Mở đầu lễ hội là màn lễ rước chân nhang từ đền vua Lê Đại Hành về chùa Đọi. Tiếp đó là lễ cáo yết xin thành hoàng cho mở cửa đình Đọi Tam, lễ rước nước, lễ rước dục (tắm tượng) ở chùa Đọi, thả đèn trời, đốt pháo bông đêm khai hội, tổ chức lễ giải hạn cầu an trên chùa Đọi.
Tiếp đó là hội thi trang trí trâu, các hoạ sĩ sẽ vẽ trang trí lên thân trâu sau đó những con trâu đẹp nhất sẽ được chọn để cày Tịch điền. Lễ tịch điền được tổ chức theo các nghi thức cổ truyền. Một bô lão ở địa phương nhập vai vua, mặc áo bào đi cày. Sau đó, theo chức vụ các quan chức lần lượt cày 3 sá, 5 sá, 7 sá và cuối cùng đại diện dân làng cày 9 sá.
Dân các làng Đọi Nhất, Đọi Tín, Đọi Lĩnh, Đọi Trung… đã tuyển chọn được 30 chú trâu đẹp nhất tập trung tại một thửa ruộng chuẩn bị cho đại lễ. Thửa ruộng chính đã được quây kín cờ hoa. Sân khấu chính được dựng ngay bên bờ ruộng theo kiểu đàn cầu an xưa. Mọi công việc đã chu toàn, người dân Đọi Sơn đã sẵn sàng cho sự trở lại của một lễ hội thiêng liêng độc đáo tưởng đã thất truyền.
Theo “Việt sử lược”, vào năm Định Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (987) vua Lê Đại Hành về cày tịch điền ở Đọi Sơn mở đầu phong tục tốt đẹp để các triều đại sau noi gương khuyến nông. Khôi phục lễ tịch điền không chỉ là dịp để nhân dân tưởng nhớ về cội nguồn về truyền thống canh tác nông nghiệp của tổ tiên mà nó còn thể hiện sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề Tam nông: nông thôn, nông nghiệp và nông dân trong thời kì mới. Đối với các nước nông nghiệp Tịch điền là một nghi lễ quốc gia, thiêng liêng trang trọng. Không chỉ ở Việt Nam, mà ở Nhật Bản theo truyền thống hàng năm, Nhật Hoàng đều trực tiếp xuống ruộng đi cày mở đầu cho một năm cày cấy của người nông dân, Thái Lan cũng có truyền thống tương tự.
(Theo vtv.vn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com