Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hương vị của rừng

Buôn mới định cư.
Với tôi, con người và những cánh rừng ở vùng đất Buôn Ðôn, Ðác Lắc, này tựa như mạch nguồn văn hóa thâm trầm và rỉ rách, cứ miên man chảy mãi không ngừng... Và đôi khi trong dòng chảy ấy, neo lại một ký ức đẹp và lấp lánh vô cùng.

 

Dãy Cư Minh vẫn đó, sừng sững ngọn núi thiêng. Người Mơ Nông, Ê Ðê, Lào... sống quần cư trong vùng không còn tự do vào rừng săn bắn, khai thác lâm sản bừa bãi như trước nữa. Vì đây là khu vực cấm của Vườn quốc gia Yok Ðôn.

 

Già Ma Nưa bảo thế, rồi chỉ cho tôi thấy con đường mòn dẫn xuống buôn Yăng đã bị cây cối phủ đầy lối đi. Bên con suối Ia Hia, rau tiăng lieng vẫn xanh rì và tươi non như thể chẳng bận lòng điều gì cả.

 

Già Ma Nưa hái một bó khá lớn bỏ vào sau gùi và tiếp tục xuống núi. Mặt trời lúc này đã tắt, ánh sáng chỉ còn vừa đủ làm những sợi khói từ những bếp lửa trong buôn bay lên như sương.

 

Căn nhà của già không rộng lắm, nhưng được cái gọn gàng. Bếp lửa là không gian ấn tượng và dễ thấy nhất so với mọi vật dụng trong gia đình.

 

Mí Phin (vợ già Ma Nưa) lấy trong gùi nắm rau rừng hái từ suối Ia Hia hơ vào lửa. Lá từ mầu xanh chuyển sang vàng đậm.

 

Mí Phin vo tất cả lại rồi cho vào cối giã chung với muối, ớt và một ít cá khô đã rang giòn. Vậy mà chỉ sau vài phút, cả nhà có món ăn không thể chê vào đâu được.

 

Không hiểu sao trong bữa ăn đạm bạc ấy trong lòng tôi lại dâng lên nỗi hàm ơn rừng, núi Cư Minh này. Hơn bao giờ hết, sự "thực chứng" trong tôi về một không gian sống (là rừng và cũng là không gian văn hóa - lịch sử) của cộng đồng người Mơ Nông, Ê Ðê ở đây sao mà vừa sinh động, vừa sâu thẳm lạ kỳ đến thế? Trong câu chuyện của mình, một ông già đã quá tuổi sáu mươi, cả đời chẳng đi đâu xa hơn ngọn núi Cư Minh và con suối Ia Hia kia đã phát lộ cho tôi một con đường đi tới "chính mình" một cách dung dị nhất bằng dòng tâm sự tưởng chừng không ăn nhập gì: rằng, thằng con trai K'Xay của ông đi bộ đội ở dưới buôn Yang Lành, cứ mỗi khi về nhà, nó không quên ra con suối hái rau tiăng lieng giã với muối, ớt và cá khô rang giòn để mang theo ăn cho đỡ nhớ.

 

Nó bảo, lâu không ăn cái món tiăng lieng này thì lạt cái miệng lắm... Rau tiăng lieng là của Giàng cho núi Cư Minh mà!

 

Ở đây mới có loại rau rừng ngòn ngọt lẫn đăng đắng này, nơi khác chắc không có, mà nếu có, cũng không sánh được ở đây.

 

Vậy đó, bao năm qua rừng đã sinh sôi cho con người buôn Yăng mọi thứ quý giá để sống, kể cả miếng rau rừng mộc mạc. Tôi lại hỏi già Nưa:

 

- Rừng cấm, thèm nắm rau tiăng lieng thì làm sao? Ông già lộ vẻ ưu tư:

 

- Thì vậy mới tính chuyện đem cái của Giàng cho về trồng trong vườn để vừa có cái ăn, vừa có cái để dành... Sống với rừng xưa nay, không ít thì nhiều, bằng cách này hay cách khác phải dựa vào đó mà tồn tại chứ.

 

Có lẽ không còn cách nào khác - Tôi chợt nghĩ thế! Và khi ông mặt trời bắt đầu ló dạng, trong khoảnh vườn chừng vài sào của gia đình già Nưa đã thấy những đọt rau tiăng lieng nhú mầm vươn lên trong hơi lạnh buổi sớm.

 

Nhìn ra xa hơn, tôi còn thấy cả vạt cà đắng có trái to bằng cái trứng chim sáo đeo lủng lẳng dưới vô số cành lá xanh mướt và đẫm nước.

 

Mí Nưa bảo: "Thứ quả đắng ấy cũng lấy từ rừng về đấy. Trồng nó trong vườn nhà không chỉ để ăn, mà còn để nhớ đến những cánh rừng, nơi có loại cà hoang này mọc lên nhiều lắm".

 

Chia tay những con người chân chất cùng ký ức nhỏ nhoi, thô mộc kia, tôi cứ ám ảnh mãi một điều: Rừng đối với họ không thể tách rời ! Rừng nuôi dưỡng và cho họ tất cả: lịch sử, văn hóa và cả tình cảm...

(Theo NGUYỄN ÐÌNH // Báo Nhân dân điện tử)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Nha Trang, biển gọi
  • Phượng đỏ trời Nam
  • Ngỡ ngàng cảnh ruộng bậc thang mùa nước đổ
  • Nắng đầu mùa
  • Lễ hội đâm trâu của người Tà Ôi
  • Biển Quy Nhơn - Bình Định
  • Về Hà Tiên đi... xe trượt ống
  • Cổ Lễ, ngôi chùa mang dáng dấp thánh đường
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com