Chợ cá, chợ rau… từ lâu đã là những phiên chợ đêm không thể thiếu trong đời sống người dân TP Quy Nhơn. Gần đây, Quy Nhơn có thêm chợ đêm thời trang. Mỗi chợ đêm có những đặc trưng riêng, gắn với loại hàng hóa mua bán. Và neo vào những phiên chợ ấy, là những phận người với bao nỗi nhọc nhằn…
Xưa nay, chợ cá Hàm Tử đã nuôi sống biết bao người, trong đó có những người gánh gồng. * Chợ cũ, chợ mới
Chẳng ai còn nhớ chợ rau đêm Nhơn Phú có từ bao giờ, chỉ biết rằng, đã có thời, nó còn có tên là “chợ âm phủ”. Chợ rau đêm nằm cạnh cầu Chợ Dinh, mỗi buổi chợ, lượng rau mua bán phải tính bằng tấn. Từ giữa đêm, rau do những người trồng mang ra, từ những chiếc xe thồ chở đến, từ những chiếc xe lam, xe tải cỡ nhỏ đổ về… Mỗi lần có một chuyến rau về, chợ lại ồn ào, tấp nập, đánh động cả khoảng phố đang ngủ say. Đến khoảng 5 giờ, khi trời hửng sáng, rau lại theo người tỏa đi khắp các chợ lớn chợ nhỏ trong thành phố, đi đến các địa phương khác.
Sà vào một gánh rau, tôi cũng lựa mua mấy bó cải non còn đẫm sương. Chợt nhận ra rằng, ở phiên chợ này, người ta trả treo, thỏa thuận giá cả rất nhẹ nhàng, không ai lớn tiếng, không cãi cọ. Bất chợt, thấy nhớ không khí của chợ cá Hàm Tử. Cũng bắt đầu vào khoảng giờ này, nhưng sôi động, ồn ào…
Chợ cá Hàm Tử nằm ngay bên bến Hàm Tử (phường Hải Cảng), là đầu mối nhận và cung cấp cá cho TP Quy Nhơn, một số huyện trong tỉnh và cả các tỉnh lân cận. Nửa đêm, khi thành phố còn chìm trong giấc ngủ, nơi đây lại bắt đầu nhộn nhịp tàu vào bến cùng với những hoạt động mua, bán cá. Xưa nay, chợ cá này đã nuôi sống bao người, từ những thương lái, người gồng gánh đến đội quân xích lô, xe thồ, xay đá, làm két...
Cũng bắt đầu nhộn nhịp cùng thời điểm với chợ cá Hàm Tử là chợ thịt, chợ trái cây… Chợ thịt họp ngay trong khuôn viên chợ Đầm. Chợ trái cây thì sôi động cả một góc chợ Lớn (giờ dân buôn bán quen gọi là “chợ Cháy”).
Thời gian gần đây, Quy Nhơn có thêm một chợ đêm mới: chợ đêm thời trang. Chợ thường họp khoảng 6 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Ban đầu, chợ đêm thời trang chỉ hoạt động quanh quẩn ở khu vực trước cổng Trường Đại học Quy Nhơn, sau đó, lan dần ra các địa điểm khác. Chợ đêm thời trang chủ yếu bán hàng “sale” (giảm giá), hàng “lỗi” (sai sót về kỹ thuật). Áo sơmi, áo thun, quần jeans, đồ bộ, thắt lưng, giỏ xách, trang sức, kẹp tóc... dường như không thiếu món gì. Hàng bán ở các chợ đêm thời trang thường lấy từ các chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh. Hầu hết hàng hóa đều thuộc dạng bình dân, với giá dễ mua (từ một vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng/món). Khách hàng được tự do lựa chọn thoải mái và có thể tự nhiên thử tại chỗ bằng cách mặc... chồng lên người.Phân loại rau cho vào bao, chuẩn bị chở đi bỏ mối.
Tuy không phong phú hàng hóa như các chợ đêm ở TP Hồ Chí Minh (như chợ Kỳ Hòa, chợ Hạnh Thông Tây, chợ Bà Chiểu, chợ Bến Thành), nhưng chợ đêm thời trang ở Quy Nhơn vẫn thu hút nhiều khách, nhất là những người có thu nhập thấp, sinh viên, công nhân.
Tuy nhiên, cái cách mua bán trên vỉa hè, lòng đường này cũng gây nhiều bất ổn về trật tự, vệ sinh đường phố, cần được quản lý, tổ chức lại cho phù hợp.
* Ai chọn chợ đêm...…
1 giờ sáng, sương đêm se sắt lạnh. Đường Hùng Vương vắng tanh. Người đàn ông lặng lẽ đạp chiếc xích lô ngun ngút những rau. Ông là Lê Văn Khải, ở khu vực 6, phường Nhơn Bình. Hơn 20 năm qua, đêm nào ông cũng một mình một bóng với chiếc xích lô nặng trĩu rau. Ông kể: “Đứa con gái lớn vừa trượt đại học. Thằng con trai năm nay vào lớp 11. Thu nhập chính của cả nhà nhờ buôn bán mấy thứ rau… Dù gì, tôi cũng phải cho hai đứa học đến nơi đến chốn”.
Sinh viên mua hàng ở chợ đêm thời trang. Chốc chốc, một chiếc xe tải ầm ào lao qua, xé toang màn đêm yên tĩnh. Ông Khải bảo, đã nhiều lần ông hoảng hồn vì bị những chiếc xe tải áp sát. Đường rộng, vắng, tài xế ngủ gật, đi ẩu, có lần đã quẹt vào xích lô, mang theo cả một giỏ khế. “Làm nghề gì, ai cũng muốn làm ban ngày ban mặt, cho sáng sủa, cho an toàn. Cũng tại mình theo nghiệp rau, chứ ai muốn chọn chợ đêm bao giờ…”- ông Khải thì thầm, rồi vội vã nhấn chân, đạp xe đi.
Mấy lần trở đi trở lại chợ cá Hàm Tử, để lại ấn tượng nhất trong tôi là một cô bé gầy choắt, cái miệng nhanh nhảu, đôi chân thoăn thoắt. Cô bé tên Tiên, đang học lớp 2. Tôi hỏi người nào ở chợ, em cũng biết, dẫn đi tìm ngay. Tiên kể, hầu như đêm nào em cũng theo má ra chợ, để má sai vặt, thỉnh thoảng, còn được người lớn cho cá. Dáng người nhỏ bé của em thoắt ẩn thoắt hiện giữa biển người nhốn nháo. Không biết mai này, thành viên tí hon ấy của chợ đêm sẽ ra sao…
Dẫu sao, những người buôn bán ở chợ rau, chợ cá còn có một nơi để buôn bán ổn định, còn hơn những người bán hàng ở “chợ chạy”. Với họ, bên cạnh chuyện bán buôn lỗ lãi, là nỗi lo do việc bán trốn thuế, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Anh Nguyễn Hữu Trình, 34 tuổi, một người bán hàng tại chợ đêm thời trang, cho biết: “Vì mưu sinh, chứ chúng tôi cũng không muốn lấn chiếm vỉa hè, làm mất an ninh trật tự. Tính ra, ở đây chúng tôi cũng được “du di” nhiều rồi. Mong ước của những người bán hàng chợ đêm là được thành phố quy hoạch cho một địa điểm buôn bán ổn định, có thể chỉ là một đoạn ở cạnh đường Xuân Diệu, hay một góc công viên...”.
(Theo baobinhdinh)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com