàng sang trọng ven biển, với những con dốc thoai thoải phía ngược lại dẫn lên những ngôi nhà người dân địa phương.

Biển xanh, sóng vồ ì oạp vào ghềnh đá. Chúng tôi cứ chạy mãi rồi dừng lại ở khu vực phường 5, nơi có những cảng cá mang tên Bến Đá, Lò Than… thuyền bè tấp nập và con đường được tận dụng làm sân phơi cá khô. Những rành cá đều tăm tắp, thành quả của những ngày lênh đênh trên biển của ngư dân, trông thật bắt mắt dưới nắng hè.

Biển Vũng Tàu, nhìn từ ngọn hải đăng trên núi Nhỏ. Ảnh: Minh Tâm

Nói chuyện về cá, về biển với những người dân, cũng là điều thú vị với một người đồng bằng như tôi. Tàu đi bao nhiêu ngày thì về? con cá dài dài, to to là cá gì?... Nếu thích, từ những cảng cá ở khu vực này, bạn có thể đi vòng vòng một số điểm bằng đò chèo bằng hai chân của người địa phương. Giá cả sẽ được hai bên thỏa thuân, tùy vào quãng đường đi. Bạn cũng có thể mua hải sản tươi sống, các loại khô về làm quà cho người thân sau chuyến rong chơi trở về.

Trở lại trung tâm thành phố, chúng tôi chạy thẳng lên ngọn hải đăng trên núi. Con đường vòng vèo bám sườn núi lên ngọn đèn biển đã được sửa sang nên khá dễ đi. Trả 10.000 đồng, tôi leo mấy chục bậc cầu thang xoắn ốc lên đỉnh của ngọn đèn và hét tướng sung sướng trước không gian bao la trước mặt. Nhìn xuống, góc này là những tòa nhà nhấp nhô, chen chúc, bên ngoài kia bờ biển uốn lượn và xa xa biển xanh thăm thẳm một màu với những vệt sóng trắng xóa sau đuôi những con tàu xuôi ngược...

(thesaigontimes)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Đến Cà Ná - nghe tiếng gọi của biển
  • Về Óc Eo thăm chùa Phật Bốn Tay
  • Đến Hà Tiên, chơi biển Mũi Nai
  • Du lịch cùng mưa Huế
  • Xóm cầu Mương Chà
  • Di tích hay phế tích?
  • Một ngày ra đảo yến
  • Nỗi nhớ dưới ngàn thông
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com