Nhà rường 5 gian ở làng Phước Tích. Ảnh: Thùy Trang |
Làng Phước Tích (thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) là ngôi làng cổ còn giữ được nhiều nhà rường và đền thờ khá nguyên vẹn, trong đó có những ngôi nhà được dựng lên hơn 500 năm về trước. Phước Tích còn nổi tiếng về nghề gốm truyền thống từ xa xưa.
Dấu tích làng Việt… Làng Phước Tích được khởi dựng từ khoảng những năm 1470, dưới đời vua Lê Thánh Tôn. Người được xem là ông tổ khai sinh làng là hầu tước Hoàng Minh Hùng, quê ở Cẩm Quyết, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Lúc này, làng được gọi là xứ Cồn Dương, nằm bên dòng sông Ô Lâu hiền hòa. Ngoài cây thị hơn 500 tuổi, đầu làng có miếu thờ Khổng Tử và cuối làng có miếu Đôi thờ ông tổ Hoàng Minh Hùng và ông tổ khai sinh nghề gốm. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kiến trúc... khi đến đây đã tỏ ra ngạc nhiên và thú vị vì sự nguyên vẹn của hệ thống nhà rường và nhà thờ dòng họ. Đặc biệt, các nhà rường có độ tuổi gần 500 năm ở Phước Tích được bảo tồn gần như nguyên vẹn, mang dáng dấp và đặc điểm của nhà rường vùng Bắc Trung bộ thuở xưa. Huế vốn là địa phương có nhiều nơi rất nổi tiếng về nhà rường như Phú Mộng-Kim Long, Nguyệt Biều, Lại Thế… nhưng chỉ có Phước Tích mới có hệ thống nhà rường cổ dày đặc và gần nguyên vẹn như thế. Theo thống kê của Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện Phước Tích có 27 ngôi nhà cổ và 10 nhà thờ các dòng hộ (trong số 117 ngôi nhà của làng), đa số là nhà rường dạng ba gian hai chái. Những ngôi nhà cổ ở đây tổ chức, sắp đặt có nền nếp, làm cho khoảng không gian đường làng, ngõ xóm trở nên có nề nếp. Mỗi nhà đều có khu vườn rộng chừng 1.000 - 1.500m2, trồng các loại cây ăn trái theo mùa. Bao quanh ngôi nhà và lối vào nhà đều là hàng rào chè tàu, cắt tỉa thẳng tắp. Về trang trí trong nhà, hệ thống nhà cổ ở đây được bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng mộc Mỹ Xuyên (cùng thuộc xã Phong Hòa) chạm khắc những nét tinh xảo, độc đáo. Hiện có 12 nhà rường tại đây được xếp vào danh sách các công trình có giá trị văn hóa đặc biệt. Không chỉ là nhà rường cổ, ở Phước Tích vẫn còn bảo tồn được nhiều giá trị văn hoá khác của người xưa như dấu tích của nền văn hoá Chăm cổ, những thiết chế tổ chức làng Việt, hệ thống các công trình tôn giáo, tín ngưỡng... phục vụ đời sống văn hoá cộng đồng. Hương xưa làng cổMột ngôi nhà 3 gian đã tồn tai hơn 200 năm. Ảnh: Thùy Trang Cây thị ở đầu làng đã hơn 500 tuổi. Ảnh: TL.
Cùng với việc lập làng, những lưu dân phía Bắc vào đây mang theo nghề gốm và qua thời gian đã làm nên tên tuổi hàng gốm Phước Tích. Cả làng có 12 lò suốt ngày đêm đỏ lửa nung gốm. Hàng ra lò được vận chuyển bằng thuyền từ bến sông Ô Lâu đưa đi bán ở các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và xa hơn nữa…
Đặc biệt, đây là nơi sản xuất những chiếc om nấu cơm cho vua ngày xưa (Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế / Sen Hà Trì quý thế Phú Xuân). Sản phẩm gốm Phước Tích hiện vẫn được nhiều người già trong làng lưu lại như trách, chậu, om, niêu, âm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè… Nhiều vật dụng trong hoàng cung triều Nguyễn hiện còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế có gốc gác từ làng gốm Phước Tích. Suốt mấy trăm năm tồn tại, nghề gốm đã nuôi sống cư dân trong làng. Khoảng năm 1989, nghề gốm ở Phước Tích bắt đầu xuống dốc và đến 1995 thì lò gốm cuối cùng trong làng cũng tắt lửa. Con cháu trong làng phần lớn chọn con đường lập nghiệp phương xa, chỉ còn lại những cụ già và một ít thanh niên làm nghề thủ công, việc vực dậy làng nghề truyền thống ngày càng trở nên khó khăn. Trong các kỳ Festival Huế 2006 và 2008, làng cổ Phước Tích được giới thiệu và lập tức thu hút sự chú ý của đông đảo du khách trong và ngoài nước với hoạt động triển lãm gốm truyền thống và tour “Hương xưa làng cổ”. Số nghệ nhân gốm thế hệ trước, nay còn không tới chục người. Hơn ba năm trước, Sở Công Nghiệp (nay là Sở Công Thương) Thừa Thiên-Huế đã tài trợ cho bốn thanh niên (làm nghề kim hoàn, thợ may) trong làng đi học thêm về nghề gốm ở làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) trong 6 tháng để về phục dựng lại làng nghề gốm Phước Tích.Gốm Phước Tích lừng danh thuở trước nay đã hồi sinh. Ảnh: TL.
Nhờ đó, sau hai mươi năm tắt lửa lụi nghề, ngày nay một số lò gốm trong làng đã được hồi sinh. Cùng vốn quý nhà cổ, việc phục hồi nghề gốm truyền thống đã đưa làng cổ Phước Tích trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách bốn phương đến Thừa Thiên-Huế.
(Theo Thùy Trang // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com