Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đảo Lý Sơn - Thiên đường giữa biển khơi

Nằm cách đất liền chỉ khoảng 2 giờ đi tàu chậm và chưa đầy 1 giờ đi tàu cao tốc nhưng Lý Sơn giống như một ốc đảo thần tiên giấu mình trong vẻ đẹp hoang sơ giữa bao la đất trời. Chuyến “hải hành” của phóng viên Travellive đến đây đã để lại nhiều khám phá thú vị về hòn đảo được mệnh danh là “thiên đường giữa biển khơi”, một báu vật tự nhiên của Quảng Ngãi.

Từ thành phố Quảng Ngãichúng tôi leo lên chiếc xe chở khách tuyến Quãng Ngãi đi cảng Sa Kỳ. Đây là điểm duy nhất để du khách có thể bắt tàu đến tham quan đảo Lý Sơn. Chiếc xe chạy phăng phăng lướt nhẹ trên quốc lộ 24B vắng lặng thẳng tiến về phía cảng. Đã từng đi qua khá nhiều con đường nhưng con đường nơi đây gợi trong tôi cảm giác thanh bình đến lạ. Hai bên đường là những dải lúa chín vàng, bông lúa trĩu nặng đong đưa theo làn gió bồng bềnh, dặt dìu trôi miên man. Gần về phía biển, hương lúa quyện lẫn vị mằn mặn theo gió biển thổi vào. Chúng tôi cảm nhận được biển đã rất gần, mùi của biển khiến ai cũng náo nức. Vẻ đẹp của khung cảnh đồng quê thanh bình khiến con đường dài chừng 20km ra cảng trở nên gần hơn rất nhiều.

THIÊN ĐƯỜNG GIỮA BIỂN KHƠI

Chúng tôi mua vé và bắt đầu chặng đường lênh đênh trên biển để tìm đến “thiên đường giữa biển khơi”. Hiện nay, ngoài chuyến tàu chậm đi mất khoảng gần 2 tiếng để ra đảo, du khách có thể đi tàu cao tốc chỉ mất chưa đầy 1 tiếng. Chúng tôi chọn chuyến tàu chậm. Phần vì muốn cảm giác lênh đênh trên biển kéo dài, phần muốn được làm quen với người dân trên đảo đi cùng chuyến tàu. Bởi tàu này chủ yếu dành cho người dân biển đảo vào đất liền mua sắm, buôn bán làm ăn xa. Hàng hóa chất lên tàu khá nhiều, đủ các loại từ thực phẩm đến cả gia cầm, gia súc.

Tàu nổ máy giòn tan, tròng trành lướt theo con sóng. Chúng tôi leo lên phía boong tàu nhìn mũi tàu rẽ nước thẳng tới. Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển, xa xa đảo Lý Sơn dần hiện ra tựa như mai rùa khổng lồ giữa biển khơi.

Bến cảng đông vui lạ thường. Nơi đây vừa là cảng cá, cũng là nơi buôn bán hầu như tất cả các thứ thiết yếu trên cảng. Sau khi thực hiện một số thủ tục quản lý tại trạm kiểm soát ngay cảngchúng tôi tìm đến nhà nghỉ cách cảng không xa. Tại đây, không có nhiều nhà nghỉ, hainhà nghỉ nổi tiếng nhất là Mai Linh và Bình Yên với giá khá bình dân.

Đảo Lý Sơn còn có tên gọi  là cù lao Ré. Theo các vị cao niên trên đảo, có tên gọi như vậy là vì xưa kia trên đảo có rất nhiều cây ré. Vỏ cây ré dùng để buộc đồ rất bền. Đảo được khai phá vào đời vua Lê Kính Tông năm 1604. Hiện nay trên đảo còn thờ tám vị tiền hiền từng khai canh trên mảnh đất này và được ngư dân kính trọng gọi là "Bát tổ".

Huyện đảo Lý Sơn vỏn vẹn 10 km2 với dân số chừng 2 vạn người
chia thành hai xã An Vĩnh và An Hải. Dân cư sống trên đảo chủ yếu bằng nghề nông, đánh bắt hải sản. Nông sản chính ở đây là tỏi. Tuy diện tích khá nhỏ nhưng nơi đây có đến gần 100 di tích với một quần thể các đền, chùa, miếu mạo, những ngôi mộ gió của các chiến binh Hoàng Sa một thời giong buồm ra khơi giữ gìn chủ quyền biển đảo cho quốc gia. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, song có lẽ nhờ ở xa đất liền, ít bị ảnh hưởng bởi chiến tranh cũng như việc tu bổ, tôn tạo di tích theo kiểu “tân trang”  nên hầu hết các di tích của Lý Sơn còn nguyên vẹn, ít bị xâm hại. Đáng đến thăm nhất là chùa Hang, chùa Đục, đình làng Lý Hải, quần thể di tích Âm Linh Tự, nghĩa trang bộ đội Hoàng Sa...

Điều dễ làm say lòng bất cứ ai đến Lý Sơn là màu trời, màu nước ở đây. Nước biển xanh biếc, ánh nắng vàngchảy trên từng ngọn cây, đọt cỏ trong như thủy tinh, bầu trời trong veo đẹp đến ngỡ ngàng. Và gió như bay từ muôn phía ùa đến ngập hồn du khách.Biển xanh ngắt, trời xanh ngắt còn nắng ở nơi đây cũng chói chang hanh hao và gắt. Lý Sơn đã có nhà máy điện từ năm 1997, nhưng đến nay vẫn chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu. Nguồn điện thiếu thốn, cuộc sống của người dân huyện đảo Lý Sơn còn cơ cực, các sinh hoạt đều lệ thuộc vào máy phát điện mini chạy bằng diesel. Năng lượng điện nơi đây không có nhiều nên phải dùng hạn chế. Buổi trưa, để trốn cái nắng nóng oi nồng, chúng tôi ra phía biển, tìm những bóng mát của dừa, bàng biển để mắc võng ngủ. Nghe sóng vỗ ì ầm, tiếng gió biển vi vu cành lá, giấc trưa mơ màng tìm đến. Bao mệt mỏi tan biến chỉ còn lại giây phút thanh bình.

Núi Thới Lới trên đảo Lớn cách nơi chúng tôi nghỉ chân khoảng 2km. Đây là một trong những ngọn núi được hình thành từ dung nham của núi lửa cách đây hàng vạn năm. Dưới chân núi có hàng nghìn ngôi mộ chiêu hồn- những người lính đi Hoàng Sa- Trường Sa hi sinh ngoài biển khơi không trở vềNgư dân nơi đây đã nặn hình đất sét làm hình nhân thế mạng, chôn dưới ngôi mộ gió cầu mong linh hồn họ sớm được trở về với quê hương bản quán. Từ chân núi đi lên là hàng loạt chùa, miếu được dựng lên.

Điểm độc đáo chúng tôi ghé qua khi lên núi Thới Lới là chùa Đục. Trước cửa chùa, một pho tượng Phật lớn đang trong quá trình thi công. Bức tượng cao ước chừng 20 mét, rất đồ sộ đang trong giai đoạn thi công gấp rút. Chùa Đục bản thân không lớn, chỉ là một ngôi chùa nằm trong một cái hang nhỏ. Tuy nhiên, để có chỗ thờ phụng rộng hơn, chùa đã được cải tạo rộng thêm bằng cách đục sâu vào núi. Có lẽvậy mà nó mang tên là chùa Đục. Vòm hang của chùa được bao quanh bởi rễ của cây cổ thụ. Rêu xanh phủ quanh khuôn viên chùa bởi không khí nơi đây mát mẻ và khá ẩm ướt. Tuy quay ra hướng biển nhưng mưa bão lại không hề lọt vào đến ngôi chùa, đó cũng là một điềm lạ. Nơi đây không khí dường như tách biệt hẳn với xung quanh. 

Ngay sau ngôi chùa này, miệng núi lửa lớn hiện ra trước mắt chúng tôi với thảm cỏ xanh mướt trải rộng. Thung lũng rộng lớn, bắng  phẳng có hình dáng giống chiếc chảo khổng  lồ.  Đứng trên núi, trải tầm mắt nhìn khắp cả đảo
, tôi như được chiêm ngưỡngbức tranh kỳ vĩ đầy sắc màu. Màu xanh ngát của biển, màu trắng của cát, màu đất đỏ bazan lấy từ chân núi về rắc lên ruộng, chuẩn bị cho vụ tỏi mới, những thửa ruộng vuông vức xanh tươi như những tấm thảm mượt mà. Bầu trời rộng lớn, biển mênh mông, đứng trước sự hùng vĩ của trời đất, con người bỗng tự thấy mình nhỏ bé biết bao. Sự hùng vĩ ấy khiến chúng tôi choáng ngợp, tuy nhiên đó là cảm giác lâng lâng , tự do tự tại ngập tràn trong lòng thay vì cảm giác sợ hãi. Tựa như mọi sự ràng buộc của công việc, của tất thảy những luật lệ, quy tắc trong cuộc sống đều không còn. Nơi đây chỉ còn ta với ta, với Mẹ thiên nhiên hùng vĩ nhưng cũng rất đỗi bao dung. Chúng tôi nằm dài trên cỏ. Cởi bỏ giày, dép để chạy nhảy tung tăng cùng những đứa trẻ chăntrâu mặc cho những đám cỏ dại cứa vào chân trần

“VƯƠNG QUỐC TỎI”

Vẻ đẹp vừahùng vĩ, vừathơ mộng của núi, của biển đủ để nơi đây được mệnh danh là thiên đường của biển. Ngoài biệt danh đó, đảo Lý Sơn được gọi với tên dân dã “Vương Quốc Tỏi”. Nhìn từ trên cao, những ô ruộng tỏi tạo thành những mảng màu trắng, vàng như bức tranh đại hùng theo trường phái kỷ hà học. Nói về công cuộc trồng hành tỏi tại Lý Sơn quả nhiên có nhiều điểm kỳ lạ, công phu. Điều đầu tiên, không phải cứ cuốc đất lên mà trồng được như ở đất liền. Đất để trồng  phải là thứ đất moi trên núi xuống, moi từng bao mà chở xuống. Kết hợp với đó là cát trắng từ biển mang lên. Lúc đầu, người dân nơi đây băm những thân cây dại, hoặc những cây thân thảo (dạng như cây mè đã thu hoạch ) rải lớp xuống mặt thửa ruộng. Sau đó là lớp đất đỏ mang từ trên núi  xuống, dày chừng 24cm. Cuối cùng mới là lớp cát dưới biển cũng dày khoảng 2-3 cm. Người ngoài nhìn vào cứ ngỡ loại tỏi này sống được trên cát. Nhưng thực chất củ hành hoặc tỏi giống được vùi dưới lớp cát, nhưng lại bám dễ và chất dinh dưỡng từ lớp đất trên núi mang xuống. Thời gian từ khi gieo trồng, chăm sóc mất đến cả nửa năm trời mới được thu hoạch.

Cánh đồng hành tỏi Lý Sơn.
 
Thu hoạch hành

Điểm lý thú nữa mà chúng tôi tiếp cận được từ người dân ở đây về loại tỏi đó là thứ tỏi mồ côi. Đây là loại tỏi có duy nhất một tép trong cả củ. Tuy nhiên tép này khá lớn, ăn cay nồng và rất thơm. Nguyên nhân là do quá trình trồng, cây tỏi không phát triển ra nhiều nhánh (có thể là do thời tiết hoặc đất xấu) do đó tép tỏi duy nhất  hấp thụ nhiều dinh dưỡng nên lớn rất nhanhcó vị rất đặc trưng. Nghề trồng tỏi được xem là thu nhập chính của người dân khi thời tiết bão tố triền miên, thuyền đánh cá chẳng thể ra khơi. Khi ấy hành tỏi được ví như vàng trắng của người dân trên đảo này.

Thông tin thêm

Đường đến đảo Lý Sơn

Thành phố Quảng Ngãi cách TP. HCM khoảng 830 km. Đến Quảng Ngãi, du khách từ bến xe TP. Quảng Ngãi bắt xe khách (Chín Nghĩa) theo quốc lộ 24 khoảng 20 km để đến cảng Sa Kỳ. Từ đây, du khách mua vé đi Lý Sơn với 2 loại tàu: Tàu chậm (tàu chợ) đi khoảng 2 giờ đồng hồ, tàu cao tốc đi khoảng 45 phút.

Lưu ý:

Du khách nhớ mang đầy đủ giấy tờ tùy thân để tiện cho việc lưu trú trên đảo. Bên cạnh đó, du khách cũng nên mua bảo hiểm du lịch, thuốc chống say sóng để chuyến hành trình diễn ra như ý.

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Cuối tuần du lịch Tiên Lãng
  • Ba địa phương – một điểm đến
  • Mộc Châu những ngày áp Tết
  • Ngoạn cảnh hồ Truồi
  • Xứ Huế bình yên
  • Tây Nguyên xanh trong
  • Ngày đẹp trời ở Vũng Tàu
  • Chùm ảnh Huế: Sông Hương thơ mộng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com