Khu du lịch Đồng Xanh vừa hoàn thành công việc lớn, tổ chức phục vụ 40 đoàn khách quốc tế và trong nước về dự lễ ngày hội cồng chiêng quốc tế và tổ chức thành công đêm giã bạn phục vụ 20 đoàn nhà báo các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên về dự hội thảo các báo khu vực miền Trung và Tây Nguyên, diễn ra từ ngày 13 đến 20 tháng 11-2009. Tạm biệt Đồng Xanh, trong lòng ai cũng nhiều luyến tiếc, ngẩn ngơ!
Đi theo quốc lộ 19 từ Thành phố Pleiku xuống Quy Nhơn, con đường bỗng rộng hẳn ra. Ùa vào tầm mắt của khách là cánh đồng lúa thênh thang chẳng khác nào đồng lúa ở miền Nam.
Đó là cánh đồng An Phú. Bạn sẽ nhìn thấy con đường đất đỏ dài chừng hơn trăm mét dẫn tới khu du lịch Đồng Xanh. Khu du lịch rộng 8 ha, ngập tràn màu xanh cây cỏ và các tư liệu văn hóa - lịch sử không chỉ của Gia Lai mà của cả Tây Nguyên hùng vĩ.
Bước chân vào đây, chúng tôi ngay tức khắc cảm thấy lòng nhẹ nhàng. Thiết kế khung cảnh nơi đây khá công phu, tinh tế với những điểm nhấn là thế giới thu nhỏ về văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên.
Tượng hai chú voi làm bằng đá, tượng trưng cho việc người Tây Nguyên rất giỏi trong việc săn bắt và thuần dưỡng voi rừng để trở thành con vật trong nhà, được đặt ngay ở phía cổng chính. Bước qua cổng vào là hai chiếc cầu có mái vòm, đã nhìn thấy một hồ nước trong xanh. Thấp thoáng xa xa là guồng nước và chiếc cầu giả làm bằng tre để khách có thể ra giữa hồ ngắm cảnh. Hai con đà điểu trong góc hồ ngơ ngác nhìn khách. Những chú ngỗng bơi trong hồ tạo nên nét duyên dáng như chào mời chúng tôi. Bên phải là một hồ sen, gặp mùa sen nở, thì cảnh quan lại càng hữu tình hơn...
Từng viền cỏ trên lối đi, từng hàng cây trên thảm cỏ được chăm chút cẩn thận. Cây ở Đồng Xanh tượng trưng của núi rừng Tây Nguyên được chọn lựa đem về. Hai hàng cau vua cao cả trên chục mét vươn cao, chen bên dưới là các loại hoa nở đủ màu. Một góc khác là những tượng nhà mồ hững hờ trên lối đi, khiến du khách có cảm giác như đang bước vào thế giới tâm linh của người Tây Nguyên.
Đồng Xanh cũng là nơi lưu giữ nhiều gỗ hóa đá thuộc loại lớn và có niên cao. Ngay lối vào, chúng tôi đã thấy cây cổ thụ hóa đá hơn một triệu năm tuổi lớn nhất Việt Nam, được tìm thấy tại miệng núi lửa đã ngưng hoạt động ở xã Chư A Thái, huyện Ajunpa. Cây hóa đá cổ nhất Việt Nam dài hơn 12 mét, một phần được mang về đây hai khúc, đầu và thân cây, mỗi khúc nặng khoảng 7-8 tấn. Những thớ đá nổi rất đẹp và kỳ ảo. Ở những góc trưng bày khác cũng có những khúc gỗ hóa đá, nhưng không gây ấn tượng bằng cây gỗ hóa đá triệu năm tuổi kia.
Theo lối đi có hàng cây ken dài, bên dưới có những chiếc ghế đá, lá rụng rơi dày, đôi khi những chú chim bồ câu dạn dĩ bay lượn quanh. Vào sâu bên trong, chúng tôi lại thấy một hồ nước khác. Một ngôi chùa mô phỏng Chùa Một Cột ở Hà Nội được dựng lên. Gần đó là tượng Vua Nước (Pờ Tau La) và Vua Lửa (Pờ Tau Pui) - hai vị vua linh thiêng của các dân tộc Tây Nguyên.
Trong không gian xanh còn có những ngôi nhà rông, nhà sàn của người dân các dân tộc Xê Đăng, Jơ Rai, Bahnar - nhưng là những ngôi nhà đã được bê tông hóa.
Đoàn nhà báo các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên chúng tôi thực sự được thưởng thức một không gian văn hóa Tây Nguyên tại đây, trong đó có cái chiêng lớn nhất Việt Nam, có trưng bày những sinh hoạt, giao lưu của loài người thời hoang sơ. Đến với khu du lịch Đồng Xanh, chúng ta sẽ được thưởng thức những buổi biểu diễn do chính các nhóm nhạc của người dân tộc địa phương biểu diễn cùng các nhạc cụ như đàn Tơ - rưng, cồng, chiêng. Dĩ nhiên, không thể thiếu ngọn lửa đêm cháy bập bùng và ché rượu cần làm say lòng du khách.
Khách đến Đồng Xanh có thể ngả lưng trên thảm cỏ xanh để quên đi mệt mỏi, hay ngồi giữa cầu thả câu... Đồng thời trước lúc chia tay, khách có thể mua sắm được nhiều quà do bàn tay người dân các dân tộc Tây Nguyên làm ra, làm đẹp lòng du khách.
(Theo Vân Sơn/BaoNgheAn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com