Lễ hội Đua bò Bảy Núi lần thứ 17-2008 tổ chức tại sân chùa Tà Miệt (Lương Phi, Tri Tôn, An Giang) vào ngày 27-9-2008, từ 7 giờ sáng cho đến 16 giờ chiều.
Cuộc đua sôi nổi, hào hứng trong “màn mưa”. |
Là vùng đất tụ cư khá nhiều đồng bào dân tộc, Đồng bằng sông Cửu Long có khá nhiều người Khmer sinh sống. Đồng bào Khmer đã làm giàu thêm kho tàng văn hóa khu vực này với một năm có rất nhiều lễ hội, quan trọng nhất là Chol Chnam Thmay, Sen Dolta và Ook om bok. Đặc biệt là lễ Dolta.
Không có tập tục cúng giỗ hàng năm để tưởng nhớ người quá cố trong thân tộc như người Kinh, nên việc báo hiếu tổ tiên được người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long tập trung trong ba ngày 29-8 đến mùng 1-9 âm lịch (nếu tháng thiếu thì từ 29-8 đến mùng 2-9 âm lịch) gọi là Sen Dolta. Ba ngày này mang ý nghĩa khác nhau: ngày thứ nhất nghênh tiếp, ngày thứ hai lưu giữ và ngày thứ ba đưa tiễn ông bà, được tổ chức linh đình với việc tế lễ, tụng kinh cầu siêu, cầu phước. Từ năm 1990, Tết Dolta và Lễ hội Đua bò Bảy Núi ở An Giang đã được luân phiên tổ chức tại chùa Thamit (Vĩnh Trung, Tịnh Biên) và chùa Tà Miệt. Đêm 29 hoặc 30-8 âm lịch, “con sóc” và khách du lịch gần xa thức trắng đêm rộn rịp đắm mình trong các cuộc biểu diễn văn nghệ. Tiếng nhạc ngũ âm rộn rã và những điệu múa lâm vông như cuốn hút trai gái phum sóc vào cuộc vui, để rồi sáng hôm sau hào hứng tham dự lễ hội đua bò, môn thể thao hấp dẫn có một không hai. Những con bò sau nhiều tháng trời được chăm sóc, vỗ béo bằng nhiều phương cách tốt nhất, trong ngày hội, được cho “ăn vận” đẹp mắt. Nào cặp lục lạc vàng sáng rung reng tiếng nhạc. Nào cái ách sơn phết đẹp mắt. Nào cặp sừng nhỏ nhắn được bọc trong bao vải sặc sỡ. Chúng được bắt cặp vào vòng đua.
Theo Hòa thượng Chau Sơn Hy, sãi cả chùa Sà Lôn thuộc xã Lương Phi, cho biết: “Xưa, tục đua bò được tổ chức ở một miếng ruộng lớn tại các chùa Khmer, do sãi cả và “à cha” đứng ra chủ trì giữa các đôi bò phum sóc này với phum sóc kia, để tìm ra những đôi bò hay, dẻo sức, chạy nhanh, đủ mạnh trong việc cày bừa trong các mùa vụ. Lâu dần, tục này được tổ chức vào mùa lễ Dolta và trở thành môn thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer trong vùng”. Khi được hỏi: “Tại sao các vùng đồng bào dân tộc Khmer ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh... không có môn đua bò này?”, ông bảo: “Vì ở vùng dưới đất sình, bò chạy bị lún, không thể đua được. Riêng vùng Bảy Núi, ruộng có cát cứng, long nước vào có lớp sình mỏng là đua được”. Từ những năm đầu thập kỷ 1990, chính quyền và các ngành văn hóa - thông tin - thể dục thể thao địa phương đã nâng hội đua bò lên cấp liên huyện của vùng Bảy Núi, rồi trở thành Lễ hội Đua bò Bảy Núi truyền thống cấp quốc gia hàng năm cho đến ngày nay.
Trường đua chùa Tà Miệt là một thửa ruộng hình chữ nhật, dài 160 m, ngang 60 m, xung quanh có cây xanh, bóng mát, người xem bao quanh bốn phía như ở sân bóng đá. Đoạn đường đua dài 120 m, còn lại hai đầu 40 m là khoảng cách an toàn cho bò xuất phát và dừng lại đến điểm đích là 20 m. Cặp bên là thửa ruộng nhỏ hơn để làm nơi rộng bò trước khi vào đua. Người cầm vàm điều khiển đôi bò đua gọi là “tài xế”. Đôi bò phải kéo theo chiếc bừa cây và người tài xế đứng trên đó điều khiển. Đua từng cặp 2 đôi, đôi trước đôi sau tùy theo thỏa thuận hoặc bốc thăm. Với những chiếc lục lạc vàng sáng, với chiếc ách sơn phết đẹp mắt, với cặp sừng nhỏ nhắn “khoác” áo bông sặc sỡ, các đôi bò được bắt cặp chờ vào vòng đua. Sau hai vòng “hô” làm nóng, tới điểm phất cờ là cặp bò đua (con trước, con sau chứ không chạy song song) bước vào vòng “thả”. Đoạn “thả” quyết định phân thắng bại chừng hơn trăm mét, nếu đôi trước bị đôi sau đạp lên bừa hay qua mặt là đôi sau thắng. Cuộc đua cứ vậy, hết đôi này đến đôi khác, đạp tung nước, đuổi nhau trong màn mưa, trong tiếng reo hò cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả càng về chiều càng thêm đông, kẻ núp dưới tàn cây, người “chịu trận” ướt mem!
Có người cho rằng vòng “thả” (đua nước rút, có khi bò chạy đến 80-90 km/giờ) coi đã mắt, cứ như xem đua xe ngựa ở các bộ phim La Mã; còn hai vòng “hô” thì nản quá vì bò chạy cà rề! Nhưng theo những người sành điệu, hấp dẫn nhất của đua bò lại chính ở hai vòng “hô”. Tuy các đôi bò chạy chậm, nhưng đó là lúc thể hiện tài năng của “tài xế” (người điều khiển đôi bò). “Tài xế” nào “cứng cựa” điều khiển cho đôi bò của mình làm đôi bò đối thủ hoảng loạn chạy “tạt” ra ngoài vòng đua sẽ đoạt vé vào vòng trong. Cứ vậy, từ hơn 40 đôi, loại dần còn 4 đôi vào tranh nhất, nhì, ba, tư.
Lễ hội Đua bò Bảy Núi là một môn thể thao độc nhất vô nhị ở Đồng bằng sông Cửu Long này và có lẽ cả đất nước ta cũng chưa có dân tộc ít người nào có môn này. Do đó, sức hấp dẫn và kịch tính “ăn thua” ở mỗi vòng đua rất quyết liệt. Đôi được vào hạng nhất, nhì, ba có thể tăng giá tại sân đua từ 1 lượng rưỡi lên 3 lượng vàng. Người tài xế cũng được mọi người tán tụng như vị anh hùng cầm vàm bò “can đảm” nhất vùng. Cho nên, Lễ hội Đua bò Bảy Núi càng ngày càng thu hút thêm nhiều khách, ngoài khách khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, còn có khách từ TP.HCM và các tỉnh miền Đông về tham dự, hơn 20.000 người mỗi năm.
(Nguồn: Bài, ảnh: TUYẾT MAI // Haugiang Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com