Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dưới chân núi Ngũ Hành

Công nhân làm việc tại vườn tượng
của nghệ nhân Nguyễn Long Bửu.
Tôi về quận Ngũ Hành Sơn (Ðà Nẵng) vào một ngày nắng chói chang đầu tháng tư âm lịch, để được vãng cảnh núi non tuyệt đẹp và gặp gỡ với nhiều nghệ nhân tại làng đá mỹ nghệ dưới chân núi Ngũ Hành Sơn. Cả một vùng cổ tích của đá với nhiều hình ảnh, sắc mầu, cùng với những thanh âm thân thuộc từ cuộc sống, từ gió biển, từ mây núi và cảm giác rất đỗi bình yên. Nghe vọng đâu đây từ vách núi lời thầm thì ngàn năm của đá.

 


Vùng đất thiêng

Không biết từ bao giờ, ở quận Ngũ Hành Sơn, người già thường kể lại cho con cháu nghe một truyền thuyết về sự hình thành của mấy ngọn núi tuyệt đẹp, nổi tiếng, có tên gọi Ngũ Hành Sơn hay núi Non Nước. Nhưng theo cứ liệu lịch sử, xưa đây là cụm đá thấp, nằm trên dải cát ven biển thuộc xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Ðà Nẵng). Gió và nước đã xâm thực vào cụm đá này, tạo thành hang động, rồi do quá trình biển lùi, nhóm đảo này dần dần được nối liền với lục địa và trở thành năm ngọn núi. Từng có nhiều câu chuyện cảm động về vùng núi thiêng xưa kia, khi vua Minh Mạng đến viếng Ngũ Hành Sơn, ông đã đặt tên cho năm ngọn núi nơi đây là Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn (gồm Âm Hỏa Sơn và Dương Hỏa Sơn), Thổ Sơn và cho xây chùa Tam Thai, điện Hóa Nghiêm, đúc chín tượng Phật và ba chiếc chuông lớn cho chùa Tam Thai. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây lại là căn cứ bí mật của phong trào cách mạng ở Quảng - Ðà. Theo ông Lê Duy Anh, người có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử xứ Quảng, thì núi Ngũ Hành là nơi ghi lại nhiều chiến tích lẫy lừng của nhân dân ta, là vùng đất thiêng luôn bảo vệ và chở che cho người dân xứ Quảng.

Ngày nay, Ngũ Hành Sơn là một quận nội thành của TP Ðà Nẵng, có diện tích 36,52 km2, chiếm 2,91% diện tích toàn thành phố, với dân số 49.180 người. Trên địa bàn quận hiện đang triển khai nhiều dự án trọng điểm của Ðà Nẵng, như bệnh viện 600 giường, làng Ðại học Ðà Nẵng,  sân gôn, các dự án du lịch ven biển, các Khu đô thị Phú Mỹ An, Nam Việt Á, Khu dân cư Tân Trà... Ðược đánh giá là một trong những địa phương có nhiều lợi thế về du lịch, dịch vụ, trong thời gian qua thành phố đã đầu tư nâng cấp và xây dựng thêm nhiều công trình dân sinh như trường học, phòng chống lũ, chống ngập úng, đường giao thông nội bộ, công trình di tích lịch sử, danh thắng, trung tâm văn hóa quận, làm tốt công tác bố trí tái định cư, tạo việc làm cho người dân. Thế mạnh kinh tế của quận Ngũ Hành Sơn là du lịch, dịch vụ và làng đá mỹ nghệ Non Nước.

Làng nghề đá

Tôi gặp nghệ nhân Nguyễn Việt Minh, Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống đá Non Nước, tại cơ sở sản xuất đá khi ông đang hướng dẫn công nhân làm việc. Biết tôi muốn tìm hiểu về nguồn gốc làng nghề, ông dẫn tôi đi thăm và tìm hiểu hầu hết các cơ sở đá mỹ nghệ trong vùng.

Gia đình ông Minh là một trong những gia đình đầu tiên có cơ sở sản xuất và kinh doanh đá tại đây, với năm thế hệ gắn bó với nghề đá. Nghe tôi hỏi về những năm tháng đầu tiên đến với nghề, mắt ông sáng lên rồi kể cho tôi nghe cả một hành trình dài. Ông am hiểu khá tường tận về đá, từ nguồn gốc đá, đến việc dùng đá để điêu khắc thành sản phẩm gì. Với ông, đá đã trở thành người bạn tri âm suốt cuộc đời, ông có thể độc thoại với đá cả ngàn tâm sự. Ðá là nơi ông dồn hết tâm sức của mình để sáng tạo. Ông cho biết, hiện vẫn chưa xác minh được cụ tổ của làng nghề là ai. Chỉ biết rằng, thời sơ khai, các bậc tiền nhân từ Thanh Hóa, trên đường lập nghiệp phương nam đã mang nghề đá cổ truyền vào làng Quán Khái - Hòa Vang tạo dựng cơ nghiệp. Xem trên nhiều bia mộ của các bậc tiền hiền họ Lê, họ Huỳnh nơi đây sẽ hiểu được bề dày lịch sử của làng Quán Khái và sự phát triển của nghề đá vào những năm giữa thế kỷ 17. Như Văn bia Ngũ uẩn sơn cổ tích Phật diệt lạc được khắc vào vách đá động Vân Thông năm Tân Tỵ (1641), trên ngọn Thủy Sơn và bia Phổ đà sơn linh trung Phật được khắc vào vách đá động Hoa Nghiêm năm Canh Thìn (1640).

Làng đá mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn hiện có 648 cơ sở sản xuất, kinh doanh với hơn 4.000 lao động. Trong 5 năm trở lại đây, trong quá trình chỉnh trang đô thị, nhiều người dân chuyển qua lao động bằng nghề đá. Ðược biết, doanh thu hằng năm từ làng nghề này đạt từ 90 đến 100 tỷ đồng. Sản phẩm ở đây đã có mặt tại các thị trường trong nước như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang các nước ASEAN, thị trường Mỹ...

Theo ông Nguyễn Việt Minh, những người đam mê đá ở đây đã cố gắng gìn giữ và phát triển làng đá với một niềm tự hào rất lớn, để không phụ lòng các tiền nhân. Ông Minh gắn bó với nghề đá một mặt để kế thừa và phát huy nghề gia truyền của gia đình, dòng họ, mặt khác là để mưu sinh. Hiện ông có hai cơ sở sản xuất và kinh doanh đá ở Ngũ Hành Sơn với hơn 30 công nhân. Thu nhập của công nhân ổn định từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/tháng. Cùng ông đi thăm nhiều cơ sở sản xuất đá tại đây, tôi mới thật sự hiểu được giá trị truyền thống của một làng nghề. Ðể có được một sản phẩm đá, người nghệ nhân đã phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi và công sức. Vì những biến động về kinh tế, trong khi ở nhiều khu công nghiệp công nhân mất việc làm thì ở đây, ngay dưới chân núi Ngũ Hành, các nghệ nhân điêu khắc đá vẫn miệt mài làm việc, ổn định cuộc sống và đang từng bước nâng cao tay nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.

Tôi gặp anh Ngô Kiên, một trong những người có tay nghề giỏi của cơ sở ông Minh, khi anh đang miệt mài bên khối đá 23 tấn để tạc tượng Phật cao 6 m. Hỏi anh về nghề đá, anh cười:

- Tôi theo nghề này hơn 10 năm rồi. Có thể nói là ăn đá, ngủ đá, đi cũng đá. Nói vậy chứ theo nghề vì yêu những tảng đá, tôi muốn thổi hồn mình vào đá. Ðối với tôi, mọi vật thể được tạo ra từ đá đều có hồn.

Ðúng như lời anh Ngô Kiên, tôi đã ghé qua một số cơ sở sản xuất đá khác và không khỏi ngạc nhiên trước những hiện vật được làm từ đá. Giữa cái nắng gắt của miền trung, những người thợ trẻ trót đam mê đá vẫn miệt mài sáng tạo. Từ chiếc lọ đựng tăm, chiếc vòng đeo tay, bình hoa, hình 12 con giáp, tượng Phật... đến muôn vàn những vật dụng trang trí khác. Ðá ở đây là loại cẩm thạch nhiều mầu sắc như trắng sữa, hồng phấn, sáng đục, xám vân đỏ, nâu đen, xanh đậm, mang vẻ đẹp bền bỉ trước thời gian. Ở đường Huyền Trân Công Chúa dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, có nhiều cơ sở điêu khắc đá nổi tiếng của các nghệ nhân Nguyễn Việt Minh, Việt Hùng, Ðầy Nhất, Huỳnh Công Dương... Ðến đây, hẳn ai cũng ngạc nhiên bởi niềm đam mê đá của các chủ nhân đã một nắng hai sương dầm mình với đá, để tạc nên hình vóc những sản phẩm có một không hai. Hàng loạt mẫu mã được thay mới liên tục, nhằm đa dạng hóa sản phẩm để không trùng lặp. Ai đã một lần tới Ngũ Hành Sơn cũng cố tìm cho mình một món đồ lưu niệm làm quà. Những sản phẩm mỹ nghệ từ đá mang một ý nghĩa thật sự, ẩn chứa cái tài và cái tâm của người nghệ sĩ. Tôi đến thăm vườn tượng của nghệ nhân Nguyễn Long Bửu. Ông là nghệ nhân đầu tiên của làng đá Non Nước vừa vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng ba. 30 năm gắn bó với nghề đá, đây là niềm vui lớn không chỉ của ông và gia đình, mà còn là niềm vui, nguồn động viên lớn nhằm khuyến khích các nghệ nhân điêu khắc đá tại đây hăng say sáng tạo nghệ thuật để làm ra những sản phẩm vừa có ích, vừa làm đẹp cho đời.

Hiện nay, làng đá đang gặp một số khó khăn, nhất là nguồn nguyên liệu đá, mặt bằng sản xuất. Trước đây, đá được khai thác tại chỗ, nhưng hiện nay do nhu cầu của thị trường, có nhiều mặt hàng cần phải sản xuất từ những tảng đá có khối lượng lớn, nguồn đá tại chỗ hiện khan hiếm, nên phải mua từ các tỉnh xa như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, hay Quảng Nam. Là làng nghề tự phát, nên hiện tại nhiều cơ sở thiếu mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hệ thống nước thải từ quá trình sản xuất đá gây ô nhiễm môi trường. Ðá lại là mặt "hàng nằm", có sản phẩm đến năm, mười năm mới có thể bán được. Trước những khó khăn đó, chính quyền địa phương và các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại đây mong sớm được thành phố và Chính phủ hỗ trợ cho vay vốn theo chủ trương kích cầu với lãi suất ưu đãi, nhằm tạo thuận lợi cho nhân dân yên tâm sản xuất, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống ở địa phương.

Làng đá mỹ nghệ hiện nay nằm trong quần thể du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn. Là quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia, danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được xây dựng thành thương hiệu không chỉ nổi tiếng ở trong nước, mà ở cả nước ngoài. Hiện nay TP Ðà Nẵng đã có quyết định xây dựng quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn và một số vùng phụ cận thành Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn với diện tích 139 ha. Ðiểm nhấn của dự án vẫn xoay quanh năm ngọn núi Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, được ví như hòn non bộ giữa lòng Ðà Nẵng, có bảo tàng đá mỹ nghệ duy nhất tại Việt Nam. Ðây là dự án được nhân dân đồng tình ủng hộ và mong đợi. Xây dựng Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn trên nền tảng hiện nay vừa góp phần gìn giữ, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, vừa làm mới bộ mặt đô thị Ngũ Hành Sơn trong hội nhập và phát triển. Nghệ nhân Nguyễn Việt Minh nói với tôi như thế khi tiễn tôi tới chân Thủy Sơn. Tôi leo lên 156 bậc tam cấp phía tây nam lên chùa Tam Thai. Ðứng trên độ cao hơn 100 m của Thủy Sơn, chiêm ngưỡng toàn cảnh quận Ngũ Hành Sơn, tôi không khỏi ngạc nhiên vì tạo hóa đã ban tặng nơi đây một danh thắng tuyệt đẹp. Thanh bình, yên ả và mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất và con người xứ Quảng. Dòng sông Cổ Cò dưới chân chùa Quan Thế Âm như một tâm khúc lặng yên và bền bỉ, chứng kiến bao cuộc đổi thay... Quận Ngũ Hành Sơn đang từng bước chỉnh trang, hoàn thiện mỗi tên đường, mỗi ngõ phố. Tôi vẫn mong những ước mơ của người dân nơi đây sớm trở thành hiện thực, bớt đi các lo toan, trăn trở với nghề, để những thanh âm quen thuộc từ làng nghề còn mãi với thời gian.
 

( Theo NGUYỄN THỊ ANH ÐÀO // Báo Nhân Dân)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Hà Nội sáng bừng một trời hoa Sưa
  • Hoàng thành Thăng Long xưa và nay
  • Cảnh quan thiên nhiên kỳ thú của đảo yến Quy Nhơn
  • Hơn 10 vạn người dự đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung
  • Cát Bà - rừng giữa biển xanh
  • Thăm Sóc Bom Bo
  • Du lịch "bụi" Tây Nguyên
  • Thăm Mai Gia thôn, "ăn" trà Long Tỉnh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com