Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Du ngoạn miệt vườn Phong Điền, Cần Thơ

Đạp xe dạo quanh đường làng là thú vui đối với khách du lịch nước ngoài.

Nhiều du khách đến Cần Thơ, thường tham quan các chợ nổi Cái Răng, Phong Điền rồi quay về thành phố Tây đô với những phòng ngủ máy lạnh khô khốc mà không nghĩ đến hình thức du lịch homestay, nghỉ lại trong nhà người dân, cùng sống, cùng làm việc để tìm hiểu văn hoá của cư dân địa phương, dạo quanh các cù lao và sống với không gian miệt vườn mang nhiều nét đặc trưng vùng nông thôn đồng bằng Nam bộ.

Từ bến Ninh Kiều, chúng tôi dùng tắc ráng - loại thuyền có thể đi được ở sông và len lỏi được ở những con kênh, con rạch nhỏ với chiếc máy cơ động gắn bên ngoài. Dù đang là mùa mưa nhưng hôm nay bầu trời quang đãng. Chiếc tắc ráng đưa chúng tôi đi dọc theo sông Cần Thơ chạy ngang qua chợ nổi Cái Răng. Vào buổi trưa chợ nổi có vẻ im ắng vì chắc là mọi người cũng đang nghỉ trưa. Mặc dù vậy, việc vận chuyển trên dòng sông này cũng vẫn còn rộn ràng của các ghe xuồng đi lại chở hàng hoá hay giao thông.

Những chiếc thuyền nhỏ chở từ 2 đến 4 du khách len lỏi khắp các kênh rạch là cách đi dạo độc đáo ở vùng quê sông nước Nam bộ.

Khoảng chừng 40 phút, chúng tôi đến rạch Ông Đề để rẽ vào nhà chú Mười Cương - điểm homestay đầu tiên trong chương trình. Hôm nay con rạch đầy nước nên khung cảnh vùng quê trông hấp dẫn và đẹp, hai bên bờ rạch cây cỏ mát rười rượi. Chừng 100 mét tắc ráng dừng lại để mọi người lên bờ.

Ngôi nhà trong vườn ca cao

Khu vực homestay nhà chú Mười Cương nhìn bên ngoài trông rộng rãi và thoáng, có nhiều căn nhà nối tiếp nhau trong một khu vườn rộng, phía trước là một khoảng sân có trồng hoa và cây kiểng. Chú thím Mười và gia đình vui vẻ chào đón khách. Sau khi giới thiệu gia đình gồm con trai, con gái, con rể và các cháu - một gia đình với ba thế hệ cùng sống chung với nhau - điều mà các xã hội công nghiệp phát triển gần như đã đánh mất nếp sống này. Chúng tôi nhận phòng, đó là hai căn phòng máy lạnh ở sau nhà có lối đi thông thoáng ra vào sân vườn hay ra bếp thoải mái. Mọi người nghỉ ngơi. Người thì tắm rửa, nghỉ ngơi, người đi rảo loanh quanh khu vườn trồng cây ca cao xen lẫn với nhiều loại cây ăn trái khác.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau, cả nhóm chúng tôi cùng gia đình ra vườn cây ca cao thu hoạch trái chín. Trái ca cao chín có vị ngọt ngọt, chua chua, dầm đá ăn thì rất thích. Sau khi hái xuống, đập vỏ ra để lấy ruột (gồm hạt và cơm) cho vào một thùng chiết nước cốt làm rượu. Xong, số ruột ca cao đó được ủ theo kỹ thuật với nhiệt độ thích hợp cho lên men; ủ xong sẽ được mang phơi ở sân trước nhà cho khô trước khi lọc bỏ phần cơm ruột trái. Vừa giải thích quy trình sản xuất, thím Mười vừa hướng dẫn chúng tôi cùng đập vỏ trái ca cao, moi lấy ruột cho vào mấy chiếc thúng bên trong có lót lá chuối.

Chú Mười cùng một số bạn mang ca cao đã được phơi khô và lọc bỏ ruột lấy hạt cho vào lò rang. Lò rang bằng lồng sắt theo kiểu thủ công của nhà vườn (trông như cái máy trộn hồ), sử dụng cây khô trong vườn làm chất đốt. Một quy trình tận dụng không bỏ sót vật bỏ đi của cây trồng để mang lại lợi ích tăng thêm cho nhà vườn. Chúng tôi thay phiên nhau rang cùng chú Mười. Hạt sau khi rang phải chờ cho hạt nguội để bóc vỏ rồi đem xay thành bột bằng cối xay tự chế, dùng mô tơ quay với hai khối đá ép hạt tạo ra bột. Từ bột ca cao sẽ làm ra hai sản phẩm, một là bột dùng pha nước uống và trộn thêm chất khác để làm sô-cô-la (chocolate

Ca cao nhà vườn làm bằng thủ công nhưng chất lượng vẫn ngon, thơm như hàng hiệu. Chúng tôi được chủ nhà cho dùng thử sô-cô-la thành phẩm. Hình dáng sô-cô-la nhà vườn có vẻ hơi thô, nhưng chất lượng thì ngon tuyệt vời, chẳng kém gì so với sô-cô-la hàng hiệu được bày bán ở cửa hàng hay siêu thị.

Nhân lúc đi hái trái ca cao chín, chủ nhà mang theo rổ để mọi người nhân tiện hái luôn rau vườn dùng nấu bữa ăn tối. Rau vườn thường là cải trời, cải đất, cù nèo, bông súng, lá cách… trồng hay mọc hoang chung quanh khu vườn.

Trời cũng vừa xế chiều cũng là lúc thức ăn đã được chuẩn bị, được sơ chế để chờ chúng tôi vào cùng làm món chả giò Nam bộ. Chả giò thuần tuý Nam bộ được cuốn bằng bánh tráng mặn, nhân tép, thịt và khoai cao, chấm với nước mắm chua cay. Chú Mười cùng mấy người bạn ra ao bắt cá tai tượng để chuẩn bị nấu món cá tai tượng chiên xù cuốn bánh tráng. Rau vườn thì đem đi luộc. Nấu bằng bếp củi nên mọi người phải ngồi canh lửa suốt.

Một dĩa mì xào với tàu hủ và rau cải. Canh rau nấu với tép đồng mùa nước nổi. Cơm trắng nóng hổi cùng với món ăn mà mọi người cùng hoà mình vào nấu, rồi được ngồi ăn ngoài hiên vườn, yên tĩnh, ấm áp cùng gia đình chú Mười nhâm nhi ly rượu ca cao - sản phẩm gia đình thì thật là “tuyệt cú mèo”. Mọi người ngon miệng, một phần nhờ không khí thân mật gần gũi với nhà vườn, giữa vườn cây mát mẻ, yên bình ở vùng quê vào buổi tối. Sau bữa ăn chúng tôi cùng chuyện trò với gia đình về công việc làm vườn, phong tục tập quán của địa phương...

Bữa sáng sớm ở đây cũng yên ắng, chúng tôi đi bộ vận động thể dục dọc theo rạch Ông Đề. Càng đi vào trong, con đường càng ngoằn ngèo uốn lượn theo con rạch. Cảnh vật thật bình yên. Mọi người có vẻ có nhiều việc để chăm chút cho khu vườn nhà mình nên thấy vắng vẻ và ít có người la cà trên đường. Sau bữa ăn sáng gồm trứng, cà phê, trà và ly ca cao nóng hổi thơm phức, chúng tôi thuê xe đạp tiếp tục khám phá con đường làng và đến điểm homestay thứ hai - nhà chú Ba Xinh.

Ngày thứ hai ở Phong Điền

Cây cầu khỉ trước nhà nghỉ của chú Ba Xinh.

Từ giã gia đình chú thím Mười, chúng tôi theo hướng dẫn đi tiếp dọc theo rạch Ông Đề chạy thẳng xuyên qua các khu vườn trái cây, nhiều đoạn rạch, cầu cắt ngang. Khu vực này được cộng đồng và chính quyền địa phương chủ trương xây dựng là đoạn đường sinh thái nên cảnh quan đẹp, sạch sẽ, nhà cửa hai bên rạch tương đối khang trang.

Dọc đường người dân thường bày bán trái cây chuối, bưởi, đu đủ… vườn; chỗ thì năm bảy trái, một vài loại, chỗ thì ghe xuồng chở bán hàng rong dọc theo rạch để những người không có thời gian đi chợ có thể dể dàng mua hàng hoá. Ai thích trái cây sạch, trái chín từ cây thì hãy đến đây. Ngày nào cũng có. Không gia đình này bán thì có gia đình khác bán, bán quanh năm. Ở miệt vườn, cây trái quanh năm theo mùa, lúc nào cũng sẵn.

Chúng tôi chạy vào rạch Sau và ghé thăm vườn ông Hai Rô Be, nơi làm rượu từ trái cóc và nghề mộc. Muốn qua nhà chú Hai từ con đường này chúng tôi phải qua cây cầu khỉ bằng xi măng. Từ cầu khỉ này chúng tôi đi bộ chừng 500 mét theo đường làng qua các khu vườn trái cây. Lò rượu của ông Hai được ngâm đến nay chừng hai năm. Chừng chục thùng nhựa lớn loại vài trăm lít. Ông ủ rượu theo phương pháp thủ công, rượu của ông uống vào thơm và nhẹ như rượu vang chứ không nặng như rượu đế của Nam bộ.

Đã gần 70 tuổi, ông cho biết, cũng không nhớ chính xác từ mấy chục năm nay và vì sao bà con quanh vùng vẫn gọi ông bằng cái biệt danh “Rô Be” nghe rất “Tây”. Nhưng ông Hai tin chắc một điều là mình sẽ làm được tất cả các loại rượu từ trái cây, đảm bảo chất lượng và ngon. Vừa là nông dân, ông cũng là thợ mộc lành nghề. Bạn có thể mua một đi văng gỗ cây cồng kích thước 1,4 x 2 mét, xinh xắn với giá khoảng 1,5 triệu tại đây. Nhà của ông có nuôi hai con cá hô hai màu, là loại cá hiếm, thỉnh thoảng bắt được ở vùng An Giang. Người An Giang rất đặc biệt thích ăn loại cá này.

Rời nhà chú Hai chúng tôi chạy trở lại qua cầu xi măng để đến nhà cô Mai nơi làm nghề tàu hủ, sữa đậu nành và làm bánh bông lan. Cái ao bên hông nhà cô Mai luôn xao động, ồn ào vì ngoài nghề làm bánh, tàu hũ cô còn nuôi cá rô. Loại cá luôn khuấy động khi ăn mồi. Ao cá khoảng một công rưỡi đất luôn luôn ồn ào vì tiếng quảy đuôi đớp mồi, lặn hụp của cả ngàn con cá rô.

Cô Mai hôm nay vừa làm xong mẻ bánh bông lan còn nóng hổi để ngày mai mang ra chợ Phong Điền bán. Cô mời chúng tôi một dĩa bánh để ăn thử. Tiếc là không gặp lúc cô đang làm bánh để chúng tôi quan sát hoặc cùng tham gia. Khi làm tàu hũ người ta thường nấu sữa đậu nành để tăng thêm sản phẩm và tăng thu nhập cùng một công việc. Tuy lớn tuổi nhưng cô Mai cũng như mọi người phụ nữ Nam bộ cùng với nàng dâu cần cù làm việc suốt, người nấu, làm bánh và đi bán.

Rời lò bánh cô Mai chúng tôi đạp xe đến nhà chú Ba Xinh cách đó không xa. Trước nhà chú Ba Xinh có chiếc cầu khỉ xinh xắn - cầu khỉ ‘đúng nghĩa’ với ba nhịp bằng tre bắc qua con rạch Sau. Mọi người tỏ vẻ thích thú vì có dịp ngắm nhìn cây cầu khỉ nông thôn Nam bộ, một hình ảnh ngày càng mất dần khi những cây cầu bê tông được xây dựng.

Thời điểm này là mùa mưa và là mùa nước nổi nên cảnh vật trông xanh mát dù là buổi trưa nắng và con nước làm cho con rạch thêm thơ mộng, hiền hoà.

Du khách tập nấu các món ăn Việt. Trong ảnh, chiên chả giò Nam bộ.

Trong bộ bà ba truyền thống Nam bộ, chú Ba Xinh đón chúng tôi cùng với gia đình. Phòng khách nhà chú Ba không lớn nhưng cũng đầy đủ tủ thờ ông bà cửu huyền thất tổ theo tập quán Nam bộ; bên vách treo nhiều hình ảnh kỷ niệm gia đình. Sau phút giao tiếp thăm hỏi ân cần, chúng tôi được bố trí sắp xếp phòng. Hai phòng lạnh nằm bên cạnh gian chính là chái nhà lợp bằng ngói nhưng trang trí thật đẹp và dễ thương với hai giường ngủ, tủ quần áo, hai ghế ngồi, tủ đầu giường, tranh ảnh chợ nổi và cảnh chăn vịt thả đồng, có cả mấy đôi dép mang trong nhà…

Sau một giấc ngủ trưa ngon lành, thức dậy vừa lúc xế chiều. Mọi người trong gia đình đang chờ chúng tôi cùng chuẩn bị nấu bữa ăn tối. Tôi và hai người bạn đi hái rau ‘chùm ngây’ (còn gọi là cây độ sinh hay cây thần diệu) được chú Ba trồng dọc theo rạch sau phía trước nhà chừng vài chục cây. Lá cây này hiện được phổ biến sử dụng giúp cho cộng đồng những vùng còn khó khăn từ chất dinh dưỡng phong phú của cây.

Vài người theo cô Sương, cháu của chú Ba, bắt cá điêu hồng để nướng mỡ hành ăn với bánh tráng cuốn. Người thì hái trái khổ qua để xào với trứng. Trời bắt đầu mưa, lác đác rồi nặng hạt dần. Mưa ở quê làm cho khung cảnh thêm buồn buồn và nhớ nhà. Bữa cơm vừa chín, cá vừa chín vàng thơm mùi thì mưa cũng vừa tạnh dần. Bữa ăn tối thứ hai của chúng tôi cũng vui vẻ và ấm cúng cùng với gia đình của chú Ba. Đứa cháu nhỏ được mẹ rước đi học về đến chào ông bà và các cô chú đến nhà chơi xong rồi chạy lăng xăng, tìm đồ chơi, chạy xe làm rộn ràng cả nhà lên.

Bữa cơm tối ở nhà nghỉ nông thôn.

Dù đã cao tuổi nhưng chú Ba thích làm dịch vụ du lịch theo kiểu dân dã và muốn làm được điều gì đó để bà con trong làng cùng tham gia, mọi người cùng có thêm thu nhập và lợi ích cộng đồng từ dịch vụ du lịch. Sau cơn mưa, trời tối hẳn, tiếng ễnh ương uềnh oàng, tiếng côn trùng rả rích, bản nhạc đồng quê thật sự làm mọi người thích thú nhưng cũng làm xúc động kẻ xa nhà.

Đi soi nhái, soi ếch, hay soi cóc bằng đèn sau mưa là những thú tiêu khiển về đêm ở thôn quê. Các thứ đó khi bắt được đem về nấu cháu ăn, vừa ngon vừa chống ‘còi xương’ - theo lời mấy ông già miệt vườn Nam bộ. Đi sâu vô vườn nhà, chiếu ánh đèn tìm soi các chú ếch nhái mò ra kiếm ăn.

"Tự nhiên và ngủ ngon nhé các cháu", chú thím Ba chúc mọi người rồi về phòng riêng. Mỗi buổi sáng, chú thím lại phải dậy sớm chuẩn bị nấu các món ăn sáng bán cho khách vãng lai trong vùng.

Sau một giấc ngủ trưa dài, chúng tôi không ngủ sớm được; kẻ chơi cờ, người đọc sách, nghe nhạc. Cảm giác thật thoải mái trong không gian tĩnh lặng, bình yên, khác hẳn ban đêm đô thị náo nhiệt đến tận khuya.

Buổi sáng ở nhà chú Ba, mọi người có nhiều lựa chọn món ăn sáng như bún, mì, hủ tiếu… và cà phê, nước chanh, dừa tươi, trái cây từ sản phẩm trong vườn. Sau bữa điểm tâm, chúng tôi theo chân chị Sương ra vườn, tìm hiểu cách trồng dâu Hạ Châu, loại dâu nổi tiếng là ngon và cho sản lượng tốt nhất hiện nay ở vùng này. Cho cá ăn buổi sáng, hái rau sẵn cho bữa cơm trưa, quét dọn lá cây, bắt ốc bươu cho ba ba ăn…

Đến chiều, từ giã gia đình chú Ba Xinh, chiếc tắc ráng đưa chúng tôi quay lại Cần Thơ, kết thúc chuyến du ngoạn vùng quê Phong Điền.

Dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng hiện đang được các tổ chức phát triển du lịch cộng đồng quốc tế tham gia tài trợ có hiệu quả cho người dân vùng nông thôn tại nhiều nước, đặc biệt là các nước nghèo.

Mô hình du lịch nghỉ với dân (homestay) ở Phong Điền, Cần Thơ tuy còn mới mẻ nhưng cũng đã giúp chúng tôi hiểu hơn về cuộc sống bình dị của người dân Nam bộ, đơn giản với tính cách phóng khoáng, dễ gần gũi… giúp chúng tôi những ngày nghỉ ngơi quên đi những căng thẳng của công việc và ồn ào nơi đô thị.

Địa chỉ liên hệ:
  • Homestay ông Nguyễn Văn Xinh (Ba Xinh): Số 303, tổ 54, Rạch Sau, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, Cần Thơ. ĐT: 0710.3845.511 - 0979.996.751
  • Homestay ông Lâm Thế Cương (Mười Cương): Số 275 ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, Cần Thơ. ĐT: 0710.3.942.573 - 0939.427.589

Tham khảo giá dịch vụ:

  • Giá phòng (2 người): 600.000 đồng (máy lạnh) - 400.000 đồng (quạt). Bao gồm một bữa ăn tối, một bữa ăn sáng và nghỉ một đêm.
  • Giá cho thuê xe đạp (một chiếc): 50.000 đồng/ buổi - 100.000 đồng/trọn ngày.

(Theo Thesaigontimes)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Sa Pa gọi, níu chân người
  • Du ngoạn miệt vườn Phong Điền, Cần Thơ
  • Du lịch xanh: chìa khóa của du lịch bền vững
  • Vẻ đẹp ở đảo Lý Sơn
  • Danh thắng Tràng An xứng đáng là di sản thế giới
  • Chùa Cổ Thạch
  • Lộng lẫy bờ tây sông Hàn
  • Nơi sóng biển gặp “cổng trời”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com