Mùa này, đang là mùa mưa, lượng mưa trung bình 1.800 mm/năm. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Ðường phố trung tâm thị xã Kon Tum khá rộng và đẹp, hầu hết có vỉa hè lớn trồng cây xanh.
Kiến trúc thị xã này chủ yếu là nhà liền kề từ hai đến ba tầng (dạng nhà hộp), rất ít biệt thự như ở Ðà Lạt. Trụ sở các cơ quan, doanh nghiệp được xây dựng mới khá hiện đại. Số khách sạn, nhà hàng cao cấp, điểm tham quan du lịch ít hơn Ðà Lạt, nhưng cơ sở hạ tầng thể thao, vui chơi giải trí lại nhiều và sang hơn. Hầu hết những đường phố lớn, nhà mặt tiền đều mở cửa hiệu buôn bán, đủ các mặt hàng như ở dưới xuôi (chủ yếu hàng Trung Quốc, Thái-lan đưa từ bên Lào qua cửa khẩu Bờ Y và hàng từ Sài Gòn lên). Giá cả sinh hoạt ở đây rẻ hơn Ðà Lạt chút đỉnh. Người Kon Tum rất cởi mở, chất phác, thân thiện và mến khách.
Du khách đến với Kon Tum sẽ được thưởng thức nhiều trái cây thơm ngon của vùng nhiệt đới như cam, quýt, bơ, nhãn, mãng cầu... Có lẽ tại vùng đất phân định rạch ròi hai mùa mưa - nắng, nên vào dịp xuân về cả cao nguyên ấy vàng rực những loài hoa: mai, cúc, phong lan vũ nữ v.v. Mầu sắc ấy càng thêm sinh động, quyến rũ dưới bầu trời xanh mây và nắng chan hòa. Tại đây có Nhà thờ gỗ Kon Tum, được xây dựng năm 1913 hoàn toàn bằng gỗ quý, dành riêng cho đồng bào thiểu số Ba Na, Xê Ðăng, Giẻ Triêng đến làm lễ. Ðây là công trình kiến trúc độc đáo và ấn tượng.
Ðến thăm cầu treo Kon Klor và nhà rông Konro Bang. Nhìn bề ngoài, nhà rông như chiếc rìu dựng ngược vút lên trời xanh, cảm giác vừa gần gũi, vừa linh thiêng huyền bí. Một di tích lịch sử rất quý cũng hiện diện ngay trung tâm thị xã là di tích Ngục Kon Tum. Nhà ngục Kon Tum - nơi nổi danh rừng thiêng nước độc, giam cầm các nhà hoạt động cách mạng, thì ngày nay lại là một vườn hoa tuyệt đẹp. Dấu vết nền nhà ngục dường như chìm giữa các công trình văn hóa và cỏ hoa. Ðây là nơi diễn ra "cuộc đấu tranh lưu huyết" mà ông Lê Văn Hiến đã kể trong cuốn sách "Ngục Kon Tum". Bây giờ, một quần thể kiến trúc - văn hóa đã hiện diện nơi đây, bên dòng Ðák Bla, con sông "như một tiếng tù và thổi qua lòng xanh thị xã". Ðák Bla là một con sông rất lạ, nó... chảy ngược, băng qua thị xã Kon Tum hợp lưu với dòng Ðák Pô Cô hướng lên thăm thẳm mịt mù Trường Sơn, nhập với sông Tông Lê Sáp (Cam-pu-chia) đổ vào Biển Hồ mênh mông rồi lại quay về Việt Nam qua hệ thống sông Cửu Long. Trên dòng chảy của nó người ta đã và đang xây dựng một tổ hợp thủy điện với Ya Ly, Sê San, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4.
Thị xã Kon Tum không lớn lắm, khá bằng phẳng, bốn bề núi bao bọc, có dòng sông Ðák Bla chảy ngược giữa lòng thị xã, như dải lụa hồng vắt ngang bộ ngực thanh xuân thiếu nữ (mùa mưa, nhiều phù sa nên có nước mầu hồng). Ở đây còn có núi Ngọc Linh quanh năm sương mù bao phủ (cao 2.596 m - cao nhất miền nam, có sâm Ngọc Linh nổi tiếng), hồ thủy điện Ya Ly, chiến trường Ðác Tô - Tân Cảnh, đường mòn Hồ Chí Minh (địa phận Kon Tum)... vùng đất có lịch sử hào hùng với nhiều danh thắng độc đáo và thơ mộng.