Có một ngày tôi đã theo một người đàn ông dân tộc Rai ở thôn Tân Thành, thị trấn Lạc Tánh chuyên nghề đào nu đi vào rừng. Nhóm chúng tôi có 3 người. 6 giờ sáng, chúng tôi từ nhà đi xe máy theo hướng Đồn Mỹ, đến trạm cửa rừng Quang Hà thì đi tiếp thêm bảy cây số nữa, trước khi gửi lại xe ở chòi của một người làm rẫy. Đang giữa mùa mưa, đường lầy lội, nhưng không ít người cũng gùi, nước uống vào rừng như chúng tôi. Anh bạn người dân tộc Rai, trưởng nhóm, đã 55 tuổi, có vợ và 3 con, giải thích: đó cũng là những người đi đào nu. Chúng tôi bắt đầu vào rừng và điểm đến là ngọn núi Tung, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Biển Lạc – Núi Ông. Để tìm được hang con nu, chúng tôi phải đi vào nơi có nhiều tre, le mọc, bởi vì nu thích sống gần tre, le. Đêm xuống, chúng tôi ngủ lại giữa rừng. Mệt mỏi vì cả ngày đó không đào được chú nu nào. Rừng đêm vào mùa mưa đáng sợ thật. Chốc chốc vang lên tiếng cây va đập vào nhau bởi gió. Tiếng cây gãy, cộng với tiếng mưa và sét, tạo thành âm thanh hỗn độn, ma quái. Anh bạn Rai lẩm nhẩm cầu khẩn giàng phù hộ bằng những tiếng tôi không hiểu được. Mệt mỏi, tôi thiếp đi trong tiếng ầm ầm của trời đất và tiếng cầu nguyện của anh bạn. Sáng mai, chúng tôi tiếp tục tìm hang nu. Một chiếc hang nằm khuất trong một lùm tre, trước cửa hang ,có những vết chân mờ mờ, rất mới. Trưởng nhóm tỏ ra vui vẻ khi trông thấy hang. Anh lấy lưỡi cuốc từ trong gùi ra, sau đó chặt cây làm cán cuốc. Bây giờ tôi mới hiểu được tính cơ động và thích ứng hoàn cảnh của người chuyên đi rừng. Tìm được hang nu đã khó nhưng đào hang bắt được nu cũng không dễ. Anh bạn người Rai chỉ cao khoảng 1mét 55 và nặng khoảng 45 ký, vóc người nhỏ nên việc đào hang cũng thuận lợi. Con nu ở sâu khoảng 1,5 mét, hơn nữa do nu thường đào hang ở triền núi có nhiều đá, nên rất khó đào. Tôi cứ nghĩ dại, bây giờ đang mùa mưa nên đất rất nặng, nếu như hầm bị sập, người đào nu biết kêu ai giữa chốn rừng sâu núi thẳm này. Cuối cùng, chúng tôi cũng bắt được con nu khoảng một ký lô. Nu có hình dáng gần giống chuột, nhưng to hơn và trông dữ hơn, do hai răng cửa dài và nhọn. Con nu trưởng thành nặng nhất khoảng một ký rưỡi. Gần chiều, chúng tôi ra về với thành quả là chỉ bắt được một con nu và một con sóc được bắn bằng nỏ. Trên đường về, chúng tôi phải thận trọng đi về bằng một hướng khác để tránh gặp anh em bảo vệ rừng. Anh bạn kể lại là có người đã phải bỏ của chạy lấy người, chứ nếu để anh em bảo vệ rừng bắt được, phải đi tù. Người đi bắt nu về, thường bán nu cho một đầu nậu chuyên thu mua thịt rừng với giá 130.000đồng/ kg; đầu nậu bán lại cho quán với giá 230.000 đồng/kg; chủ quán nhậu nấu nướng và bán lại cho “ thượng đế” với giá 280.000 đồng/kg. Chúng tôi về đầu thôn thì trông thấy vợ của anh bạn đã đứng chờ chồng. Chị nói đêm qua trời mưa lớn quá nên rất lo cho anh và chúng tôi, bởi từng xảy ra trường hợp: người đi đào nu đã không về. Đến khi gia đình tìm thấy được phải đào đất đưa người thân. Trừ tôi, là người đi theo tìm hiểu, mỗi người trong nhóm đào nu, được chia 30.000 đồng. ” Mai mốt chắc không còn nu để bắt đâu. Ai cũng đi bắt mà! Trước đây mỗi ngày tôi bắt cả chục con”- anh bạn nói. Hiện tại, ở nhiều nơi rừng bị tàn phá khá nhiều. Cùng với đó là những đường dây ngầm mua bán thịt thú rừng, động vật hoang dã. Động vật hoang dã ngày đang một lụi tàn đi. Điều nghịch lý là có địa phương, cơ quan chức năng ra thông báo: nghiêm cấm mua bán động vật hoang dã, song cũng trên địa bàn nơi đó quán bán thịt rừng vẫn tồn tại trước mắt bao người! Nguồn tài nguyên thiên nhiên, động vật rừng đều nằm trong sự hữu hạn. Ai không biết bảo vệ, nơi nào không biết bảo vệ thì con cháu họ sẽ là người nhận lãnh hậu quả. Tôi suy nghĩ vậy mà rùng mình.Lên rừng tìm nu
(Theo Trần Duệ/baobinhthuan)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com