Con đường đất nhỏ nằm khuất sau thành phố Nha Trang có nhịp sống hối hả. Hai bên là hai dòng sông: Sông Cái trôi về biển và một phụ lưu khác là sông Kim Bồng. Một làng nghề trên 200 năm tuổi trải qua bao thăng trầm nằm giữa con đường nhỏ của làng quê, cách trung tâm TP. Nha Trang chỉ 10 phút chạy xe đang là điểm gây tò mò cho du khách trong những chuyến rong chơi về thành phố biển.
Làng gốm Lư Cấm nằm ở thôn Lư Cấm, xã Ngọc Hiệp (Nha Trang). Gọi là làng gốm nhưng thực ra gần như cả làng chỉ làm một nghề duy nhất: sản xuất lò đất nung. Tuy nhiên, chỉ mổi chiếc lò đất thôi cũng đã tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm cho người dân ở đây, dẫu cuộc sống đã có nhiều đổi thay, người thành phố đã chuyển từ bếp củi, bếp lò than sang bếp ga, bếp điện…
Người trong làng kể rằng: Nghề làm bếp lò ở làng có cách đây khoảng 200 năm. Khi đó đường thủy rất hưng thịnh. Làng gốm Lư Cấm nằm bên bờ sông Cái, sản xuất các mặt hàng gốm đa dạng như lu, vại, lò, bình… đuợc đưa xuống thuyền vận chuyển đến nhiều nơi, vào Phan Rang, ra Phú Yên. Đình Lư Cấm vẫn còn văn tự thờ ông tổ gốm ngày xưa.
Sau đường thủy, đường bộ phát triển, gốm ở làng được các lái buôn tới tận nơi mua, chủ yếu là gánh hoặc tải trên xe đạp đi khắp mọi miền chào bán. Gốm Lư Cấm được sản xuất bởi đất sét Vĩnh Thạnh cho nên có màu sắc tươi đỏ, hồng rất đẹp. Người thợ gốm sản xuất có tay nghề cao nên món hàng có tuổi thọ lâu.
Tôi đến làng gốm Lư Cấm vào những ngày chớm Thu. Con đường làng ngổn ngang rất nhiều lò đang phơi để chuẩn bị bỏ vào lò đốt. Trong ánh nắng ban mai, những chiếc lò như làm duyên cho con đường quê êm ả này. Tại một khu đất diện tích rộng cả ngàn mét vuông của gia đình anh em ông Xương, ông Giảm, ông Giám… Đây là làng gốm Lư Cấm cha truyền con nối. Cách đây 10 năm, truớc sân nhà ông còn một lò đốt có thể nung một lần vài ngàn chiếc lò. Đây là chiếc lò cổ có tuổi đời trên 50 năm. Nay vì do nhu cầu tiêu dùng có giảm, nên được thay thế bằng hai lò nung với công suất 500 và 1.000 lò một lần nung.
Khu vực lò gốm thật rộn rịp. Chiếc lò đất chỉ với cấu trúc đơn giản như thế những phải trải qua nhiêu công đọan khác nhau để hòan thành. Đất sét được mua với giá 100.000đồng/xe công nông. Đất được trộn, nhồi với nước cho nhuyễn, rồi theo kinh nghiệm chia ra từng phần nhỏ, mỗi phần đủ tạo ra một chiếc lò. Khung làm lò bằng tôn, lót một lớp tro mỏng để tránh đất sét dính vào khuôn. Rồi từ mẫu khuôn đầu tiên ấy tới công đoạn tạo dáng lò, gắn thêm các quai lò, làm cửa lò và vĩ lót lò. Lò làm xong, tùy theo trời nắng gắt hay không mà được đem phơi từ 24-48 giờ, sau đó đặt vào lò nung. Lò nung lò cũng giống như lò nung gạch, thường được nung liên tục trong vòng 24 giờ bằng củi hoặc trấu. Khi đó, lò đã chín với màu đất đỏ rất đẹp. Công đọan cuối cùng là đợi lò nguội, gắn vĩ lót vào đem ra thị trường tiêu thụ. Giá một chiếc lò nung thành phẩm bỏ mối là 8.000 đồng. Người mua về làm thêm vỏ bọc bằng tôn để giữ độ bền, tới tay người tiêu dùng từ 18-20 ngàn đồng/lò.
Làng gốm Lư Cấm gần như không có ý sản xuất thêm một lọai sản phẩm gốm nào khác. Bởi dẫu số phận của chiếc lò đất đã bị xô dạt bởi các loại phương tiện bếp khác, nhưng đây là loại lò “cổ truyền”, chưa bị mai một. Lò sản xuất tại Lư Cấm lại được thị trường ưa chuộng bởi tạo dáng đẹp, màu lò đẹp, độ bền cao và giữ được sức nóng tốt.
Với các tour du lịch ở Nha Trang, đi thăm làng gốm Lư Cấm là một phần không thể thiếu, nhất đối với du khách nước ngoài. Cũng trong tour tham quan làng gốm Lư Cấm, khách cũng có thể nhập cuộc để trở thành một người thợ lò như cùng nhối, cùng đưa đất vào khuôn, cùng dùng bàn xoay tạo dáng… Cảm giác khi đích thân mình làm ra một chiếc lò đất là một điều thích thú. Bên cạnh đó, các đơn vị du lịch thỉnh thoảng cũng đặt hàng cho làng nghề làm những chiếc lò đất mini để làm quà lưu niệm cho khách. Điều đáng tiếc là nếu đến làng gốm vào những ngày bình thường, bạn khó mà mua được một chiếc lò gốm nhỏ để chưng trong phòng khách của mình vì tại đây không làm sẵn.
(Nguồn: Báo Du Lịch)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com