Nếu bạn đã từng một lần được đi dạo trên đường Thanh Niên trong một buổi chiều Xuân khi tiết trời lành lạnh và không khí Tết đang tràn ngập mọi nẻo đường giữa một trời hương sắc và phong vị đặc trưng của: đào, quất, hoa đủ sắc màu vàng, hồng, xanh, đỏ thì bạn sẽ hiểu và cùng tôi chia sẻ một cảm giác thật tuyệt vời mà Hà Nội một chiều Xuân đã mang lại.
Nếu bạn chưa từng một lần cảm nhận được hương vị Tết trên đất Hà Thành, xin hãy cùng tôi du ngoạn để nghe hương hoa đào Nhật Tân nhẹ nhàng, quyến rũ lan tỏa trong từng cơn gió và mang đầy nhựa sống của mùa xuân nơi đây.
Tới thăm Hà Nội vào dịp Xuân sang bạn dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp khác biệt trong phong tục và cách thức đón Tết cổ truyền của người dân xứ Bắc. Ngay từ ngày 23 âm lịch, không khí đón Tết đã bao trùm mọi nẻo đường, ngõ phố. Từ sáng sớm, các khu chợ đã đông nghịt người, cảnh mua bán diễn ra tấp nập, vui vẻ vô cùng. Người mua vây kín hàng bánh chưng, thịt lợn, giò lụa, vàng mã để chuẩn bị cho ngày “Tết ông Công ông Táo”. Tết Táo quân được coi như lễ bắt đầu tuần Tết Nguyên đán với nghi lễ không thể thiếu được là cá chép, vàng mã, quần áo ông Táo... Các cửa hiệu bán đồ thờ cúng ở phố Hàng Mã, Lương Văn Can những ngày này đông chật người mua, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy đâu đó thấp thoáng bóng những gánh hàng vàng mã bán rong len lỏi trong các ngõ phố. Vào tầm trưa khi mùi hương trầm thơm xen lẫn mùi khói giấy lan tỏa trong tiết trời se lạnh từ khắp các con phố thì cũng là lúc người dân cùng nhau ùa về những nơi có sông nước để thả cá Chép. Theo tục cổ truyền của người dân Việt thì Táo quân gồm hai ông và một bà tượng trưng cho “Chiếc kiềng ba chân” ở bếp. Vào ngày này, Táo quân sẽ lên Thiên đình để báo cáo công việc của một năm nơi hạ giới và phương tiện về chầu trời của Táo quân là cá chép hãy còn sống thả trong nước, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông táo về trời. Cá chép được "phóng sinh" ra ao hồ hay sông sau khi thực hiện xong lễ cúng.
Kể từ sau ngày 23 Tết, đường phố Hà Nội dường như được khoác lên mình một chiếc áo mới, sặc sỡ hơn bởi những dòng người vội vã mua sắm, trang hoàng nhà cửa. Đâu đó các cửa hàng giầy dép, áo quần đều đông đúc người mua – kẻ bán. Song đến Hà Nội vào những ngày Xuân này, điều khác biệt mà bạn không thể bỏ qua đó là thú bách bộ dọc theo con đường thơ mộng - Thanh Niên, để được dịp khép chặt cổ áo mỗi khi có cơn gió nhẹ từ hồ thổi qua, làm lay động những hàng cây đang thay màu lá mới ven đường. Lạnh là vậy mà ai cũng muốn đứng ngắm cảnh xuân, nơi đó có dòng người đang chở mùa xuân về trên những chiếc xe đạp thô sơ hay xe máy, với cơ mang nào là đào, quất cùng những giỏ hoa rực rỡ trên khắp phố phường. Dạo bước quang các khu chợ hoa Tết, bạn sẽ cảm nhận được nét đẹp đặc trưng của những cánh hoa Hà Nội, vốn được thiên nhiên dành nhiều ưu đãi. Nổi tiếng nhất và được nhiều người yêu thích nhất phải kể đến hoa đào Nhật Tân, quất Quảng Bá, hay cẩm chướng, hoa đồng tiền của Ngọc Hà. Trong vài năm gần đây, Hà Nội còn du nhập thêm hàng trăm loại hoa đặc sắc như: lan Thái, cúc Nhật, đào Tây Bắc, mai Sài Gòn hay hồng Đà Lạt. Tùy vào không gian của mỗi gia đình, người dân Hà Nội thích chọn trang trí những cành đào “Tứ Quý” bao gồm lá non, nụ, hoa và quả thì cả năm sẽ làm ăn phát tài phát lộc. Ngoài ra quất cũng được ưu chuộng với “tiêu chuẩn” quả mọng vàng, tròn trịa, hoa nụ thơm ngát, nhiều lộc xanh, và thế vươn thẳng thì chắc chắn trong năm sẽ thăng tiến và nhiều lộc trong làm ăn. Ở Hà Nội, chợ hoa còn họp ở ngã ba Hàng cót, dọc phố Hàng Lược, sang Hàng Khoai, Hàng Mã rồi tới đầu đường Hàng Rươi. Đâu đâu cũng tràn ngập hương hoa và sắc màu ngày Tết. Chợ hoa thường mở từ rất sớm và kết thúc vào chiều muộn của đêm giao thừa để mọi người đều có dịp thưởng lãm.
Trải nghiệm không khí Tết Hà Nội mà thiếu đi cái không gian tĩnh lặng nhẹ nhàng của buổi chiều tất niên quả là điều thiếu sót trong chuyến ngoạn du đầy thú vị của bạn, bởi lẽ đường phố Hà Nội trong chiều 30 Tết thật vắng vẻ, mang nét duyên thầm của những khu phố cổ Hà Thành xưa. Nơi ấy chỉ còn những cô gái trong tà áo dài thướt tha bên chiếc xe đạp như gợi nhớ gợi thương. Các dãy hàng bữa sáng còn tấp nập giờ đã đóng cửa, tất cả người dân đã trút lại đằng sau những lo toan vất vả đời thường để quây quần bên bữa cơm tất niên với bát canh măng thơm mùi hành lá, thưởng thức miếng bánh chưng xanh hãy còn nóng hổi ăn với giò lụa, rồi nhà nào cũng gói nem chả rán thơm phức. Trong bếp ai ai cũng chuẩn bị đồ lễ cúng giao thừa là một con gà trống ngậm hoa hồng đỏ, xôi gấc, đồ lễ để tạ ơn trời đất, tổ tiên…
Đêm Giao thừa Hà Nội, sau thời khắc xem pháo hoa mọi người cùng đổ ra đường, đi chùa cầu lộc với ước mong no ấm, hạnh phúc, phát tài. Những ngày đầu Xuân, người dân Hà Nội thường dành thời gian đi lễ đầu xuân trong các hội chùa Trấn Quốc, Quán Sứ, Quan Thánh, Phủ Tây Hồ hay lên non trẩy hội Chùa Hương, và lưu luyến hoài cùng câu hát dịu dàng của cô gái miền kinh bắc “Người ơi, người ở đừng về” để thêm nhớ, thêm thương.
(Theo travel)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com