Từ TP Cần Thơ, phía Nam của đất nước, tôi nhận được cú điện thoại của người bạn thân ở Hà Nội nhắn: “Ra ngay để đi Lũng Cú- Hà Giang!”. Cũng may, Cần Thơ đã có đường bay với Hà Nội nên tôi ra kịp.
Cột cờ Lũng Cú. |
Bây giờ, đi Lũng Cú- Hà Giang, cách Hà Nội 500km, là điều không khó khăn gì, nhưng đi theo nhóm bằng xe riêng thì phải kén được lái xe giàu kinh nghiệm, từng đi lại con đường nguy hiểm số một ở nước ta hiện nay... thì không phải chuyện dễ. Lên đến thị xã Hà Giang rồi, các đồng chí ở địa phương đều khuyên chúng tôi nên... đổi tài xế, địa phương sẽ cho mượn tài xế qua đường. Sau khi biết lái xe của chúng tôi đã lên Hà Giang nhiều lần và hiện nay vẫn luôn đi lại con đường này thì các đồng chí ở địa phương mới an lòng. Cử chỉ ấy của người Hà Giang làm chúng tôi thấy ấm lòng. Thú thật, trong đoàn chúng tôi (7 người), có ông đã từng mang ý tưởng lên tận đỉnh cao Lũng Cú để ngắm lá cờ Tổ quốc nơi địa đầu đất nước này nhưng lên đến huyện Đồng Văn rồi, thấy nói đường lên xã Lũng Cú còn nguy hiểm hơn nên sợ quá, đành ở lại Đồng Văn, chờ lúc xe quay lại để xuôi về Hà Nội! Trong đoàn đi của chúng tôi kỳ này, có vị khách đó, nhưng chắc chắn là lần này ông không bỏ cuộc!
...Bảy anh em chúng tôi đã có mặt dưới chân cột cờ Lũng Cú sau hai ngày đường vất vả. Ngày thứ nhất chúng tôi ngủ lại thị xã Hà Giang, ngày thứ hai ngủ tại Đồng Văn, sớm hôm sau mới khởi hành lên Lũng Cú. Theo lời anh lái xe thì đến Đồng Văn rồi, tuy còn thời gian nhưng phải ngủ lại một đêm cho tỉnh táo để sớm mai đi tiếp con đường cheo leo nhất lên Lũng Cú. Từ thị xã Hà Giang lên huyện Đồng Văn qua hai huyện Yên Minh và Mèo Vạc đường chim bay là 50km, nhưng vì đường vòng vèo qua các sườn núi nên phải đi mất 160km. 160km quanh co đó không thể đi nhanh được nên thời gian đi phải tương đương với hơn 300km ở miền xuôi, từ TPHCM đi Cà Mau! Từ thị trấn Đồng Văn lên Lũng Cú là 27km nhưng thời gian đi phải mất nửa ngày! Vì thế ở đây mới có câu ca:
Thấy nhau trong tầm mắt
Gặp nhau mất nửa ngày!
Người viết bài này đã từng đi những con đường hiểm trở của vùng núi phía Bắc như đường số 4 men biên giới Việt- Trung từ Lạng Sơn đi Cao Bằng, đường Hà Nội- Lai Châu lên Điện Biên... nhưng quả thực đường lên Lũng Cú là đáng nói nhất. Những khúc “cua” khuỷu tay, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực thẳm, tài xế phải “cua” tay lái chính xác đến từ xen-ti-mét mặt đường! Nếu “cua” sớm 1-2 giây thôi, thì xe sẽ va vách đá, nếu “cua” chậm thì lao xuống vực! Có chỗ, tôi phải nhắm mắt lại cho đỡ sợ! Vậy mà ở Lũng Cú này, ai cũng khoe, đường bây giờ dễ đi lắm rồi, vì năm 2001 đã được Nhà nước tu bổ và trải nhựa, còn xưa kia thì... Chính vì con đường 500km từ Hà Nội đi Hà Giang- Lũng Cú là một thử thách, nên các hãng xe Mỹ, Nhật... vào Việt Nam hiện nay cho xe chạy ở cung đường này rồi quay phim, quảng cáo rùm beng trên mạng!
Mắt rồng dưới chân núi Rồng. |
Vậy là chúng tôi đã đứng dưới chân cột cờ xã Lũng Cú, cao 1.800m so với mặt biển. Cột cờ cao 20m, được xây theo kiểu cột cờ ở nội thành Hà Nội, dưới chân bệ có 6 mặt phẳng hoa văn phù điêu trống đồng Đông Sơn bao quanh. Cô hướng dẫn viên du lịch Bùi Thị Hà cho hay, lá cờ rộng 54 mét vuông, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em Việt Nam. Cứ một tuần phải thay cờ một lần vì gió quá mạnh làm hư cờ và sương gió làm bạc màu cờ!
Theo ông bà kể lại thì cái tên Lũng Cú có nhiều truyền thuyết, Lũng Cú là từ chữ “Long Cư”, có nghĩa là nơi ở của Rồng. Nhưng truyền thuyết được nhiều người truyền tụng nhất là từ hai chữ Long Cổ, tức trống Rồng của nhà vua. Xưa kia vua nhà Nguyễn đặt một cái trống lớn ở nơi địa đầu đất nước này, cứ mỗi canh 3 giờ, trống lại vang lên báo hiệu chủ quyền của đất nước tại nơi biên ải này. Khi có giặc giã xâm lấn bờ cõi thì trống vang lên để báo hiệu cho vua quan dưới huyện biết. Vì không thạo tiếng Kinh nên đồng bào Lô Lô gọi chệch “Long Cổ” thành “Lũng Cú”! Cũng chính tại cái mỏm núi cao có cột cờ Tổ quốc mà chúng tôi đang đứng đây, ngày xưa Lý Thường Kiệt đã cho xây dựng một cột cờ ở đây để khẳng định chủ quyền của nước Việt.
Nhìn lá cờ Tổ quốc vĩ đại 54 mét vuông bay phần phật trong gió, trong lòng chúng tôi trào dâng một tình cảm thiêng liêng! Không ai nói với ai một điều gì nhưng tất cả chúng tôi đều chung một ý nghĩ chuyến đi này là xứng đáng với một đời người. Đồn biên phòng 169 có vinh dự ngày đêm tuần tra bảo vệ cột cờ. Đây chính là địa đầu của Tổ quốc, cha ông chúng ta đã tốn bao xương máu để giữ gìn non sông gấm vóc này. Con cháu ngày nay thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu cho kẻ thù nào xâm lấn bờ cõi của cha ông để lại. Nếu tính thật chi li thì từ xóm Xẻo Lủng của xã Lũng Cú này, tức đỉnh cao nhất ở phía Bắc đến xóm Rạch Tàu của xã Đất Mũi, tỉnh Cà Mau, đó là hai điểm cực Bắc và cực Nam của đất nước ta, là chiều dài theo đường chim bay Bắc Nam của nước ta. Tôi đã đến được xóm Rạch Tàu, nay lại được đặt chân lên Lũng Cú, vậy tôi đã đến được “những cai đích” của cuộc đời, như có nhà văn đã tuyên bố như thế!
Chợ Đồng Văn. |
Trào dâng trong lòng niềm tự hào về đất nước mình, chúng tôi ngắm bốn phía từ cột cờ Lũng Cú... Dưới kia là các bản làng của đồng bào Lô Lô đang cất giữ những trống đồng có hình dáng trống đồng Đông Sơn, xa xa kia là dòng sông Nho Quế, con sông lấy làm đường ranh giới giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Theo Bùi Thị Hà thì con sông Nho Quế là của chung hai nước, một nửa sông bên này là của Việt Nam, nửa bên kia là của Trung Quốc. Vì thế cột mốc biên giới không thể cắm giữa sông mà mỗi bên phải cắm ở trên bờ, cách đường phân thủy một độ dài nhất định tùy theo địa hình. Tại cột mốc thuộc khu vực cột cờ này cách đường phân thủy là 100 mét.
Cột mốc phía bên ta mang các số chẵn, số 424, bên Trung Quốc mang số lẻ 423! Từ cột cờ Lũng Cú, du khách sẽ có dịp ngắm nhìn thiên nhiên diễm lệ nơi đây. Những ruộng bậc thang như tranh vẽ của đồng bào Lô Lô bao quanh hai hồ nước trong xanh dưới chân núi Cột Cờ. Vẫn theo cô Hà thì trái núi này có tên là núi Rồng. Rồng lấy mắt của mình để chứa nước cho đồng bào tưới ruộng! Tôi ngắt lời cô Hà: “Hai hồ này có từ bao giờ?” Hà trả lời: “Thưa các chú các bác, đó là hồ tự nhiên, có từ thuở khai thiên lập địa”! Thế mới thành... huyền thoại.
Bây giờ 9 thôn của xã Lũng Cú: Lô Lô Chải, Seo Lủng, Tả Giao Khâu, Căn Tằng, Thèn Ván, Thèn Pả. Sì Mần Khan, Sáu Chồ, Sáu Sà Phìn đều đã có điện, xã có tivi xem được chương trình tiếng dân tộc, có một máy vi tính trên mới cấp và đã biết sử dụng vi tính... Trạm xá xã có 1 bác sĩ và 2 y sĩ không kể bác sĩ của đồn biên phòng cũng phục vụ cả nhân dân trong xã. Tuy nhiên, trong 665 hộ ở xã, vẫn còn hơn 150 hộ nghèo, đồng bào Mông, Lô Lô ở đây chỉ trồng lúa và ngô, mỗi năm chỉ được một vụ, năng suất thấp... Nhưng ở đây rượu ngô luôn đầy bình. Nước ở đây là quý hiếm nhất, phải đi cả ngày đường mới mang được một can nước về nhà!
Rời Lũng Cú về Hà Nội rồi bay về Đồng bằng sông Cửu Long, nơi phù sa sông nước mênh mang, lòng tôi như se lại mỗi khi nghĩ đến nơi bà con mình phải gom từng cục đất vào hốc đá để trồng một cây ngô, phải đục đá để dẫn nước khi trời mưa... Cảm xúc thiêng liêng trong lòng chúng tôi khi đứng dưới chân cột cờ Lũng Cú, nơi địa đầu đất nước đã thay bằng nỗi nhớ thương và lòng biết ơn vô hạn khi về xuôi với những con người đang canh giữ biên cương của Tổ quốc.
(Theo Cần Thơ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com