Kinh xáng Xà No là tuyến đường thủy hết sức quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế miền Hậu Giang. Ảnh: Mai Lý |
Theo quốc lộ 1A, từ thành phố Cần Thơ đi về phía nam chừng 15km, đến ngã ba Cái Tắc rẽ phải, du khách sẽ vào địa phận tỉnh Hậu Giang. Đi thêm 45km theo tỉnh lộ 61 ta sẽ tới thị xã Vị Thanh, đây là tỉnh lỵ của Hậu Giang mới thành lập năm 2000. Từ TPHCM, du khách có thể đi thẳng về Vị Thanh (240km) bằng xe khách của nhiều hãng tốc hành, khá thuận tiện, an toàn.
Đến Hậu Giang, sau khi tham quan những di tích, thắng cảnh như chợ nổi Ngã Bảy, lung Ngọc Hoàng (Phụng Hiệp), di tích chiến thắng Tầm Vu (Châu Thành A)... du khách về thị xã Vị Thanh dạo chơi, ngắm nhìn dòng kinh Xà No thơ mộng, dập dìu tàu, ghe xuôi ngược.
Công viên bờ kè kinh xáng Xà No chạy dọc theo đường Trần Hưng Đạo, khu vực trung tâm của thị xã với rất nhiều cây xanh như cau đỏ Java, dừa kiểng Philippines, hoa ban, hoàng hậu, liễu đỏ, bằng lăng ... tạo nên những mảng xanh dịu mát.
Theo nhà văn Sơn Nam, trong sách “Lịch sử khẩn hoang Nam bộ” thì kinh xáng Xà No có một lịch sử khá lâu đời và hấp dẫn. Con kinh nầy được đào do sáng kiến của hai đại điền chủ người Pháp là Duval và Guéry. Năm 1900, hai nhân vật này đã vận động toàn quyền Paul Doumer cho đào kinh Xà No để tạo thuận tiện cho việc làm ăn của họ.
Kinh xáng Xà No bắt nguồn từ Sóc Xà No (theo tiếng Khmer là “Srock Snor”, tức là xóm có cây điên điển) nằm bên bờ sông Cần Thơ, nay là ngã ba Vàm xáng Phong Điền. Kinh dài khoảng 40 km ăn thông ra sông Cái Tư là một nhánh nhỏ của sông Cái Lớn, tức là ngay bến chợ Hỏa Lựu cũ, nay thuộc địa phận phường 7, thị xã Vị Thanh.
Con kinh dài thẳng tắp như kẻ chỉ được thi công từ hơn 100 năm trước đây. Ảnh: Mai Lý |
Kinh Xà No thi công bằng xáng múc. Các gàu thiết kế theo vòng tròn như xe quạt nước. Máy có sức mạnh 3.500 mã lực, vận hành bằng hơi nước qua nồi sốt-de đốt bằng củi. Người ta kể lại rằng lúc xáng thổi bùn lên bờ, có rất nhiều người dân chạy theo dùng thúng hứng, lược bùn để kiếm vàng, nhưng chỉ gặp... xương người và xương thú!
Kinh Xà No khởi công từ năm 1901, hai năm sau thì hoàn thành. Hồi ấy, bề rộng con kinh tới 60 mét, đáy rộng 40 mét. Phí tổn công trình trên 3,6 triệu quan Pháp. Buổi lễ khánh thành kinh Xà No có cả Toàn quyền Đông Dương tới dự và có tổ chức dạ vũ linh đình.
Về đêm, khách nhàn du thường dạo chơi hóng gió dọc bờ kênh và ghé đến khu nhà lồng chợ Vị Thanh. Công viên dọc theo bờ kè có một vườn tượng với hàng chục tác phẩm điêu khắc bằng đá trắng của nhiều điêu khắc gia. Đi bộ lên cây cầu bắc con kinh, ngắm nhìn dòng nước chạy dài tít tắp, thẳng băng như thước kẻ, có thể bạn sẽ thoáng ngạc nhiên về khả năng điều hành thi công của các kỹ sư người Pháp thời ấy.
Hồ sen trong trung tâm thị xã Vị Thanh. Ảnh: Mai Lý |
Kinh xáng Xà No cũng là nơi tổ chức đua ghe ngo vào những dịp lễ hội. Du khách sẽ chứng kiến những cuộc thi tài quyết liệt của những đội ghe ngo danh tiếng đến từ khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hai bên bờ kinh chật ních người, các cổ động viên liên tục vỗ tay reo hò náo nhiệt cả một đoạn kinh dài hàng cây số. Một đoạn kinh xáng Xà No như bừng lên “dậy sóng”. Đua ghe ngo là một môn thể thao mang đặc trưng văn hóa dân gian Khmer vùng đồng bằng Nam bộ.
Trong lòng thị xã Vị Thanh còn có công viên Hồ Sen, rộng chừng một héc ta, trồng toàn sen. Giữa hồ sen có một hòn đảo nối vào bờ bằng chiếc cầu vồng. Trên nền hòn đảo này có một nhà mát, thỉnh thoảng được dùng làm nơi biễu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng. Khán giả ngồi trong chiếc sân gạch rộng, chứa khoảng 1.000 người. Trên bờ hồ là nhà Bảo tàng, trưng bày, giới thiệu lịch sử hình thành và những thành quả xây dựng của tỉnh.
Đến Hậu Giang, quê hương của những cánh đồng bao la trĩu hạt, với những dòng kinh tấp nập xuồng ghe, người dân chân tình và hiếu khách, du khách sẽ có những cảm xúc nhẹ nhàng, yên ả nhưng sâu lắng, khó quên.
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com