Không hề có một thứ hàng hóa gì đắt giá ngoài mấy món đồ chơi dân gian bán cho trẻ con và những thứ hàng hóa đậm chất quê mùa bán cho người lớn tuổi nhưng phiên chợ chỉ họp một năm một lần vào sáng mùng 6 Tết tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, thu hút rất đông người dự.
Làm tò he |
Khu đất họp chợ Chuộng chỉ là một bãi đất bồi ven đê sông Hoàng. Bỏ không cả năm chỉ mùng 6 Tết mới họp chợ một lần. Trong phiên chợ không có một thứ hàng hóa gì đắt giá ngoài mấy món đồ chơi dân gian như: trống bổi, những con gà được nặn bằng đất đầu cứ gật gù theo nhịp bước đi của người mua nó, những con tò he cùng những loại bánh trái miền quê.
Nhưng không phải vì thế mà chợ vắng khách mà ngược lại trong phiên chợ chỉ diễn ra một ngày có tới 5.000 – 7.000 lượt người tham gia. Trong không khí của ngày tết, thanh niên nam nữ xúng xính bên những bộ quần áo mới đủ màu sắc tập trung đông nghịt xung quanh bãi bồi và trên đê trông thật đẹp mắt.
Không ai bảo ai, cứ khoảng 1 giờ sáng mùng 6 Tết những người bán đồ chơi, quà cáp lại xôn xao để chuẩn bị ra chợ. Khách đi chợ cũng tự động đến chợ để hy vọng “bán điều rủi, mua điều may”, bất kể hôm đó nắng hay mưa. Có những năm trời mưa như trút nhưng chợ vẫn đông nghịt người. Người dân quanh chợ như: Hoàng Giang, Dân Quyền, Dân Lý dù làm gì, đi đâu cũng chờ qua ngày họp chợ mới được đi.
Nhân dân trong vùng còn truyền tụng câu ca: “Chết bỏ con, bỏ cháu; Sống không ai bỏ mùng 6 chợ Chuộng”. Với quan niệm đi chợ để “mua may, bán rủi” nên nhiều người dù giàu dù nghèo cũng nô nức đón chờ phiên chợ. Đến chợ đầu xuân mọi người vẫn mong bỏ hết những điều không may ở lại bãi bồi ven đê và đón những điều mới mẻ, may mắn của một năm mới về nhà.
Vui nhất là từng tốp thanh niên nam nữ tay trong tay dập dìu đi lại quanh chợ, đám trẻ con thì xúng xính tay cầm những quả bóng bay với áo váy mới tinh đòi bố mẹ mua quà cáp, đồ chơi. Dù trong chợ không bán một thứ gì đáng giá nhưng khi ra về ai nấy đều cầm trên tay những thứ hàng quê, dân gian mua ở chợ với quan niệm sẽ mua được những điều may mắn mang về nhà.
Về nguồn gốc chợ Chuộng, một số người kể rằng – Ngày xưa, vào thời Lê Lợi có một vị tướng đánh giặc chạy ngang qua làng này thì bị kẻ địch vây bắt. Hôm ấy mùng 6 Tết. Để tránh bị địch phát hiện, vị tướng ấy đã trao đổi với dân làng và huy động nhân dân quanh vùng đó họp chợ để che mắt quân thù. Vũ khí được giấu trong những gánh quà bánh, trong nồi bánh chưng xanh.
Quân địch tưởng đó chỉ là một phiên chợ quê bình thường, mất cảnh giác nên khi vị tướng phát lệnh, dân quân làng ấy bất ngờ tấn công với nhiều loại vũ khí trên tay làm cho quân địch không kịp trở tay và bị tiêu diệt rất đông. Để tưởng nhớ chiến công đó nên cứ đến ngày mùng 6 Tết là dân quanh vùng tụ tập về đây họp chợ mua bán điều may rủi.
Có một điều kỳ lạ là năm nào cũng vậy trong phiên chợ bao giờ cũng xảy ra đánh nhau nên nhiều người đã gọi trại ra thành “chợ Choảng”. Những cụ cao niên trong làng như cụ Lê Hữu Gần, Nguyễn Quý Tiến kể lại, những phiên chợ ngày xưa vui lắm, thanh niên nam nữ các làng có điều kiện giao lưu, tìm hiểu nhau còn lũ trẻ con thì vui như mở hội khi được mẹ, cha mua cho những chú gà gật gù, thổi những con tò he “toe toe” vang cả một góc đê.
Phiên chợ Chuộng mùng 6 Tết. |
Chợ Chuộng bây giờ đã bị một số người gọi thành chợ “Choảng” bởi những bản sắc lễ hội của nó đã bị một số thanh niên, gia đình lợi dụng phong tục để giải quyết mâu thuẫn cá nhân trong phiên chợ. Có nhiều đám đánh nhau giữa thanh niên địa phương này với địa phương khác bằng dao, kiếm rượt đuổi nhau làm náo loạn cả vùng.
Phó Chủ tịch xã Đông Hoàng Lê Trọng Ái cho biết: “Những năm trước đây trong phiên chợ chỉ xảy ra những vụ đánh nhau lẻ tẻ do mâu thuẫn của một vài đối tượng thanh niên vì chuyện tình cảm trai gái trong vùng. Nhưng mấy năm gần đây nó đã biến tướng thành nơi để giải quyết những vụ mâu thuẫn giữa nhiều nhóm đối tượng của các làng, các xã lân cận.
Chính vì thế nên chính quyền địa phương đã phải vất vả trong ngày này để giữ bình yên cho phiên chợ. Những năm gần đây để đảm bảo an ninh, trật tự cho làng xã và phiên chợ quê có từ rất lâu đời này lực lượng công an xã đã phối hợp với Công an huyện Đông Sơn điều động lực lượng để trấn áp, bảo vệ phiên chợ. Mặc dù đã chú ý hết sức nhưng vẫn xảy ra những vụ đánh lộn không sao ngăn được”.
Chợ Chuộng không chỉ là một phiên chợ mua bán bình thường mà nó còn gắn liền với một câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước, do vậy chính quyền cần có những biện pháp can thiệp mạnh hơn, những quy định cụ thể song song với việc tuyên truyền để người dân tự giác giữ gìn phong tục tập quán đẹp đẽ và tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
(Nguồn: SGGP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com