Chúng tôi đến Pleiku trời vừa tối. Phố núi hôm nay lộng lẫy quá, đèn giăng khắp nơi, những kiến trúc vượt tầng trời... nhưng đi loanh quanh mãi vẫn không tìm lại được cái cảm giác rong chơi “phố núi cao, phố núi đầy sương, phố núi cây xanh trời thấp thật buồn, anh khách lạ đi lên đi xuống..." (*).
Phố núi đổi thay nhiều quá, hào nhoáng quá đối với ký ức về Pleiku của một người ở xa trở lại thăm sau hơn ba mươi năm đằng đẵng. Bụng đói, chúng tôi tìm một nơi ăn tối. Cái lạ ở Pleiku là mì phải gọi là bún mới đúng vì trắng nhách và sợi nhỏ; còn mì quảng thì lại giống bánh đa. Nhưng khi đói thì món gì cũng xơi được.
Sực nhớ cái khu chợ trời và khách sạn Thanh Bình thuở trước, đi mòn gót vẫn không còn thấy chút bóng dáng nào nữa. Đành ôm theo câu hát “may mà có em, đời còn dễ thương" để chìm dần vào giấc ngủ.
Sáng dậy sớm, nhoáng nhoàng thăm Biển Hồ rồi đi Kontum. Ghé buôn Kôn Ba Rang (xã Vinh Quang) chụp một lô hình và tạt vào nhà thờ gỗ xăm xoi nhìn vẻ kiến trúc lạ, đẹp, rồi kéo nhau lên huyện Ngọc Hồi để kịp hôm sau vào Trường Sơn, như dự định. Đêm đó, chúng tôi nghỉ tại khách sạn Đông Dương ở thị trấn Ngọc Hồi (còn gọi là Plei Kần). Thị trấn nhỏ, song khá sầm uất, bán buôn tấp nập, con đường chính băng qua phố cũng được xây thành con lươn, trồng hoa và nhiều loại cây. Cũng như các thị trấn khác ở đồng bằng, ở đây đầy dẫy các quán cà phê, karaoke và linh tinh những nhà hàng, quán nhậu, tiệm ăn đủ kiểu.
Biển Hồ Pleiku. Ảnh: Phạm Mạnh Anh |
Trời lắc rắc mưa suốt đêm. Mưa cao nguyên với những cơn gió ào ào, phơn phót lạnh. Khi ra đi, trời vẫn còn mưa, liệu đến Trường Sơn mưa có ngớt. Ngọc Hồi vừa nao nao thức dậy, uể oải chưa muốn trút khỏi chăn, mặc, đường Trường Sơn ta phải đi cho biết.
Mang mang suốt dọc đường, có anh hát lên nho nhỏ: "... Anh lên xe, trời đổ cơn mưa Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ Em xuống núi nắng về rực rỡ Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư... Như tình yêu nối lời vô tận Đông Trường Sơn, nối tây Trường Sơn...". Riêng tôi chỉ chú ý tìm con sông Pô Ko mà nghe đồn có cái dây cáp treo được dùng làm phương tiện giao thông của người dân địa phương. Tôi muốn đến tận nơi, nhìn tận mắt để chia xẻ bằng sự cảm nhận nỗi lo âu, khắc khoải của bà con nơi đây, khi hằng ngày người ta vẫn phải cắn chặt răng buộc xe, gồng gánh và đìu cõng nhau bám lấy sợi dây cáp để qua sông ra chợ, lên nương rẫy hay các cháu bé đến trường.
Đường Trường Sơn ngoằn ngoèo như xoắn ốc, càng lên cao càng hẹp. Địa danh dọc đường Trường Sơn có nhiều cái tên rất ngộ nghĩnh như đèo Lò Xo, Prôm, P’Rao (tức thị trấn Hiên), và linh tinh những gỉ những gì, nghe lao xao như tiếng người Ba Na, Ko Ho, M’nông vậy.
Rải rác trên Trường Sơn có rất nhiều nghĩa trang, là nơi yên nghỉ của các liệt sĩ và người dân địa phương. Giữa ban ngày ban mặt mà vẫn nghe âm u, váng vất âm khí. Một anh bạn cùng đi có bố chết đâu đây giữa những ngày bom đạn chiến tranh, quay quắt, nóng lòng muốn thắp cho người quá vãng một nén hương tưởng niệm, nhưng bao la rừng núi, chẳng biết dấu vết ở đâu. Cuối cùng, anh lạo nhạo dạt đại vào một nghĩa trang bên đường, đốt luôn mấy bó nhang, gọi là sưởi ấm những nấm mồ xa lạ mà thấy cũng như quen.
Trời Trường Sơn vẫn mưa, khí núi, sương mù đùn giăng khắp vùng, người lái xe mệt nhoài mà không dám thả lỏng tầm nhìn. Bởi vì đường quanh co mà vực sát ràn rạt bên xe, chỉ một chút lơ đễnh thôi là tai họa ập tới ngay.
Bao la trùng trùng, rặng Trường Sơn úp lên nhau lớp lớp. Con đường vòng vèo uốn lượn như giải khăn lụa vắt qua những đồi, những núi, trông mơ mơ, như thực như hư. Vẳng bên tai, những cái tên Charlie, A Sao, A Lưới... nồng mùi thuốc súng hôm nao. Cả nhóm chúng tôi háo hức chỉ trỏ đoán phía này, phía kia, ở đó, ở đây, mà ngờ ngờ nghệch nghệch chẳng biết ai sai, ai đúng.
Cầu Thác Nước trên đèo Lò Xo. Ảnh: Phạm Mạnh Anh |
Dọc dài đường Trường Sơn chưa thấy đâu là xóm làng dân cư, lâu thật lâu may ra mới có một chòm xóm tụ tập quanh một thị trấn mà ai cũng khát khao lao vào việc đãi vàng hay phá rừng lấy gỗ, làm rẫy... Chẳng hề thấy bóng dáng chiếc xe khách nào, xe tải cũng vắng thưa. Có lẽ vì đường dốc dựng, hao xăng, nguy hiểm, người lái rất căng thẳng thần kinh. Chưa kể thỉnh thoảng lại gặp chỗ sụt lún, đá lăn nguy hiểm rập rình.
Đến cửa khẩu Bờ Y, mới 4 giờ chiều đã nghỉ việc. Thử ướm hỏi một nhân viên hải quan còn nán lại chưa về, anh ta dửng dưng cho biết muốn đi thăm thì mai quay lại! Cả nhóm tiếc rẻ, đứng nhìn quanh. Hoang vắng, đìu hiu, một siêu thị đồ sộ với mấy dãy nhà và cỏ, cỏ mọc rất cao.
Xe bò lên đèo Lò Xo, trời lạnh đằm đằm. Mây phủ giăng che đầu các chóp núi, vài dải mây vắt nhẹ bềnh bồng ngang sườn núi như chiếc khăn san làm duyên cho sơn nữ. Dừng xe, ai nấy như bị hớp hồn, chúng tôi rút máy ảnh ra bấm như đang lạc vào một bức tranh thủy mạc, chưa bao giờ nhìn thấy và sợ nó biến đi vì không có thực ngoài đời. Lúc ấy mà có một bóng nai ngơ ngác ngẩng đầu nhìn hay dáng người gùi măng len lỏi giữa hốc núi bên kia thì thực là chốn thiên thai.
Chẳng nghĩ ngợi gì, tôi buột miệng kêu lên: "Xin cám ơn những người làm đường vô danh đã để lại cho đời con đường Trường Sơn hào hùng rất đẹp". Mấy người bạn đang say sưa bấm máy ngoái lại nhìn tôi, sau một thoáng ngạc nhiên họ gật đầu tán thưởng rồi tiếp tục ... ngắm và bấm máy.
Đang bàn nhau là có nên ghé vào A Lưới không thì đài FM phát bản tin dự báo thời tiết, cho hay sắp có mưa to ở khu vực trung và nam Trung bộ, có thể gây sạt lở, nghẽn đường và ngập lụt nhiều nơi. Chẳng nói chẳng rằng, ông bạn lái xe nhấn ga vội vàng rời đường Trường Sơn, chúi xuống đèo Thác Nước để chạy về Quảng Nam trốn những cơn mưa rừng.
Hú vía, xe về tới Đà Nẵng thì nghe nói Trường Sơn đang ngập trong mưa. Hai ngày sau, đã nghe tin suốt dọc miền Trung từ Nghệ An vào tận Phú Yên đều trắng xóa biển nước. Xin hẹn năm sau, chúng tôi sẽ trở lại Trường Sơn trước mùa mưa bão.
_____________________________________________________________
(*) Lời bài hát Còn chút gì để nhớ - Nhạc: Phạm Duy - Thơ: Vũ Hữu Định.
(**) Lời bài hát Trường Sơn đông, Trường Sơn tây - Nhạc: Hoàng Hiệp - Thơ: Phạm Tiến Duật.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com