Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

"Biển" trên cao nguyên

Bến thuyền du lịch dạo chơi Biển Hồ Pleiku. Ảnh: Hoàng Thám

Giữa bạt ngàn những dãy đồi, núi chập chùng trên cao nguyên, Biển Hồ là một hồ nước ngọt nằm ở phía bắc thành phố Pleiku, tỉnh lỵ Gia Lai, ở độ cao hơn 900 mét so với mặt nước biển với diện tích 230 héc ta. Người Tây nguyên gọi đó là T' Nưng - hoặc Ea Nueng, có nghĩa là "biển trên núi".

Nếu có dịp rong ruổi trên tuyến đường dọc Trường Sơn huyền thoại hay viếng thăm phố núi mù sương, du khách không nên bỏ qua danh thắng độc đáo này. Từ Pleiku, theo quốc lộ 14 đi Kon Tum chừng 7 km, rẽ về tay phải thêm 3 km sẽ đến Biển Hồ. Đây vốn là một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng trăm triệu năm qua; bờ hồ có kiến tạo gần như thẳng đứng với vách đá ba-dan ngày nay đã bị phong hóa.

Cũng như nhiều danh thắng khác thường có những chuyện kể về nguồn gốc, sự tích được truyền khẩu trong dân gian, người Gia Rai và các dân tộc ở Tây nguyên cũng có nhiều truyền thuyết khác nhau về Biển Hồ. Người Kinh sống trên cao nguyên này còn cho rằng Biển Hồ rất sâu và còn có chỗ thông ra tận biển Đông (?!!). Có câu chuyện bịa rất tếu là có người đã thả một trái bưởi xuống Biển Hồ và sau đó tìm thấy nó nổi lềnh bềnh trên bờ biển Quy Nhơn!!!. Lại có người đùa rằng, những người khai thác gỗ rừng ở Gia Lai chỉ cần thả những súc gỗ cây xuống Biển Hồ và hôm sau xuống cảng biển Quy Nhơn, là có thể vớt gỗ lên bán...

Vào mùa mưa ở cao nguyên, có rất nhiều con suối đổ về hồ làm cho nước hồ dâng lên rất nhanh, mặt hồ bát ngát, mênh mông. Có một số các buôn làng của người Ba Na, Gia Rai sống bằng nghề đánh bắt cá trên hồ. Ðây là nguồn cá nước ngọt, cung cấp cho thành phố Pleiku hàng trăm tấn cá mỗi năm.

Dạo biển, ngắm rừng

Con đường nhựa nhỏ dẫn xuống lòng hồ uốn lượn giữa những rặng thông xanh ngát, gió reo vi vu. Cuối dốc, có một ngôi nhà mát khá đẹp, mô phỏng kiểu nhà sàn, chung quanh có hành lang bao bọc, nơi đây dành cho du khách hóng gió, chụp ảnh lưu niệm và ngắm cảnh. Bước qua những bậc tam cấp, lên tầng trên, du khách sẽ nhìn thấy bốn bề mênh mang sơn thủy hữu tình.

Nước Biển Hồ xanh biếc. Những nương rẫy ven hồ như ô bàn cờ xen lẫn với những cánh rừng xanh ngút bàng bạc chút khói sương trông thật thanh bình và lãng mạn! Du khách có thể theo đường mòn từ trên đồi, len qua những lùm cây bụi xuống sát mé hồ để dạo chơi.

Mặt nước hồ T'Nưng xanh biếc màu ngọc bích. Ảnh: Hoàng Thám

Trong ánh nắng ban mai vàng tươi, ấm áp, tiếng chim hót líu lo, thánh thót trên những ngọn cây bằng lăng, long não, sung rừng, trâm, mét, gáo vàng, dầu lông… Những loài hoa rừng hoang dại như lan, trâm ổi, dã quỳ, pơ-lang, mộc miên cũng e ấp khoe sắc hương trong làn gió còn hơi sương man mác của núi rừng cao nguyên. Tô điểm cho màu xanh trong rừng cây, những đàn bướm đủ sắc màu bay chập chờn ven những khe suối nhỏ.

Du khách có thể thuê thuyền máy dạo chơi trong lòng hồ. Mỗi người chỉ trả 30.000 đồng, đi trên tàu nhỏ có mui che, trang bị đầy đủ áo phao và phao cứu sinh. Trước thiên nhiên bao la, hùng vĩ, khách nhàn du sẽ tạm thời quên đi những lo toan, mệt nhọc của cuộc sống ồn ào, náo nhiệt. Chỉ còn lại trời, mây, non, nước cùng tiếng gió thổi, chim ca…

Viếng thăm buôn làng người Gia Rai sống ven bờ Biển Hồ. Ảnh: Hoàng Thám

Ghé thăm các buôn làng của người dân tộc sống ven hồ, du khách sẽ có dịp khám phá đời sống, sinh hoạt, tập quán của bà con Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng. Nếu gặp dịp có những ngày hội như mừng lúa mới, tạ ơn Giàng, lễ bỏ mả... du khách sẽ được thưởng thức những điệu múa sinh động với lời ca cao vút mang âm hưởng của núi rừng Tây nguyên. Các sơn nữ Gia Lai duyên dáng, hồn nhiên hơi nhút nhát nhưng cũng dễ hòa đồng nếu như khách tỏ ra cởi mở, thân thiện với họ.

Biển Hồ được ví như viên ngọc bích của Tây nguyên và là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn ở Gia Lai. Danh thắng này còn nguyên vẹn nét hoang sơ do được quản lý tốt. Các ngành chức năng đã từ chối những dự án đầu tư có nguy cơ xâm hại môi trường như nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi… bởi Biển Hồ là nơi cung cấp nước sạch cho toàn thành phố Pleiku và vùng phụ cận.

Đặc sản cao nguyên

Tây nguyên với nhiều dân tộc anh em chung sống từ rất lâu đời nên văn hóa ẩm thực rất đa dạng và có bản sắc riêng.

Heo núi nướng là món ăn độc đáo của Tây nguyên. Đó là giống heo nuôi thả rong trong buôn làng của bà con dân tộc Ba Na, Gia Rai. Gần như chúng tự tìm thức ăn trong thiên nhiên như rau, quả, củ, thường có trọng lượng từ 5kg đến 15kg/con. Có lẽ do vận động nhiều, không kém loài heo rừng trong môi trường hoang dã nên thịt chúng rất săn chắc, hầu như toàn nạc, không có mỡ như heo nuôi chuồng ở đồng bằng.

Sau khi mổ heo, người ta treo lên móc một lát rồi dùng khăn, giấy thấm khô mình con heo, không rửa bằng nước, bởi nếu rửa bằng nước thịt sẽ nhão, không săn chắc và mất vị ngon. Dùng cây xâm vào da trước khi nhồi lá sả và ướp các gia vị khác như riềng, tỏi cho thấm vào thịt. Sau đó, dùng cây tre xuyên từ mõm tới đuôi để quay nướng trên bếp than hồng, vừa quay vừa dùng mật và các loại gia vị phết lên mình con heo để cho da giòn và khỏi nứt.

Heo nuôi thả trong buôn làng người dân tộc Tây nguyên nướng lên ngon không khác gì heo rừng tự nhiên. Ảnh: Hoàng Thám

Cũng có thể để trên vỉ nướng và xoay trở thường xuyên. Dùng que sắt nhỏ châm vào thịt heo nướng, thấy rỉ ra nước màu sẫm là thịt đã chín, mùi thơm toả nghi ngút. Thịt heo nướng ngon là khi thịt vừa chín tới, da bì vàng rộm, nổi cốm. Lúc gần chín, mỡ heo và nước nhỏ xuống bếp than hồng bốc khói thơm mù mịt, khiến khách phải tém miệng, mím môi.

Thịt heo nướng ăn nóng kèm với ít rau như dấp cá, húng dủi, sà lách, dưa leo, khế chua, chuối chát, dùng với nước chấm như hắc xì dầu, nước tương, nước chấm giả cầy, mắm nêm trộn khóm bằm được pha chế vừa ăn, rất độc đáo và ngon tuyệt. Ở các nhà hàng, giá nguyên con nướng chín từ 900.000 đồng đến 1.200.000 đồng với heo từ 6kg đến 10kg.

Đến với Tây nguyên, du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn lạ miệng như các loại cơm lam, rượu cần, xôi lá, cá lăng, cá lúi, cháo cu cườm, gà rô nướng mật ong, gà lôi hầm măng le…

(Theo Hoàng Thám // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Xem cá Thần ở suối Lương Ngọc
  • 10 ảnh thiên nhiên Việt Nam ấn tượng
  • Vẻ đẹp Kiên Giang
  • Bãi biển đẹp của Việt Nam
  • Khăn Piêu Thái
  • Một chút Hội An giữa Sài Gòn
  • “Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị”
  • Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Cát Bà- Bí ẩn, kỳ thú
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com